Trẻ lúc dậy thì phải cao thêm bao nhiêu mới “thoát” lùn?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển chiều cao tốt trong suốt quá trình trưởng thành của mỗi người. Ăn uống, tập luyện đúng cách sẽ giúp trẻ sở hữu chiều cao vượt trội đáng ngưỡng mộ.

1. Giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao vượt trội

Độ tuổi dậy thì là giai đoạn đánh dấu nhiều sự thay đổi to lớn về mặt tâm sinh lý và thể chất của trẻ. Dậy thì, đặc biệt là giai đoạn tiền dậy thì là khoảng thời gian vàng để tối ưu hóa chiều cao của trẻ, còn được ví von là giai đoạn “ đại nhảy vọt “ của trẻ. Chúng ta xác định tuổi dậy thì đối với trẻ nữ từ 10 đến 14 tuổi, trẻ nam từ 11 đến 15 tuổi. Tùy thuộc vào sự di truyền chiều cao của bố mẹ, chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, nghỉ ngơi, trẻ nữ có thể cao thêm 10 đến 12 cm và có thể tăng đến 12 đến 14 cm trong giai đoạn vàng này.

Sau giai đoạn dậy thì, sự sụt giảm của các nội tiết tố liên quan đến hấp thu canxi và phốt pho làm cho sự phát triển chiều cao chậm lại do ngừng quá trình chuyển canxi vào xương. Khi đã hết dậy thì (sau 18 tuổi), chiều cao của các em sẽ tăng rất chậm và hầu như chỉ cao thêm được chừng 1-2cm (các em trai có thể cao đến 22-25 tuổi, các em gái có thể cao đến 20-22 tuổi). Nếu bỏ qua giai đoạn dậy thì tức là các em đã lãng phí một cơ hội ngàn vàng để tăng trưởng chiều cao tối ưu và cơ hội sẽ không bao giờ trở lại.

2. Theo dõi sự phát triển chiều cao của trẻ

Sự phát triển chiều cao của trẻ diễn ra trong suốt quá trình lớn lên, vì vậy, rất cần một công cụ đơn giản, hiệu quả theo dõi sự diễn biến của chỉ số này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra Bảng chiều cao cân nặng chuẩn theo độ tuổi để hỗ trợ cha mẹ trong việc nuôi con cao lớn. Dựa vào Bảng chiều cao cân nặng này, cha mẹ có thể:

  • Dễ dàng theo dõi tiến trình phát triển chiều cao của trẻ: Bảng chiều cao cân nặng chuẩn được xem là hệ quy chiếu gốc chiều cao cân nặng của trẻ em và thanh thiếu niên trên toàn thế giới. Dựa vào đó, cha mẹ dễ dàng theo dõi những thay đổi trong tiến trình phát triển tầm vóc của trẻ. Đồng thời, xác định được chiều cao của con đang thừa hay thiếu so với các bạn bè đồng trang lứa.
  • Nắm được tình trạng sức khỏe của trẻ: Bảng chiều cao cân nặng chuẩn theo từng độ tuổi còn giúp cha mẹ nắm được tình trạng sức khỏe của trẻ. Dựa vào cân nặng chuẩn được quy định trong Bảng, cha mẹ có thể biết được trẻ đang thiếu cân hay thừa cân để có phương pháp điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp, không làm ảnh hưởng khả năng tăng chiều cao của trẻ.
  • Đưa ra phương pháp tăng chiều cao phù hợp với thể trạng của trẻ: Dựa vào tốc độ phát triển chiều cao và tình trạng sức khỏe của trẻ, cha mẹ có thể đưa ra phương pháp phù hợp để cải thiện chỉ số này, dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc của trẻ. Cứ như vậy, trẻ sẽ sớm đạt được các chỉ số chuẩn theo thống kê của WHO.
  • Bé được coi là lùn nếu chỉ số chiều cao của bé thấp hơn -2 độ lệch chuẩn theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao theo tuổi và giới tính, hoặc khi tốc độ tăng trưởng chiều cao không đạt tốc độ tăng trưởng theo lứa tuổi.

Xem ngay: Những sai lầm khiến con bỏ lỡ “giai đoạn vàng” phát triển chiều cao

dậy thì cao thêm bao nhiêu
Giải đáp dậy thì cao thêm bao nhiêu để thoát khỏi "nấm lùn"

3. Chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể chất giúp trẻ phát triển chiều cao

Mặc dù yếu tố di truyền đóng góp tới 30% chỉ số chiều cao của trẻ, nhưng sự phát triển chiều cao ở độ tuổi dậy thì phụ thuộc phần nhiều vào chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể chất.

3.1. Tăng cường rèn luyện thể lực

Cha mẹ khuyến khích trẻ có tham gia vận động ngoài trời để kích thích sự phát triển của cơ, xương, qua đó có thể thúc đẩy trẻ phát triển chiều cao. Khi hoạt động dưới ánh nắng, cơ thể có cơ hội tổng hợp vitamin D tự nhiên, đây là chất rất quan trọng giúp cơ thể hấp thu calci.

Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ. Mỗi ngày cha mẹ nên dành 30 phút đến 1 tiếng cùng con để luyện tập mỗi ngày. Các bài tập phát triển chiều cao dành cho tuổi thiếu niên giúp kéo dãn các chi và mô tế bào trong cơ thể. Yoga là một phương pháp cải thiện chiều cao cho nam nữ. Trong các bài tập yoga có một số tư thế giúp kéo dài hệ xương khớp. Một số bộ môn khác như bóng chuyền, bơi lội, quần vợt, cầu lông, bóng đá... cũng là những lựa chọn rất tốt để cải thiện chiều cao cho các bạn ở lứa tuổi dậy thì.

3.2. Cải thiện chất lượng dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cân bằng không chỉ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển về thể chất mà còn chi phối lớn tới sự tăng trưởng chiều cao. Giai đoạn dậy thì của trẻ, cha mẹ không những cần phải chú ý đến chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất mà còn cần tăng cường một số nhóm thực phẩm thiết yếu, có lợi cho phát triển chiều cao như sau:

  • Bổ sung đạm: Chất đạm (protein) là nền tảng giúp phát triển xương, cơ và sụn, từ đó chiều cao cũng được cải thiện. Lượng đạm cần thiết mỗi ngày sẽ khác nhau ở giới tính và thay đổi theo độ tuổi của bạn: nữ giới độ tuổi từ 9-18: 140g; nam giới độ tuổi từ 9-13 là 140g; độ tuổi từ 14-18 là 185g. Thực phẩm giàu chất đạm bao gồm thịt nạc, cá, trứng, các loại đậu và hạt. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thu được chất dinh dưỡng nhanh chóng và đầy đủ hơn. Lượng dưỡng chất này đảm bảo cho hormon tăng trưởng được bài tiết tốt hơn, kích thích cơ thể phát triển nhanh và đạt được một chiều cao lý tưởng.
  • Bổ sung kẽm: Kẽm là khoáng chất rất cần cho sự tăng trưởng và cho hệ sinh dục trong độ tuổi dậy thì. Lượng kẽm cần phải cung cấp cho độ tuổi từ 9-13 là 8mg/ngày, từ 14 - 18 tuổi là 11mg mỗi ngày. Những thực phẩm giàu kẽm gồm: hải sản (đặc biệt các loại hải sản có vỏ cứng), thịt cừu, rau dền (rau bina).
  • Bổ sung canxi: Canxi là chất cần thiết phát triển xương khớp, chúng có nhiều trong sữa và sản phẩm từ sữa, trong độ tuổi dậy thì trẻ có thể uống 700ml-1000ml sữa mỗi ngày (xấp xỉ 1.300mg canxi). Ngoài ra, canxi có mặt trong thực phẩm khác như cá hộp, rau xanh, đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, bánh mì.
  • Uống đủ nước: Nước có vai trò quan trọng trong việc thanh lọc cơ thể, đồng thời tham gia các hoạt động khác của xương khớp. Các đĩa đệm của cột sống có đến 90% là nước. Nếu cơ thể không đủ nước, chúng sẽ bị mất nước và co lại. Bên cạnh đó, cần tránh xa đồ uống có cồn hay các chất kích thích, bởi đây đều là những tác nhân có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tăng trưởng. Hút thuốc lá và uống rượu bia ở thời điểm cơ thể chưa trưởng thành làm ngừng quá trình phát triển tự nhiên, khiến cơ thể bị thiếu chất.
  • Không bỏ bữa sáng: Một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất luôn là khuyến cáo đầu tiên của các chuyên gia về dinh dưỡng. Một bữa sáng lành mạnh sẽ góp phần hỗ trợ sự trao đổi chất, giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng hiệu quả hơn. Điều này sẽ tác động lớn đến khả năng tăng trưởng về chiều cao.
dậy thì cao thêm bao nhiêu
Tập thể dục đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao ở trẻ

3.3. Ngủ đủ và đúng giờ

Thói quen ngủ, nghỉ ngơi khoa học giúp ích rất nhiều cho sự phát triển thể chất, bởi khi ngủ, cơ thể sẽ được nghỉ ngơi, tái tạo và phục hồi các tế bào. Cha mẹ nên cho trẻ ngủ đủ ít nhất là 8 giờ vào ban đêm và nên đi ngủ sớm trước 22 giờ, dậy sớm sẽ tốt hơn cho cơ thể rất nhiều. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên rèn cho trẻ thói quen ngủ trưa, ít nhất từ 15 - 20 phút.

Nếu duy trì thói quen ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc sẽ giúp cho trẻ có một giấc ngủ sâu, giúp hormone tăng trưởng được sản sinh đầy đủ trong lúc cơ thể đang trong giấc ngủ sâu. Thời gian và chất lượng của giấc ngủ càng cao thì cơ thể càng tiết ra nhiều hormon hơn, làm quá trình tăng trưởng phát triển tốt hơn.

Trong quá trình theo dõi, cha mẹ thấy chiều cao của trẻ thấp hơn -2 độ lệch chuẩn theo tuổi hoặc tốc độ tăng chiều cao thấp so với tuổi thì cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa Nhi nội tiết. Bác sĩ sẽ đánh giá qua thăm khám, tầm soát tìm nguyên nhân chậm tăng trưởng chiều cao (CTTCC) bằng một số xét nghiệm như sau:

  • Bilan tầm soát các nguyên nhân có thể gây chậm tăng trưởng chiều cao như xét nghiệm máu, chụp X-quang xương bàn tay để đánh giá tuổi xương, siêu âm bụng.
  • Khi nghi ngờ do nguyên nhân thiếu nội tiết tố tăng trưởng (GH: growth hormone), trẻ được chỉ định làm tiếp nghiệm pháp kích thích tiết GH tại bệnh viện nhằm xác định khả năng và mức độ thiếu nội tiết tố tăng trưởng.
  • Nếu xác định là CTTCC có chỉ định điều trị với GH, trẻ sẽ được hướng dẫn tiêm GH bằng dụng cụ chuyên biệt bởi ê kíp chuyên nghiệp của khoa Nhi sơ sinh bệnh viện.

Tuổi dậy thì là cơ hội vàng để gia tăng tầm vóc của trẻ, thoát khỏi nguy cơ “lùn” hơn so với bạn đồng lứa khi tuổi trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý đầu tư cho trẻ trong giai đoạn này về dinh dưỡng đầy đủ, rèn luyện thể chất, và nếp sinh hoạt khoa học để phát huy chiều cao tối ưu của trẻ.

Nếu trong các trường hợp áp dụng các biện pháp trên mà chiều cao của trẻ không thể cải thiện, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên sâu Nội tiết - Nhi để được thăm khám và hỗ trợ điều trị khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan