Sự phát triển của trẻ mẫu giáo (từ 25 đến 26 tháng)

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ mẫu giáo 25 tháng - thêm một tháng sau sinh nhật lần thứ 2 với những tiến triển mới trong cả hành vi và nhận thức. Con sẽ luôn quanh quẩn bên bạn, thích tán gẫu và gây sự chú ý. Vì thế, bố mẹ hãy quan tâm, yêu thương và giúp trẻ mầm non khám phá thế giới xung quanh.

1. Thêm nhiều kỹ năng vận động

Trẻ mẫu giáo 25 tháng đã có thể đi lại tốt, các bước đi đều hơn và thực hiện được cả chuyển động từ gót chân đến ngón chân một cách trơn tru như người lớn. Bé cũng dần cải thiện kỹ năng nhảy và ném bóng bằng tay tốt hơn, bé tự đánh răng mà không cần sự trợ giúp, đồng thời biết rửa và lau khô tay. Nếu cho con một quả bóng, bạn sẽ ngạc nhiên về sự phối hợp tay và mắt một cách khéo léo của con.

Tuy nhiên, bé vẫn phải mặc tã lót khi ngủ vào ban đêm dù đã có khả năng tự đi vệ sinh khi thức trong ngày. Bạn cũng không cần quá lo lắng khi thấy trẻ mẫu giáo 26 tháng vẫn bú ngón tay, bởi thói quen này chỉ ảnh hưởng khi răng vĩnh viễn chỉ mọc vào 6 - 8 tuổi.

Trẻ mẫu giáo 26 tháng đã hoàn toàn có thể tự ăn mà không cần đút. Nhưng dù bé muốn tự làm mọi thứ theo cách riêng, bạn vẫn cần để ý hỗ trợ khi con chải tóc, đánh răng, cắt móng tay - chân, thậm chí chùi rửa sau khi đi vệ sinh...

trẻ tập ngồi bô nhà vệ sinh
Trẻ 2 tuổi có thể tự ý đi vệ sinh

2. Học cách đặt câu

Trẻ mầm non trên 2 tuổi sẽ sử dụng được ít nhất 50 từ đơn, xây dựng các câu đơn giản gồm 2 từ và có thể làm theo yêu cầu gồm hai bước, chẳng hạn như “Lấy đôi giày và đưa cho bố để bố cho vào kệ.” Bé có thể hiểu những gì bạn nói, miễn là không quá phức tạp. Còn bạn có thể hiểu khoảng 50% những gì con nói, nhưng đừng mong đợi mọi thứ con nói đều có ý nghĩa cho đến khi bé được khoảng 4 tuổi. Trẻ nhỏ thường nhầm lẫn các đại từ, vì vậy bạn có thể thấy con tránh dùng hoàn toàn chủ ngữ hoặc vị ngữ trong một câu.

dạy trẻ trung thực
Ba mẹ có thể khuyến khích trẻ đặt câu hỏi

3. Cao và gầy hơn

Trẻ mẫu giáo 26 tháng sẽ tiếp tục “giảm béo” sau sinh nhật lần thứ hai, không còn “sổ sữa” hay bụ bẫm như trước. Lúc này, đầu của con phát triển chậm lại, trong khi các chi và thân bắt đầu dài ra. Do đó tỷ lệ cơ thể của trẻ sẽ ngày càng giống người lớn hơn.

Mặc dù không tăng cân nhiều, nhưng trẻ 2 tuổi trở lên vẫn phát triển và trưởng thành đều đặn. Những yếu tố như gen di truyền, môi trường và dinh dưỡng sẽ tác động trực tiếp đến vóc dáng của con. Các bậc phụ huynh sẽ thấy cùng nhóm tuổi, nhưng mỗi trẻ sẽ có chiều cao và cân nặng khác nhau, kèm theo một số đặc điểm cơ thể riêng.

4. Năng lượng bùng phát

Hầu hết trẻ mầm non từ 2 - 3 tuổi đều có nguồn năng lượng dồi dào. Vì vậy hãy cố gắng tạo cho con cơ hội chạy nhảy bên ngoài mỗi ngày. Di chuyển, vận động nhiều giúp bé xây dựng sức mạnh và tăng khả năng phối hợp.

Tuy nhiên nhiều hoạt động chạy nhảy hơn đồng nghĩa là bạn cũng sẽ vất vả hơn. Hãy kiểm tra các độ an toàn của ngôi nhà để hạn chế rủi ro cho đứa trẻ năng động của bạn. Bạn cũng cần dạy con biết phân biệt giữa chơi trong nhà và ngoài trời, như không đá bóng trong nhà, không mang nước và cát vào nhà...

Cố gắng hạn chế thời gian trẻ mẫu giáo 25 tháng dán mắt vào màn hình các thiết bị điện tử. Không chỉ ngồi yên một chỗ như thế là có hại, mà bạn cũng cần để ý đến những nội dung bé đang xem.

Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều
Tránh cho trẻ tiếp xúc với thiết bị điện tử

5. Cắt giảm chất béo

Chất béo là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của trẻ, nhưng Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nên giảm lượng chất béo nạp vào của trẻ mẫu giáo 25 tháng xuống dưới 30% calo hàng ngày. Nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa trọng lượng dư thừa thời thơ ấu và nguy cơ béo phì khi trưởng thành. Chuyển sang dùng sữa ít béo và phô mai, đồng thời tiếp tục cho trẻ ăn nhiều ngũ cốc, đậu, trái cây và rau.

Mặc dù bữa sáng rất quan trọng, nhưng một vài trẻ sẽ không muốn ăn ngay sau khi thức dậy, trong khi số khác vừa rời phòng ngủ đã đi thẳng đến bếp tìm đồ ăn. Đây là điều bình thường và mẹ nên linh hoạt theo nhu cầu của con, tạo khoảng cách giữa các bữa ăn chính và phụ. Nếu dùng bữa tối vào khoảng 5 - 6 giờ chiều, con cần ăn nhẹ thêm trước khi ngủ với sữa chua, một lát trái cây, phô mai và bánh quy... để đủ no và dễ ngủ hơn.

6. Ngủ ít hơn

Trong độ tuổi từ 2 - 3, trẻ em cần ngủ từ 9 - 13 giờ mỗi đêm. Hầu hết trẻ cũng ngủ trưa vào đầu giờ chiều, nhưng một số bé sẽ bỏ ngủ trưa hoàn toàn. Không có thời lượng ngủ thích hợp ở tuổi này, vì vậy hãy để con bạn được nghỉ ngơi theo nhu cầu để cảm thấy tỉnh táo.

Nhìn chung thì bé sẽ mệt sau khi ăn trưa và bạn cũng cần nghỉ ngơi một chút. Cố gắng phớt lờ nếu bé không ngủ trưa. Chỉ cần ít nhất 1 tiếng yên tĩnh vào giữa trưa là đủ để bé hồi sức, để mẹ ngả lưng hoặc tận dụng thời gian cho chính mình một cách hiệu quả.

trẻ ngủ chung
Trẻ ở độ tuổi này sẽ có thời gian ngủ ít hơn

7. Lời khuyên khi chăm sóc trẻ mẫu giáo 25 tháng - 26 tháng

  • Giúp con khám phá thế giới tự nhiên khi phát hiện bọ, kiến, ếch và các loại sâu ngoài vườn. Dạy trẻ đối xử nhẹ nhàng với những sinh vật này cũng là học cách tôn trọng cuộc sống. Hãy cho con đi chân trần ở những chỗ an toàn để tìm hiểu về thế giới thông qua xúc giác từ lòng bàn chân.
  • Nếu bạn còn có con lớn, hãy tạo cơ hội cho anh chị em chơi cùng với nhau. Việc này giúp trẻ lớn cảm thấy mình là một phần của gia đình và không bị cô lập.
  • Cùng con đọc những cuốn sách hay cho thiếu nhi mỗi ngày tại những nơi thư giãn trong nhà. Đây vừa là cách mở mang kiến thức cho con, vừa giúp bạn có cơ hội nằm nghỉ ngơi mà không lãng phí thời gian.
  • Nếu thấy bé đưa mặt sát vào một vật mới nhìn thấy rõ, hoặc lấy tay che một mắt để tập trung, hãy đến bác sĩ để kiểm tra mắt. Các vấn đề về thị giác được phát hiện sớm sẽ có kết quả điều trị sẽ tích cực hơn.

Cuối cùng, mẹ hãy lên kế hoạch cho công việc, giao tiếp với những người khác và dành thời gian riêng cho bản thân, thay vì ở nhà suốt ngày với một đứa trẻ mầm non tinh nghịch. Cố gắng không dùng hết tiền để mua mọi thứ hấp dẫn cho đứa con nhỏ mà bỏ bê bản thân mình. Hãy suy nghĩ về nhu cầu của riêng mình, cũng như các thành viên khác trong gia đình.

Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất cũng như tinh thần của mình. Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

435 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan