Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

Bài viết bởi Bác sĩ Ma Văn Thấm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sức khỏe và phát triển. Trong khi ngủ,thùy trước tuyến yên trong não của trẻ em tiết ra hormon tăng trưởng. Giấc ngủ đặc biệt quan trọng tới sự phát triển trí não của trẻ em. Do đó các rối loạn về giấc ngủ ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

1. Giấc ngủ REM và NREM là gì?

Ngủ là nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người nhằm cân bằng các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Giấc ngủ bao gồm 2 phần: giấc ngủ REM và giấc ngủ không REM. 2 chu kỳ này sẽ diễn ra liên tục và xen kẽ lẫn nhau trong suốt thời gian cơ thể trong trạng thái ngủ

Giấc ngủ REM còn được gọi là “giấc ngủ nghịch” bởi mặc dù cơ thể đang ngủ nhưng não lại hoạt động rất tích cực. Trong giấc ngủ REM, mắt chuyển động rất nhanh, nhịp tim và hơi thở đều trở nên bất thường, lúc nhanh lúc chậm khó đoán. Lúc này, con người sẽ ở trạng thái mơ màng hoặc đang ở trong những giấc mơ và có thể xuất hiện những chuyển động cơ thể.

Rối loạn giấc ngủ
Chu kỳ sinh học của giấc ngủ

Giấc ngủ không REM hoàn toàn trái ngược với giấc ngủ REM khi cơ thể hoàn toàn chìm trong giấc ngủ sâu. Với giấc ngủ không REM, juyết áp, nhịp tim, nhịp thở và tốc độ chuyển hóa đều giảm xuống. Trong khi đó, các sóng điện não lại trở nên rất mạnh và có tần số thấp. Lúc này, các chuyển động cơ thể sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể gặp những giấc mơ khi đang ở trong giấc ngủ không REM

Rối loạn giấc ngủ
Hình ảnh mô phỏng hoạt động của não bộ trong giấc ngủ REM và NREM
Rối loạn giấc ngủ
Sóng điện não trong các giai đoạn của giấc ngủ

2. Chu kỳ sinh học của giấc ngủ

Vào mỗi đêm, sẽ có khoảng 4 đến 6 chu kỳ REM và không REM luân phiên diễn ra. Mỗi chu kỳ ngủ thường kéo dài khoảng 90 -120 phút. Vào thời điểm đêm muộn, giấc ngủ REM sẽ trở nên dài hơn còn giấc ngủ không REM sẽ trở nên ngắn hơn.

Giấc ngủ không REM tức là giấc ngủ sâu có thể được hiểu là giai đoạn 1, 2, 3 hoặc 4. Nếu ở giai đoạn 1, 2, giấc ngủ không REM là giấc ngủ nhẹ thì ở giai đoạn 3, 4, nó là giấc ngủ sâu. Chính vì thế, nếu gặp phải những tác động, kích thích trước khi đi ngủ, bạn sẽ cảm thấy rất khó để đi vào giấc ngủ.

3. Thời gian ngủ

Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ sẽ có nhu cầu ngủ khác nhau.

  • Trẻ sơ sinh thường ngủ 20 – 22 giờ mỗi ngày, chỉ thức khi đói và bị ướt.
  • Trung bình trẻ dưới 1 tuổi ngủ 16 – 18 giờ mỗi ngày
  • Trẻ 1 – 2 tuổi ngủ 14 -16 giờ mỗi ngày,
  • Trẻ 2 – 3 tuổi ngủ 12 – 14 giờ mỗi ngày,
  • Trẻ 3 – 6 tuổi ngủ 11 – 12 giờ mỗi ngày,
  • Trẻ 7 – 10 tuổi ngủ 10 giờ mỗi ngày (trong đó giấc ngủ trưa là 1 – 2 giờ).

4. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em

Rối loạn giấc ngủ xảy ra ở 25 – 43% trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 5, gây ra nhiều trở ngại cho bản thân trẻ cũng như gia đình. Các vấn đề về giấc ngủ gây ra rối loạn chức năng cảm xúc, hành vi, và nhận thức đáng kể. Rối loạn giấc ngủ xảy ra phổ biến ở những trẻ có rối loạn phát triển tâm thần kinh.

Theo hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (DSM IV) phân loại rối loạn giấc ngủ làm 3 loại:

Các rối loạn về ngủ gồm:

  • Khó ngủ nguyên phát
  • Ngủ nhiều nguyên phát
  • Ngủ rũ
  • Rối loạn giấc ngủ có liên quan với hô hấp
  • Rối loạn giấc ngủ có liên quan đến nhịp ngày đêm

Các rối loạn có liên quan đến giấc ngủ:

  • Ác mộng
  • Hoảng hốt khi ngủ
  • Miên hành

Các rối loạn liên quan đến các bệnh lý tâm thần

Trẻ hay giật mình, ngủ không ngon giấc là do đâu?
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em khiến trẻ hoảng hốt khi ngủ

5. Yếu tố thuận lợi của rối loạn giấc ngủ

Yếu tố thuận lợi của rối loạn giấc ngủ bao gồm: Cơ thể mệt mỏi; Bị mắc bệnh cơ thể; Sang chấn tâm lý gây căng thẳng về tinh thần

Trẻ em có thể bị rối loạn giấc ngủ theo nhiều kiểu khác nhau như: có cơn ngừng thở khi ngủ ngắn kèm ngáy khi ngủ, máy giật cơ khi ngủ, ngủ ngày quá nhiều, các cử động chân tay có tính chu kỳ, cơn miên hành, mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm...

Trong số đó cơn miên hành và cơn hoảng hốt khi ngủ, khó ngủ, ngủ rũ gặp khá phổ biến.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ nhỏ hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan