Trẻ 14 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Khi được 14 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu chập chững biết đi. Ở giai đoạn trẻ 14 tháng tuổi, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn tới chế độ dinh dưỡng của trẻ, tránh tình trạng bé bị suy dinh dưỡng, cho bé phát triển trong điều kiện tốt.

1. Trẻ 14 tháng tuổi biết làm những gì?

1.1 Chiều cao và cân nặng của bé

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi được 14 tháng tuổi, bé trai có cân nặng trung bình là 10,1kg, chiều cao trung bình là 78cm. Còn bé gái 14 tháng tuổi có cân nặng trung bình là 9,4kg và chiều cao trung bình là 76,4kg.

Trong giai đoạn này, mỗi tháng bé tăng trung bình khoảng 200g. Nếu bé không tăng trưởng đúng với quỹ đạo sức khỏe thì cha mẹ cần xem lại chế độ dinh dưỡng hằng ngày của bé.

1.2 Sự phát triển của trẻ 14 tháng tuổi

  • Về mặt thể chất: Trẻ phát triển kỹ năng vận động thô (đi bộ, leo cầu thang, di chuyển một cách độc lập) và vận động tinh (nhặt đồ vật, sử dụng đồ vật);
  • Về mặt giao tiếp và cảm xúc: Trẻ bị thu hút bởi những bạn nhỏ bằng tuổi mình, tương tác nhiều hơn với các trẻ khác, cha mẹ hoặc người xung quanh;
  • Về mặt nhận thức và ngôn ngữ: Bé sẽ bắt đầu bắt chước hành động của người lớn, tập nói các từ đơn,...
Trẻ bò cầu thang
Trẻ 14 tháng phát triển kỹ năng vận động thô (đi bộ, leo cầu thang, di chuyển một cách độc lập)

2. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 14 tháng tuổi

Bé 14 tháng ăn gì để bắt kịp đà tăng trưởng? Trong giai đoạn này, em bé thường ăn ít hơn so với trước vì tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.

2.1 Trẻ 14 tháng nên ăn gì?

Để đảm bảo bé nhận được đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết thì nên cho trẻ ăn gì? Sau đây là một số thực phẩm thiết yếu cho trẻ:

  • Sữa: Cung cấp nguồn canxi và vitamin D dồi dào, giúp xương và răng của bé phát triển tốt, chắc khỏe hơn;
  • Ngũ cốc: Cha mẹ nên cho trẻ ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì mì, phở, bún, gạo,... đã qua tinh chế vì ngũ cốc giàu chất xơ, ít đường bột, tốt cho trẻ hơn;
  • Thịt, đậu, trứng: Trẻ 14 tháng tuổi cần nhiều năng lượng để vui chơi, khám phá nên cần có một chế độ ăn uống giàu protein. Các loại thực phẩm giàu protein như thịt, đậu và trứng sẽ cung cấp hàm lượng protein lành mạnh, dồi dào cho bé;
  • Trái cây và rau xanh: Mỗi ngày bé 14 tháng tuổi nên được ăn khoảng 150g trái cây và rau xanh. Đây là những thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho bé, giúp nâng cao sức đề kháng của trẻ.

2.2 Trẻ 14 tháng tuổi nên ăn mấy bữa một ngày?

Khi được 14 tháng tuổi, bé sẽ tập đi và hoạt động nhiều. Nhu cầu năng lượng mà bé cần mỗi ngày khoảng 1100 - 1200 kcal. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi ngày bé cần ăn 3 chính, mỗi bữa khoảng 200ml. Ngoài ra, bé cần ăn thêm 2 - 3 bữa phụ là sữa, chế phẩm từ sữa hoặc trái cây.

Cho trẻ ăn
Trẻ 14 tháng tuổi cần nhiều năng lượng để vui chơi, khám phá nên cần có một chế độ ăn uống giàu protein

2.3 Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ 14 tháng tuổi

  • Để tránh tình trạng trẻ nhẹ cân, thấp còi, cần đảm bảo đủ số bữa ăn hằng ngày cho bé;
  • Cha mẹ nên thay đổi thực đơn của trẻ thường xuyên để kích thích vị giác, giúp bé ăn được nhiều hơn;
  • Nguy cơ dị ứng của bé rất cao nên cha mẹ cần cẩn thận khi lựa chọn nguồn thức ăn cho bé. Với những thực phẩm lần đầu cho trẻ ăn, nên cho trẻ ăn ít để xem phản ứng của bé;
  • Trẻ 14 tháng ăn cơm được chưa? Đây là giai đoạn hệ tiêu hóa của trẻ vẫn còn khá non nớt nên phụ huynh vẫn nên cho bé ăn cháo, nhưng là cháo hạt (chứ không xay nhuyễn) để tập khả năng ăn nhai của trẻ, giúp xương hàm phát triển. Đồng thời, trẻ ăn nhai tốt thì tuyến nước bọt sẽ tiết nhiều men tiêu hóa hơn, giúp bé ăn ngon miệng và hấp thu thức ăn tốt hơn;
  • Mỗi trẻ có một nhu cầu ăn uống khác nhau nên cha mẹ không nên so sánh với những bé khác, không ép bé ăn nếu trẻ không tự nguyện.

3. Cách chăm sóc răng miệng cho trẻ 14 tháng tuổi

Một chế độ dinh dưỡng tốt, cân bằng rất quan trọng với sự phát triển hệ răng. Bên cạnh đó, việc duy trì những thói quen sinh hoạt tốt cho bé cũng giúp bé sở hữu hàm răng khỏe mạnh. Một số lưu ý cha mẹ cần nhớ khi chăm sóc răng miệng cho bé 14 tháng tuổi gồm:

  • Bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi vì canxi là thành phần quan trọng trong cấu trúc xương và răng. Những thực phẩm có hàm lượng canxi cao gồm sữa, chế phẩm từ sữa, cua, ốc, cá, tôm, tép, rau màu xanh đậm, đậu nành,...;
  • Cung cấp vitamin D từ thực phẩm và tắm nắng: Vitamin D giúp cơ thể sử dụng tốt canxi và photpho để hình thành, duy trì hệ xương và răng vững chắc. Cha mẹ nên cho trẻ ăn dầu gan cá, trứng gà, dầu bổ sung vitamin D,... Ngoài ra, cần cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng sớm và chiều tà khi ánh nắng không gay gắt để giúp cơ thể trẻ tự tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời;
  • Bổ sung thực phẩm giàu Magie: Magie đóng vai trò quan trọng trong quá trình khoáng hóa tạo xương, răng. Những thực phẩm có hàm lượng magie dồi dào gồm cá biển, cá nước ngọt, thịt, rau xanh, đậu, đỗ,...;
  • Tăng cường các nhóm thực phẩm khác: Vitamin C (bông cải xanh, cam, chanh, quýt, cà chua, xoài,...), chất xơ (rau quả);
  • Hạn chế các loại thực phẩm: Đồ ngọt, nước ngọt có gas, thức ăn dễ dính răng,... Nếu trẻ ăn những thực phẩm này thì cần uống nước, súc miệng ngay để tránh tạo mảng bám trong miệng dẫn tới ăn mòn men răng, gây sâu răng;
  • Khuyến khích trẻ uống nước, sữa bằng cốc thay vì ngậm ti bình;
  • Không cho trẻ mút ngón tay;
  • Nên hạn chế dùng tăm xỉa răng cho trẻ. Để loại bỏ mảng bám trên răng, có thể dùng bàn chải và chỉ tơ nha khoa;
  • Cho trẻ đi khám răng định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu sâu răng, đưa ra biện pháp ngăn ngừa và lời khuyên thích hợp.

Duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp và chăm sóc răng miệng đúng cách cho trẻ 14 tháng tuổi sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh, toàn diện về thể chất và trí não.

Lưu ý vệ sinh răng cho trẻ ăn dặm
Cần duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp và chăm sóc răng miệng đúng cách cho trẻ 14 tháng tuổi

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

110.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan