Sự phát triển của trẻ ở tháng thứ 34 sau sinh

Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Ở tháng tuổi thứ 34, mẹ đã cần phải chuẩn bị hành trang cho bé đến trường. Đây chính là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời bé nhưng cũng tốn không ít nước mắt để vượt qua. Ngoài ra mẹ cần lưu ý tới việc loại bỏ hoặc giảm thiểu các nguy cơ sức khoẻ trong nhà cũng như luôn xây dựng một ngôi nhà ngập tràn tiếng cười và tư duy tích cực cho bé nha.

1. Chuẩn bị cho ngày đến trường đầu tiên của bé

Vì em bé của bạn sẽ đến trường học những buổi học đầu tiên khi bé được ba tuổi, bạn sẽ cần chuẩn bị khá nhiều cho cột mốc quan trọng nhất này trong cuộc đời của bé. Khi bạn lựa chọn trường học và chương trình học cho bé, hãy chắc chắn là bạn đã đọc các thông tin về thời gian đăng ký cho bé đi học. Thời điểm nhập học cho bé ở các trường mầm non khác nhau và một số trường mầm non có thể yêu cầu bạn đăng ký trước vài tháng, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn không bỏ lỡ.

Thông thường trường mầm non sẽ có một vài buổi họp định hướng để cung cấp thông tin cho các bậc phụ huynh quan tâm. Bố mẹ rất nên tham dự các buổi định hướng này để có đủ các thông tin cần thiết. Các thông tin mà bố mẹ cần tìm hiểu đó là thông tin về học phí, thời điểm cần nộp học phí, các chương trình mà con sẽ được học, con có cần khám sức khoẻ trước khi nhập học, hoặc có cần đầy đủ bằng chứng rằng con đã được tiêm chủng đầy đủ hay chưa. Bố mẹ cũng sẽ được yêu cầu điền các thông tin cá nhân vào các biểu mẫu có sẵn và các thông tin khi cần liên hệ khẩn cấp. Vì vậy mẹ hãy nhớ mang theo đủ các thông tin cần thiết, kể cả các thông tin về bác sĩ nhi khoa riêng của bé để liên hệ khi có trường hợp khẩn cấp.

Sau đó, bạn có thể bắt đầu chuẩn bị cho ngày đến trường của bé yêu từng bước một. Nếu bé chưa từng tham gia hoạt động chơi đùa cùng một nhóm trẻ cùng tuổi thì bây giờ là thời điểm thích hợp để mẹ giúp bé bắt đầu làm quen như việc chia sẻ đồ chơi, bút màu và dành nhiều khoảng thời gian trong ngày với các bạn.

Trẻ đi lớp mầm non
Cha mẹ cần chuẩn bị cho ngày đến trường đầu tiên của bé

2. An toàn khi ở nhà

Bạn không thể nhìn thấy không khí mà bạn hít thở vào, nhưng bạn cần chắc chắn rằng không khí đó sạch sẽ và an toàn. Ô nhiễm không khí, dù chỉ là ô nhiễm không khí trong nhà cũng có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe cho các thành viên trong gia đình bạn, đặc biệt là nếu một trong số họ bị hen hoặc mắc bệnh về phổi.

Một cách dễ dàng để duy trì chất lượng không khí tốt trong nhà là thường xuyên vệ sinh bộ lọc không khí trong nhà bạn, bởi bộ lọc không khí này sẽ thu giữ khá nhiều tác nhân gây bụi bẩn và cả các chất gây dị ứng. Hệ thống thông gió trong nhà bạn cũng cần bảo trì thường xuyên để hạn chế sự tích tụ khí CO trong nhà. CO là một khí không màu và không mùi, và nếu rò rỉ có thể dẫn tới bệnh tật và thậm chí là tử vong.

Hệ thống sưởi ấm của gia đình bạn có được kiểm tra hàng năm hoặc đã cài đặt máy dò CO để cảnh báo cho bạn biết khi nồng độ CO trong không khí trở nên không tốt hoặc có hại cho sức khỏe?

Một tác nhân sức khỏe nghiêm trọng khác là nấm mốc - một loại nấm có thể sinh sôi nảy nở khi không được kiểm soát. Nấm mốc có thể phát triển nhanh chóng khắp nhà ở những điều kiện ẩm ướt hoặc thích hợp, ví dụ như nhiệt độ ấm áp và ẩm ướt thì nấm mốc có thể phát triển nhanh chóng và tăng theo cấp số nhân. Nghiêm trọng hơn, một số loại nấm mốc có thể tạo ra độc tố và gây ra một số vấn đề về sức khoẻ như đau đầu, mệt mỏi, hen suyễn nặng và chóng mặt. Ngoài ra nhiều người còn bị dị ứng với chính nấm mốc.

Cuối cùng, nếu bạn đang có thói quen hút thuốc trong nhà, bạn cần phải thay đổi và luôn luôn hút thuốc lá ở một địa điểm ngoài nhà. Sử dụng máy làm sạch không khí, mở cửa sổ hay hạn chế hút thuốc trong phòng tắm chưa đủ để làm sạch không khí độc hại trong nhà do khói thuốc. Hút thuốc thụ động có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ, bao gồm cả nhiễm khuẩn tai và các bệnh mãn tính đường hô hấp.

Dị ứng nấm mốc
Nấm mốc trong nhà có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ

3. Hãy là một những bậc cha mẹ luôn suy nghĩ và hành xử tích cực

Ngôi nhà chính là nơi bạn gửi gắm trái tim và tình yêu. Đó cũng là nơi bạn thư giãn, cảm thấy được yêu và an toàn. Là một người mẹ, bạn đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì không khí chung của cả gia đình. Giao tiếp theo một hướng luôn luôn tích cực chính là chìa khoá của một gia đình hạnh phúc. Có nhiều lúc cảm thấy thật khó để hành xử đúng mực nếu như bạn và mọi người đều cảm thấy rất căng thẳng. Vậy cách nào khiến bạn kiềm chế nóng giận và sự thất vọng? Hãy mỉm cười nếu bạn có thể. Sự thật đã chứng minh tiếng cười chính là liều thuốc tốt. Nó rất tốt cho cơ thể cũng như tinh thần của bạn, ngoài ra nó còn giúp thắt chặt các mối quan hệ, củng cố sự gắn kết và làm dịu đi những căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình.

Việc dành những khoảng thời gian vui vẻ bên nhau đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng sự gắn kết gia đình, tạo ra cảm giác an toàn và những mối quan hệ thân thiết. Ăn tối cùng nhau đã được chứng minh là mang lại rất nhiều lợi ích. Để cho bữa tối trở nên đặc biệt hơn, bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho bữa tối gia đình. Hãy tắt tivi và điện thoại đi; hãy dành thời gian cùng nhau, cùng chơi các trò chơi, chơi tung bóng ở sân nhà hoặc cùng đến tiệm ăn kem. Hoặc chỉ đơn giản như cùng chia sẻ món bỏng ngô khi xem ti vi. Chúng ta không cần bỏ ra quá nhiều tiền hay thời gian để có thể có những không gian vui vẻ bên nhau. Mấu chốt của vấn đề ở đây là dành thời gian cho nhau, gác lại những lo toan hằng ngày của bạn và tận hưởng khoảng thời gian gia đình.

Đừng quên bày tỏ tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta không cần phải làm việc gì đó quá lớn để thể hiện điều đó. Đôi khi chỉ cần những cái ôm, vuốt ve hoặc những lời nói thân thiện, quan tâm đủ để làm cho ta cảm thấy thoải mái.

Khám nhi Vinmec Times City
Khi trẻ có triệu chứng của bệnh lý, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay

Ngoài ra, trẻ 34 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: parents.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

163 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan