Táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Đối với em bé bị táo bón kéo dài, việc đầu tiên mà cha mẹ cần nghĩ đến là thay đổi chế độ ăn và thói quen sinh hoạt trước khi sử dụng đến thuốc. Em bé bị táo bón kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, vì vậy phụ huynh cần tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục càng sớm càng tốt.

1. Thế nào là táo bón lâu ngày ở trẻ em?

Rất nhiều ông bố bà mẹ lo lắng khi trẻ 4 -5 ngày mới đi đại tiện một lần, hoặc trước đây trẻ đi đại tiện đều đặn 2-3 lần mỗi ngày nay chỉ còn 1 lần. Tuy nhiên, tính chất phân vẫn mềm, tơi xốp thì các trường hợp vừa nêu không được gọi là táo bón. Bé ngày càng lớn thì số lần đi đại tiện trong ngày sẽ giảm đi, đây là hiện tượng sinh lý bình thường.

Táo bón được định nghĩa là khi trẻ đi đại tiện thưa thớt, dưới 3 lần mỗi tuần hoặc đại tiện khó khăn, thường hay khó chịu, căng thẳng do phân cứng, rặn rất đau, ngồi đại tiện lâu, tiêu khó khăn, thậm chí chảy máu hậu môn.

Hầu hết trẻ em đều có ít nhất 1 lần bị táo bón, tuy nhiên thường chỉ thoáng qua rồi khỏi. Trường hợp táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ trong vài tuần lễ được gọi là táo bón mạn tính, khi đó các bậc cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ từ chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, trấn an tâm lý và cân nhắc đến việc sử dụng thuốc.

2. Độ tuổi nào ở trẻ thường mắc táo bón

Có 3 thời điểm dễ gây táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ:

  • Giai đoạn trẻ thay đổi từ chế độ ăn lỏng sang đặc (ăn dặm);
  • Giai đoạn trẻ tập ngồi bô một mình (thường là độ tuổi biết đi);
  • Giai đoạn trẻ bắt đầu đi học (mẫu giáo, tiểu học).

3. Nhận biết em bé bị táo bón kéo dài

Táo bón lâu ngày ở trẻ em được xác định dựa trên số lần đi tiêu trong một tuần và tính chất phân. Bên cạnh đó, bé bị táo bón kéo dài có thể xuất hiện những biểu hiện khác dễ gây nhầm lẫn với các rối loạn tiêu hóa khác như:

  • Chướng bụng;
  • Đau bụng;
  • Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân;
  • Són phân (có ít phân lỏng dính ở đáy quần mà bé hoàn toàn không hay biết).

Ngoài ra, một số trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài có biểu hiện “nín nhịn”, không chịu đi tiêu như cố gắng ngồi xổm, gồng cứng người, bắt chéo hai chân hoặc đỏ mặt và bấu chặt vào mẹ.

Táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ
Táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ có thể gây một số vấn đề như chướng bụng, biếng ăn

4. Nguyên nhân gây táo bón lâu ngày ở trẻ em

4.1. Táo bón chức năng

Có khoảng 95% trường hợp các bé bị táo bón kéo dài mà không xác định được nguyên nhân, bao gồm các trường hợp đã được bác sĩ thăm khám và có kết quả xét nghiệm cận lâm sàng (như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X quang) hoàn toàn bình thường, trẻ bị táo bón trường hợp này được gọi là táo bón chức năng.

Cơ chế hình thành tình trạng táo bón chức năng có thể là do hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện hoặc do chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt chưa hợp lý.

Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ hay gặp nhất gây táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ chính là “hành vi nín nhịn” do nhiều trẻ không thích nhà vệ sinh tại trường, hoặc sự sợ hãi sau một lần đi tiêu phân cứng gây đau đớn nên trẻ quyết định nín lại và không chịu đi tiêu. Hậu quả là phân của trẻ ngày càng khô hơn (ở đoạn ruột cuối, nối với hậu môn), kích thước to dần và đến khi bắt buộc phải đi tiêu thì trẻ lại gặp nhiều khó khăn hơn.

Vòng xoắn bất thường cứ thế lặp lại, trẻ càng có ác cảm nặng nề hơn với chuyện đi tiêu, lại càng nín nhịn và cảm giác đau tăng lên trong những lần đi tiêu tiếp theo.

4.2. Táo bón thực thể

Bé bị táo bón kéo dài có thể là hệ quả của một bệnh lý nào đó như phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh, ngộ độc chì, do tổn thương hay dị dạng cột sống cùng cụt, dị dạng hậu môn... Lúc này, để giải quyết tình trạng táo bón lâu ngày ở trẻ em thì cha mẹ cần phải điều trị bệnh lý nguyên nhân.

5. Sai lầm khi xử trí táo bón lâu ngày ở trẻ em

5.1. Xác định sai nguyên nhân gây táo bón lâu ngày ở trẻ em

Chúng ta luôn có quan niệm từ trước đến nay rằng táo bón chỉ đơn giản là một loại bệnh lý thông thường của đường tiêu hóa với nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn thiếu chất xơ (rau củ, trái cây). Vì lẽ đó mà cha mẹ thường cố gắng cho bé ăn nhiều rau xanh hay bổ sung chất xơ từ các sản phẩm để khắc phục tình trạng táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp không mang lại hiệu quả như mong đợi của cha mẹ. Bên cạnh việc sử dụng những sản phẩm bổ sung chất xơ kém chất lượng thì việc cha mẹ hiểu sai về nguyên nhân “thiếu chất xơ” làm bé bị táo bón kéo dài là chủ yếu. Thực chất đây chỉ là nguyên nhân bên ngoài và đã làm lu mờ đi những nguyên nhân chủ yếu từ bên trong, bao gồm do hệ tiêu hóa hoạt động kém liên quan đến chức năng của gan và thận.

Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện dần dần nên khả năng hoạt động chức năng của các bộ phận chưa được tốt. Do đó, cha mẹ cố gắng bổ sung các loại thực phẩm bổ dưỡng tốt cho sự phát triển của trẻ mà quên đi mất việc bộ máy tiêu hóa của bé có đủ khả năng chuyển hóa những dưỡng chất đó hay không.

Khi bộ máy tiêu hóa phải làm việc để chuyển hóa nhiều loại thực phẩm giàu năng lượng dẫn đến tình trạng quá tải, từ đó làm tăng tích tụ các chất thải độc trong cơ thể. Hệ quả của việc tích tụ quá mức các chất thải độc chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng “nóng nhiệt” thường xuyên ở trẻ nhỏ. Tình trạng nóng nhiệt dẫn đến tăng khả năng hút nước trong phân, khiến khối phân khô và khó di chuyển hơn, gây đau đớn khi trẻ đi ngoài.

Thông qua những dữ liệu nêu trên, bé bị táo bón kéo dài sẽ khó cải thiện (kể cả khi đã bổ sung thêm rau xanh hay sử dụng một số sản phẩm bổ sung chất xơ) nếu cha mẹ không tìm ra biện pháp xóa bỏ hiện tượng nóng nhiệt đang âm thầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ
Thiếu chất xơ chỉ là một trong những nguyên nhân gây táo bón lâu ngày ở trẻ nhỏ

5.2. Lạm dụng thuốc thụt hậu môn

Sử dụng các loại thuốc thụt hậu môn khi bé bị táo bón kéo dài giúp kích thích co bóp trực tràng, qua đó giúp đẩy khối phân ra ngoài và giúp bé đi tiêu dễ dàng hơn. Do đó, thụt tháo hậu môn được xem như là một biện pháp giúp giải quyết nhanh chóng tình trạng táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ, giảm bớt khó chịu khi trẻ đi tiêu. Tuy nhiên, áp dụng biện pháp này kéo dài giống như con dao hai lưỡi có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Hậu môn là bộ phận rất nhạy cảm đối với con người (kể cả người trường thành hay trẻ em), nếu cha mẹ sử dụng ống thụt hậu môn không đúng cách có thể gây bỏng rát, tổn thương hậu môn và gây mất hoặc giảm đàn hồi cơ quanh lỗ hậu môn.

Bên cạnh đó, những trẻ đã quen với việc sử dụng ống thụt thì khả năng tự đi ngoài sẽ không còn và từ đó sinh tâm lý ỉ lại, phụ thuộc vào việc thụt tháo mà không chịu đi vệ sinh theo nhu cầu bình thường của cơ thể.

5.3. Bổ sung men tiêu hóa, men vi sinh

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tình trạng loạn khuẩn sẽ liên quan nhiều đến tình trạng tiêu chảy hơn là tình trạng táo bón. Trong khi đó men vi sinh thường được khuyên dùng để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, phòng tránh rối loạn tiêu hóa ở trẻ (táo bón cũng được xem là tình trạng rối loạn tiêu hóa), tuy nhiên chưa có bằng chứng nào chứng minh men vi sinh có hiệu quả với tình trạng táo bón ở trẻ.

Mặt khác, việc cha mẹ lạm dụng bổ sung men tiêu hóa trong mọi trường hợp sẽ làm mất sự điều tiết enzyme tự nhiên, khiến cơ thể bị lệ thuộc vào men tiêu hóa được cung cấp từ bên ngoài, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.

5.4. Chỉ tập trung sử dụng thuốc mà không thay đổi lối sống

Các loại thuốc thụt, thuốc nhuận tràng giúp cải thiện tình trạng táo bón nhanh chóng, tuy nhiên các thuốc này thường không thể dùng lâu dài, không có tác dụng phòng ngừa táo bón xảy ra trở lại. Do đó, ngay cả khi đã sử dụng các sản phẩm hỗ trợ đại tiện nhưng không chú trọng việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt thì tình trạng táo bón lâu ngày ở trẻ em sẽ không được điều trị dứt điểm, rất dễ tái phát.

6. Lưu ý khi điều trị táo bón lâu ngày ở trẻ em

6.1 Cha mẹ cần kiên nhẫn

Việc điều trị táo bón lâu ngày ở trẻ em cần phải hết sức kiên nhẫn vì bệnh lý này sẽ không hết nhanh như bệnh cảm sốt thông thường, đặc biệt với đối tượng là trẻ em cũng ít chịu hợp tác hơn. Điều trị táo bón lâu ngày ở trẻ em cần kết hợp nhiều yếu tố: Thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi thói quen đi tiêu, thói quen hoạt động thể chất đồng thời với việc dùng thuốc (nếu có). Đôi khi việc điều trị táo bón lâu ngày ở trẻ em cần được sự theo dõi của các bác sĩ chuyên khoa.

Táo bón kéo dài ở trẻ nhỏ
Cha mẹ cần kiên nhẫn trong việc điều trị táo bón lâu ngày ở trẻ em

6.2 Tập luyện những thói quen tốt cho trẻ ngay từ nhỏ

Tập cho trẻ hình thành thói quen đi đại tiện hàng ngày vào một giờ cố định là vô cùng quan trọng, thói quen này hình thành sẽ giúp trẻ tự có phản xạ đi đại tiện, giúp loại bỏ phân và không để phân ứ quá lâu trong trực tràng.

Phụ huynh nên tập cho trẻ đi tiêu vào một giờ nhất định, nếu sau 15 phút trẻ không cảm thấy mắc đại tiện thì ngừng lại, lập lại tương tự vào hôm sau. Hãy khen ngợi trẻ nếu trẻ chịu vào nhà vệ sinh hoặc ngồi bô đi đại tiện, cổ vũ, khích lệ trẻ khi trẻ đi đại tiện được. Cho trẻ thực hiện các hoạt động thể lực, tránh ngồi yên một chỗ là một biện pháp hữu hiệu giúp tăng cường nhu động ruột, tránh táo bón kéo dài.

6.3. Chú ý chế độ dinh dưỡng

Chất xơ và nước là hai yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến tính chất phân khi đi đại tiện. Các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ (trái cây, rau, bột ngũ cốc nguyên cám...) nên thường xuyên hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Tuy nhiên hầu hết trẻ nhỏ rất ít chịu ăn rau quả, khi đó phụ huynh cần hỗ trợ, khuyến khích con. Cho trẻ uống nhiều nước đun sôi để nguội, nước ép trái cây cũng rất hữu ích trong việc điều trị táo bón.

Ngoài ra, để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa... bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),...

Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như crom, selen, vitamin nhóm B ,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan