Vai trò của người lớn trong việc vui chơi của trẻ em

Bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - Chuyên viên Âm ngữ trị liệu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Time City

Maria Montessori – người sáng lập ra phương pháp giáo dục Montessori từng nói rằng: “Vui chơi là công việc của trẻ thơ”. Vậy những người làm cha, làm mẹ sẽ là ai trong quá trình trẻ thực hiện công việc của mình. Cha là người giám sát, mẹ là người kiểm tra hay cha là người hướng dẫn, mẹ là người đồng hành,... Cách bạn trở thành ai trong trò chơi của con mình sẽ quyết định chất lượng “công việc” của trẻ. Bởi lẽ, vui chơi là công việc của trẻ em, tuy nhiên, trẻ sẽ không thể nào hoàn thành được trò chơi và phát triển được các kỹ năng học hỏi của mình nếu chỉ chơi một mình.

1. Cha mẹ là người dẫn dắt, kiểm soát hay hỗ trợ trẻ

Dẫn dắt – hỗ trợ - kiểm soát là các khái niệm khác nhau thể hiện những vai trò khác nhau của người lớn khi chơi cùng trẻ. Vai trò của người lớn cũng sẽ quyết định tới những lợi ích mà trẻ nhận được trong trò chơi. Nếu bạn là người dẫn dắt, bạn sẽ luôn có xu hướng định hướng trò chơi của trẻ, chẳng hạn: xe ô tô cần đi lên cầu, sau đó tới trạm xăng, bơm xăng rồi tới siêu thị; còn trẻ sẽ hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào lời “hướng dẫn” của bạn. Nếu bạn muốn kiểm soát hoạt động chơi của con bằng cách ngăn con không chạm vào đất nặn vì sợ con bẩn, yêu cầu con chỉ được chơi trong nhà mà không ra ngoài chơi vì sợ không an toàn,...rất có khả năng, trẻ sẽ trở nên rụt rè và không dám khám phá bất cứ hoạt động mới nào hoặc chờ đợi sự cho phép của bạn thì mới thực hiện một hoạt động.

Khi người lớn kiểm soát, dẫn dắt hoặc hỗ trợ quá mức cần thiết, chúng ta đã và đang vi phạm một nguyên tắc quan trọng của vui chơi là “Theo sự dẫn dắt của trẻ” - để trẻ tự lựa chọn trò chơi trẻ thích và chơi trò chơi theo cách trẻ mong muốn. Khi trẻ bị mất quyền tự do được khám phá và chơi theo cách mình muốn, những trải nghiệm vui chơi của trẻ sẽ mất đi ý nghĩa của việc “Chơi thực sự”.

Ngược lại, nếu bạn là người hỗ trợ con chơi, cung cấp đồ chơi và tất cả các hỗ trợ khi cần thiết, tham gia vào hoạt động chơi của con một cách tự nguyện và vui vẻ, bạn sẽ trở thành “một phần” trong trò chơi của con. Vì thế để cha mẹ vui chơi cùng con cũng cần có những chiến lược riêng.

2. Lên kế hoạch và chuẩn bị cho việc chơi cùng con


Người lớn có khả năng kiểm soát môi trường xung quanh trẻ bao gồm: sắp xếp phòng, đồ dùng, đồ chơi,... Bằng việc tạo ra môi trường vui vẻ và an toàn để vui chơi cùng con có thể giúp trẻ phát triển các kỹ năng toàn diện như: kỹ năng xử lý vấn đề, tư duy, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội,... Bạn có thể lên kế hoạch cho những công việc sau:

2.1 Sắp xếp môi trường an toàn và có cấu trúc

Khi bạn cấu trúc hóa môi trường chơi của trẻ (bao gồm cả trong nhà và ngoài trời) dựa trên những điểm mạnh, sở thích, khả năng và nhu cầu của trẻ, bạn có thể khuyến khích trẻ chơi một cách độc lập và vui vẻ. Chẳng hạn:

  • Tạo ra các dấu hiệu nhận biết nơi vui chơi như: chơi trên thảm, chơi trong lều,...
  • Thiết kế không gian dành riêng cho các hoạt động khác nhau: khu vực chơi vận động, khu vực đọc sách,...
  • Sắp xếp các đồ dùng đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi. Ví dụ: có thảm ở khu vực chơi vận động,...
vui chơi cùng con
Cha mẹ nên vui chơi cùng con theo kế hoạch

2.2 Cung cấp cơ hội học tập thông qua việc sắp xếp môi trường học tập

Bạn có thể sắp xếp môi trường nhằm thách thức kiến thức, kỹ năng hiện tại của trẻ. Chẳng hạn: ở khu chơi vận động, bạn để một chiếc ghế đẩu nhỏ ở gần nhà bóng. Trẻ thích chơi bóng nhưng không tự trèo vào nhà bóng được. Ở trong phòng, bạn để đồ chơi vào các hộp trong có đậy nắp và để ở vị trí cao. Trẻ có thể nhìn thấy được nhưng không thể tự mình lấy được đồ chơi. Những tình huống này buộc trẻ phải suy nghĩ để giải quyết vấn đề làm sao để có thể có được đồ chơi mà mình muốn. Hoặc cha mẹ có thể tạo ra những trò chơi cùng con để xem phản ứng của trẻ sẽ thế nào.

2.3 Cung cấp cho trẻ các lựa chọn

Bạn có thể đưa một vài đồ chơi để trẻ lựa chọn và quyết định xem con sẽ chơi gì. Việc cung cấp các lựa chọn giúp trẻ học cách đưa ra các quyết định một cách độc lập. Ngoài ra, bạn sẽ biết thêm được sở thích, nhu cầu, năng lực chơi của trẻ, từ đó sẽ có những sắp xếp, chuẩn bị cho các hoạt động về sau.

3. Cha mẹ hỗ trợ chơi cùng con

Để giúp trẻ học, chơi và phát triển, ngoài việc cung cấp môi trường an toàn, vui vẻ cho con, bạn cũng cần dành thời gian để quan sát và học để hiểu trẻ. Chỉ khi bạn hiểu được trẻ, bạn mới có thể cung cấp cho trẻ những hỗ trợ cần thiết khi trẻ cần mà không khiến trẻ bị phụ thuộc vào bạn. Bạn có thể sử dụng một số chiến lược khi chơi cùng trẻ như:

3.1 Nói chuyện về việc chơi của trẻ

Người lớn có thể nói về việc trẻ đang làm và hỗ trợ khi trẻ cần trong suốt quá trình chơi. Khi người lớn mô tả lại những gì trẻ đang làm mà không can thiệp một cách thô bạo vào việc chơi của trẻ, trẻ sẽ hiểu rằng, người lớn đang quan tâm đến chúng và tôn trọng cách chúng chơi. Những can thiệp thô bạo vào việc chơi của trẻ bao gồm: lấy đồ chơi hoặc lượt chơi khi trẻ chưa đồng ý, ngăn cản hoặc không cho phép trẻ thực hiện trò chơi theo cách trẻ muốn (ngoại trừ những hành động chơi có thể gây nguy hiểm hoặc mất an toàn cho trẻ). Để nói về việc chơi của trẻ, người lớn có thể sử dụng chiến lược tự nói (nói về những gì bạn đang làm khi trẻ đang nhìn bạn) và nói song song (nói về những gì trẻ đang làm với đồ chơi của chúng).

3.2 Ghi nhận những nỗ lực của trẻ

Trẻ có thể chưa nói tốt hoặc chưa chơi đồ chơi đúng chức năng. Nhưng những điều này thực sự không quan trọng bằng việc trẻ đang nỗ lực để học hỏi và kết nối, giao tiếp với mọi người, đặc biệt là người bạn chơi của trẻ. Do vậy, hãy ghi nhận bằng cách khen ngợi và gọi tên những nỗ lực mà trẻ đang làm để chơi và giao tiếp với bạn. Hãy khen thật cụ thể, chẳng hạn: “ồ, con đã nhìn mẹ rồi đấy”; “tuyệt quá, con đang rất cố gắng để mở hộp đồ chơi này”,... Sự gần gũi, tôn trọng của bạn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm tích cực và khuyến khích trẻ giao tiếp nhiều hơn, tự tin hơn.

3.3 Thêm hoạt động vào trò chơi của trẻ

Khi tham gia chơi cùng trẻ một cách vui vẻ, người lớn có thể giúp phát triển kiến thức và kỹ năng của trẻ ở một mức độ cao hơn bằng cách thêm vào một đồ chơi mới hoặc thêm vào một câu bình luận,... Chẳng hạn:

  • Sử dụng lời nói đa dạng để mô tả những gì đang diễn ra, cung cấp và làm mẫu cho trẻ cách sử dụng một từ vựng hoặc một câu mới, làm mẫu kết hợp các từ vựng với nhau để tạo thành câu đa dạng.
  • Thêm đồ chơi vào hoạt động trẻ đang chơi hoặc chơi một cách khác đi (so với cách trẻ đang chơi), chơi khó hơn một chút so với mức độ chơi hiện tại của trẻ.
  • Làm mẫu các hành vi và các tương tác phù hợp.
vui chơi cùng con
Vui chơi cùng con với những hoạt động phù hợp

3.4 Tạo cơ hội và khuyến khích việc chơi

Để dạy con kỹ năng đánh răng, mỗi ngày, bạn có khoảng 2-3 cơ hội để dạy con. Tuy nhiên, với vui chơi, bạn có thể tạo ra 2 cơ hội hoặc 20 cơ hội để trẻ thực hành một kỹ năng cụ thể. Số cơ hội thực hành sẽ phụ thuộc vào sở thích, hứng thú và động lực chơi của trẻ. Việc tạo cơ hội và khuyến khích trẻ chơi sẽ giúp trẻ vừa học được các kỹ năng mới, vừa được thực hành những kỹ năng đã được học, vừa học cách khái quát hóa và có trải nghiệm thực tế của việc thực hành một kỹ năng trong đời sống hằng ngày. Để tạo ra một hay nhiều cơ hội cho trẻ học tập phụ thuộc vào sự quan sát tinh tế và chuẩn bị tỉ mỉ của cha mẹ - những người bạn chơi lớn của trẻ. Do vậy, để hỗ trợ tốt cho việc phát triển kỹ năng chơi của trẻ, bạn hãy khéo léo tạo ra thật nhiều cơ hội học tập và khuyến khích con thực hiện. Để đảm bảo trẻ tham gia vào hầu hết các cơ hội học tập, bạn hãy bắt đầu từ những thứ trẻ có khả năng làm và những thứ trẻ thích.

3.5 Giữ cho hoạt động chơi thật vui

Một hoạt động chơi vui vẻ không những thúc đẩy tương tác mà còn giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, tư duy, giải quyết vấn đề. Do vậy, bạn hãy luôn đảm bảo rằng, hoạt động chơi cùng con là hoạt động vui vẻ và thú vị. Nếu con tỏ ra chán nản hoặc muốn chuyển hoạt động khác, đừng lo lắng, bạn hãy nương theo con và chờ đợi cơ hội thích hợp để hướng dẫn con chơi lại.

3.6 Ngăn ngừa các vấn đề không mong muốn có thể xảy ra

Những vấn đề không mong muốn có thể bao gồm: những xung đột xảy ra giữa trẻ và người khác; việc mất/ hỏng đồ chơi khiến trẻ cảm thấy khó chịu những tình huống gây mất an toàn cho trẻ,... Bằng việc tham gia một cách tích cực vào hoạt động chơi của trẻ, người lớn có thể hỗ trợ xử lý các tình huống không mong đợi phát sinh và khiến trẻ cảm thấy bình tĩnh hơn. Việc hỗ trợ, ngăn ngừa không có nghĩa là người lớn làm hộ, xử lý hộ trẻ. Vai trò quan trọng của các tình huống có vấn đề là trẻ sẽ có cơ hội được học hỏi và tự mình xử lý dựa trên những kiến thức, kỹ năng đã có. Hãy chắc chắn rằng, bạn đủ kiên nhẫn để cho trẻ cơ hội được tự xử lý các vấn đề trước khi bạn can thiệp (trừ các trường hợp gây mất an toàn thực sự và gây nguy hiểm đến trẻ). Bạn có thể sẽ cần nói cho trẻ biết trước những tình huống có thể xảy ra khi chơi và cách ứng xử phù hợp nhằm ngăn ngừa những hành vi không mong đợi ở trẻ như: quấy khóc, ăn vạ,...

3.7 Trở thành cầu nối giữa trẻ và người khác

Khi bạn trở thành một người bạn chơi thân thiết, bạn sẽ dễ dàng kết nối trẻ với người khác, chẳng hạn: các bạn cùng trang lứa, bạn cùng lớp, hàng xóm, anh chị em họ của trẻ,... Việc phát triển các mối quan hệ xã hội sẽ giúp trẻ tự tin hơn và học được nhiều kỹ năng xã hội từ những chương trình vui chơi cùng bé.

4. Nhìn nhận lại việc chơi của trẻ

Việc nhìn nhận và phản hồi có ý nghĩa về việc chơi của trẻ giúp bạn thu thập thông tin về: sở thích, cách chơi của trẻ, từ đó có thể giúp mở rộng các hành vi và kỹ năng chơi của trẻ. Phản hồi có ý nghĩa với các hành động chơi và giao tiếp (bao gồm có lời và không lời) giúp trẻ hiểu rằng những điều trẻ nói ra đều có ý nghĩa và có chức năng giao tiếp nhất định. Để phản hồi với việc chơi của trẻ, bạn cần chú ý:

4.1 Quan sát việc chơi của trẻ

Bằng việc quan sát trẻ chơi, trò chuyện và lắng nghe trẻ, bạn có thể hiểu về các mục tiêu, hiệu quả và hứng thú của trẻ khi chơi. Những thông tin đó sẽ giúp bạn thiết kế được các hoạt động thiết thực, vui vẻ và có ý nghĩa với trẻ trong tương lai.

vui chơi cùng con
Vui chơi cùng con kết hợp quan sát việc chơi của con

4.2 Nhìn lại việc sắp xếp không gian chơi

Một không gian chơi an toàn, phù hợp là điều vô cùng quan trọng với trẻ. Những sắp xếp trong môi trường có khả năng giúp trẻ tương tác nhiều hơn (ví dụ: bạn để đồ chơi trẻ thích trong hộp, trẻ nhìn thấy nhưng không tự mở được thì sẽ nhờ bạn giúp) hoặc thể hiện kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề của mình (ví dụ: trẻ kê ghế lấy đồ chơi được mẹ cất ở vị trí cao). Chính vì vậy, ngoài việc cung cấp đồ chơi và các hỗ trợ khi cần, bạn hãy nghĩ đến việc sắp xếp môi trường chơi sao cho có thể khuyến khích và tạo được nhiều cơ hội nhất để trẻ thể hiện kiến thức và kỹ năng của mình. Tuy nhiên, nó cũng không được quá khó so với khả năng của trẻ, bởi nếu có quá nhiều thách thức, trẻ sẽ cảm thấy chán nản, mất tự tin vì liên tục thất bại. Sau mỗi buổi chơi, hãy cố gắng ghi lại một vài điều bạn nghĩ cần thay đổi hoặc sắp xếp lại môi trường chơi của trẻ.

4.3 Lên kế hoạch cho việc chơi

Trong khi chơi với trẻ, bạn hãy thực sự nghiêm túc tìm hiểu về sở thích, mối quan tâm, cũng như ghi nhận sự tiến bộ của trẻ. Bằng cách đó, bạn sẽ thu thập được rất nhiều thông tin và bắt đầu lên kế hoạch cho việc chơi trong tương lai, dựa trên nhu cầu và hứng thú của trẻ. Mục tiêu của các kế hoạch chơi mới sẽ bao gồm việc cung cấp các cơ hội học tập để nâng cao những trải nghiệm, kỹ năng cũng như truyền cảm hứng chơi, phát triển động lực khám phá của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: canr.msu.edu

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan