Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống ở trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Tuyến - Bác sĩ Ngoại Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Vẹo cột sống lưng là bệnh do các bất thường bẩm sinh hay mắc phải của các đốt sống, cơ và các dây thần kinh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là cột sống bị nghiêng sang một bên. Phần lớn các trường hợp vẹo cột sống lưng ở trẻ không đòi hỏi phải chữa trị với sự can thiệp của y học. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, hình thể trẻ có thể bị biến dạng vĩnh viễn. Mổ vẹo cột sống được xem là phương pháp điều trị hữu hiệu trong những trường hợp cong vẹo cột sống nặng.

1. Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống là gì?

Cong vẹo cột sống được định nghĩa là tình trạng cong bất thường của cột sống gây lệch sang một bên và thường không rõ nguyên nhân, về lâu dài làm biến dạng cột sống gây gù, ưỡn, còng, vẹo.... Ở trẻ em thường gặp là cong vẹo cột sống học đường nguyên nhân thường là do tư thế ngồi học không đúng, mang vác quá nặng, hoặc kích thước bàn ghế học không phù hợp với lứa tuổi, do bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, chấn thương do tai nạn...

Bệnh cong vẹo cột sống lưng có thể được nhận biết thông qua một số dấu hiệu và triệu chứng ở bên ngoài, tuy nhiên để xác định chính xác tình trạng bệnh và độ cong vẹo cột sống lưng thì bác sĩ cần thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết như X-Quang KTS, MRI.

Phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống phụ thuộc vào tuổi khởi phát của bệnh, mức độ nặng của biến dạng vẹo cột sống, tốc độ tiến triển của các biến dạng và trong một số trường hợp chỉ định mổ vẹo cột sống phụ thuộc và vị trí của biến dạng. Phần lớn những ca bệnh vẹo cột sống tự phát được chỉ định mổ vẹo cột sống khi biến dạng cột sống từ 45 độ trở lên.

vẹo cột sống
Hình ảnh phim Xquang bệnh nhân bị vẹo cột sống

2. Chỉ định - chống chỉ định mổ vẹo cột sống

2.1. Chỉ định

  • Vẹo cột sống ngực vô căn thiếu niên hoặc vẹo cột sống đoạn bản lề ngực thắt lưng hoặc đoạn thắt lưng (Lenke I hoặc V);
  • Góc vẹo cột sống trên 40 độ và dưới 70 độ;
  • Góc vẹo cột sống lưng từ 35 độ đến 40 độ, nhưng góc vẹo tiến triển nhanh (trên 10 độ trong vòng 1 năm, mặc dù có sử dụng áo chỉnh hình cột sống);
  • Góc vẹo cột sống lưng mềm dẻo dưới 30 độ;
  • Dưới 8 đốt sống cần hàn xương;
  • Hàn xương không quá đốt T4, không quá đốt L1, những trường hợp này thường được can thiệp phẫu thuật nội soi chỉnh vẹo.

2.2. Chống chỉ định

  • Những đường cong ngực kép;
  • Những đường cong ngực cao cứng (tỷ lệ mềm dẻo dưới 50%, hoặc góc nắn chỉnh trên 30 độ);
  • Góc gù cột sống ngực trên 40 độ;
  • Mắc các bệnh lý lồng ngực (tiền sử: viêm dính màng phổi, lao phổi, viêm phổi tái phát...), chức năng phổi kém hoặc đã có tiền sử phẫu thuật lồng ngực hoặc vùng sau phúc mạc cùng bên can thiệp vẹo (bên lồi).
Góc gù
Góc vẹo cột sống lưng cần đảm bảo yêu cầu kĩ thuật

3. Các bước phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống

3.1. Kiểm tra hồ sơ

Thực hiện kiểm tra đầy đủ theo quy định Bộ Y tế

3.2. Kiểm tra người bệnh

Đúng người (tên, tuổi, địa chỉ...), đúng bệnh

3.3. Thực hiện kỹ thuật

  • Người bệnh nằm tư thế nghiêng về phía đỉnh vẹo, gây mê nội khí quản Carlen;
  • Xác định đường cong cột sống dưới C-arm 2 bình diện để tiến hành đặt hệ thống ống nong trocar;
  • Rạch da khoảng 1,5 cm tại vị trí các khoang liên sườn tương ứng để vào các đĩa đệm ở đỉnh vẹo và xung quanh đỉnh vẹo từ 2 đến 3 mức ở phía trên và phía dưới đỉnh vẹo cột sống;
  • Dùng dao cắt bao xơ đĩa đệm ở mặt bên;
  • Sử dụng pince để lấy đĩa lấy nhân nhầy đĩa đệm;
  • Sử dụng các dụng cụ chuyên biệt lấy đĩa đệm và các tấm tận (endplate);
  • Ghép, đặt xương đồng loại, xương nhân tạo hay xương tự thân vào vị trí khoảng trống đĩa đệm vừa lấy ra;
  • Đặt hệ thống nẹp vít trên các đốt sống ngực đã định hướng;
  • Đặt hệ thống nẹp dọc theo cột sống lưng;
  • Chỉnh hình lại cột sống trên hệ thống vít và nẹp;
  • Đặt ống dẫn lưu ngực.
Cong vẹo cột sống
Hệ thống vít và nẹp được sử dụng trong phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống

4. Tai biến và xử trí sau mổ vẹo cột sống

  • Tổn thương rễ thần kinh, màng cứng: Xử trí bằng cách vá màng cứng.
  • Tổn thương động mạch chủ ngực hoặc tĩnh mạch chủ: xử trí tổn thương tùy theo vị trí.
  • Nhiễm trùng vết mổ: sử dụng kháng sinh theo đường tĩnh mạch theo kháng sinh đồ, thay băng rửa vết thương theo đúng chỉ định; truyền dịch, có thể phẫu thuật lại khi cần đồng thời tiến hành cắt lọc làm sạch vết thương.
  • Máu cục màng phổi: thực hiện nội soi lấy máu cục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan