Những điểm "yêu thích" của rôm sảy trên cơ thể trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Rôm sảy là tình trạng viêm da thường gặp ở trẻ vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng. Rôm sảy gây tổn thương ở da dưới dạng các mụn nước, các sẩn màu đỏ, tập trung thành từng mảng trên da, hoặc rải rác toàn thân. Rôm sảy gây ngứa khiến trẻ gãi dễ dẫn đến tổn thương da, nhiễm khuẩn.

1. Nguyên nhân gây rôm sảy ở trẻ

Rôm sảy ở trẻ nhỏ thường xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:

  • Do môi trường: Trời mùa hè nóng bức, kín gió, không thoáng khí, trẻ đổ mồ hôi nhiều, môi trường ô nhiễm, bụi bặm bám vào da, ứ đọng trên da hoặc không thoát ra được, kích ứng da, khiến trẻ bị rôm sảy khắp người, hoặc từng vùng, gây ngứa ngáy, trẻ gãi, gây tổn thương da và viêm da.
  • Do mặc các loại quần áo không thấm mồ hôi, quấn quá nhiều tã lót.
  • Do gia đình có ông, bà, cha, mẹ có cơ địa dị ứng, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, thì thường có nguy cơ bị rôm sảy hơn.
  • Do không được tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh da thường xuyên, đặc biệt là những vùng kẽ như cổ, nách, bẹn, gây nổi rôm sảy ở cổ. Hoặc tắm quá nhiều lần trong ngày cũng làm mất chất ceramide bảo vệ da, dẫn đến da bị ngứa, khi gãi nhiều thì làm xuất hiện các mụn nước và các sẩn đỏ. Nếu gãi với tay bẩn rất dễ dẫn đến nhiễm trùng da.
  • Do sử dụng sữa tắm hoặc tiếp xúc với một số hoá chất như xà phòng có độ pH không phù hợp, cũng có thể làm viêm da.
  • Không uống đủ lượng nước cần thiết để giúp gan thải độc cũng có thể sinh ra bệnh ngứa, đặc biệt là khi trời càng nóng thì mồ hôi tiết ra càng nhiều, nhu cầu nước càng cao.

2. Những điểm "yêu thích" của rôm sảy trên cơ thể trẻ

rom-say-o-co-1
Rôm sảy ở chân

Rôm sảy ở trẻ thường xuất hiện ở trán, đầu. Ngoài ra, ở những vùng kẽ như cổ, nách, bẹn, nếu không được vệ sinh sạch sẽ, trẻ lại hoạt động nhiều, tiết ra mồ hôi cũng tạo môi trường cho rôm sảy ở cổ nổi lên. Một số trường hợp khác, trẻ có thể bị rôm sảy ở lưng, rôm sảy ở chân, hoặc đôi khi là cả toàn thân.

3. Cách phòng ngừa rôm sảy cho trẻ

Nơi ở của trẻ cần thông thoáng, mát mẻ. Tránh mặc quá nhiều quần áo cho trẻ hoặc quấn tã lót ở trong phòng kín cả ngày, làm cản trở sự hô hấp trên da của trẻ.

Thường xuyên tắm rửa cho trẻ bằng nước mát hàng ngày (nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, trời quá nóng thì có thể tắm 1-2 lần/ngày). Khi tắm lưu ý vệ sinh sạch sẽ những vùng gấp, vùng kẽ như khuỷu tay, cổ, nách bẹn, để tránh nổi rôm sảy ở cổ. Lưu ý, không nên dùng xà phòng, sữa tắm có độ pH không phù hợp, gây kích với da trẻ. Có thể tắm rửa nhẹ nhàng bằng nước chanh pha loãng, nước lá tía tô, lá đào vò nát, nước mướp đắng xay nhừ. Nhẹ nhàng kỳ cọ, lau sạch da trẻ bằng gạc hoặc khăn bông mềm, với trẻ nhỏ nên kỳ nhẹ bằng lòng bàn tay, tuyệt đối tránh lấy bã kinh giới, bã lá đào hoặc bã mướp đắng chà sát lên da trẻ. Không dùng bàn chải, đá kỳ, xơ mướp, hoặc khăn bông ráp chà mạnh để làm triệu chứng ngứa, sẽ làm tổn thương da trẻ nặng hơn, gây nhiễm trùng và viêm da nặng hơn.

Nên mặc cho trẻ quần áo bằng loại vải mềm, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, để tránh nổi rôm sảy ở lưng và những vùng khác như ngực.

Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có tính mát như: sắn dây, đậu đen, rau mồng tơi, uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước làm mát cơ thể và cung cấp nhiều vitamin C như nước rau má, nước cam, nước chanh...để phòng tránh rôm sảy cho trẻ vào mùa hè.

Khi trẻ bị rôm sảy khắp người hoặc từng vùng, thì có thể dùng phấn rôm thoa 2-3 lần/ngày, thành phần của phấn rôm là bột talc và kẽm oxit, có tác dụng hút ẩm, làm thoáng da. Nên chọn phấn rôm thành phần có chất sát khuẩn, se da vì có thể ngăn ngừa nhiễm khuẩn da. Tránh mua các loại dạng mỡ kháng sinh vì thành phần có vaseline, gây bít chân lông, làm cho da bí hơi, mồ hôi không thoát ra được dễ dẫn đến viêm da.

rom-say-o-co-2
Khi trẻ bị rôm sảy khắp người hoặc từng vùng, thì có thể dùng phấn rôm thoa 2-3 lần/ngày

Không nên giết rôm bởi đây là một thói quen không hợp vệ sinh, làm cho da dễ bị nhiễm trùng. Khi điều trị rôm sảy thì cần sử dụng đúng thuốc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan