Những sai lầm trong sơ cứu khi chảy máu cam

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khoảng 60% dân số thế giới bị chảy máu cam 1 lần trong đời, nhưng không phải ai cũng biết cách sơ cứu đúng khi chảy máu cam. Một số sai lầm khi mắc phải có thể khiến tình trạng chảy máu trầm trọng hơn.

1. Nguyên nhân gây ra chảy máu cam

Chảy máu cam hay còn gọi là chảy máu mũi xảy ra khi các mạch máu mũi bị tổn thương. Tổn thương này dẫn đến máu chảy ra từ bên trong mũi. Có rất nhiều nguyên nhân dẫm đếm chảy máu cam, một trong số đó là:

  • Do các tổn thương nhẹ (ngoáy mũi, trầy xước mũi).
  • Chấn thương mạnh do va đập trực tiếp vào mũi.
  • Các bệnh do rối loạn đông máu hoặc cao huyết áp.
  • Lệch vách ngăn mũi.
  • Viêm đường hô hấp.
  • Dị vật: khi thấy chảy máu và mủ một bên mũi, cần nghĩ đến tình trạng có dị vật ở đường thở.
  • Không khí khô, độ ẩm thấp.
  • Một số trường hợp không rõ nguyên nhân, đột ngột tự chảy và tự dứt.
Những sai lầm trong sơ cứu khi chảy máu cam
Chảy máu cam có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân

2. Những sai lầm trong việc xử lý khi chảy máu cam

Ngửa đầu ra phía sau khi chảy máu cam

Khi chảy máu cam, chúng ta thường được khuyên là hãy ngửa đầu ra sau, tuy nhiên hành động này hoàn toàn sai lầm và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hành động ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam sẽ làm cho máu chảy ngược xuống cuống họng, từ đó chạy qua lỗ thông khí và có thể gây sặc máu. Tình trạng có thể tệ hơn nếu bạn nuốt lại phần máu cam chảy ra, khi xuống dạ dày nó sẽ gây ra các triệu chứng buồn nôn, ói mửa.

Tuyệt đối không dùng tay để bịt lỗ mũi nhằm ngăn ngừa dừng máu, điều này khiến máu chảy ra nhiều hơn cũng như nguy cơ chảy ngược vào cuống họng cao hơn.

Những sai lầm trong sơ cứu khi chảy máu cam
Tuyệt đối không dùng tay để bịt lỗ mũi nhằm ngăn ngừa dừng máu

Nhét bông, gạc vào mũi

Khi chảy máu cam, nhiều người nghĩ ngay tới việc nhét bông, giấy ăn hay gạc vào mũi vì nghĩ rằng việc làm này sẽ giúp cầm máu.

Tuy nhiên các bác sĩ không khuyến khích việc này, vì tất cả những vật liệu thông thường đều không đảm bảo vô khuẩn, nhất là khi nó tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm mạc ở mũi. Nếu như vật dụng cầm máu không sạch có thể gây ra nhiễm trùng.

Dùng nước muối quá nhiều

Nhiều người cho rằng nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên sẽ làm ẩm niêm mạc mũi, tránh khô mũi, ngăn chảy máu cam. Tuy nhiên quan niệm này không hề đúng, việc nhỏ nước muối vào niêm mạc mũi không phải là một giải pháp lâu dài vì nó chỉ tức thời làm ẩm mũi, về lâu dài nó còn khiến mũi khô hơn. Kể cả việc sử dụng các thiết bị tạo ẩm chỉ là những giải pháp tình thế.

Hãy uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng cường chất xơ kết hợp các biện pháp hỗ trợ bên ngoài kể trên sẽ giúp bạn và người thân tránh được chứng chảy máu cam khó chịu.

3. Cách xử lí đúng khi bị chảy máu cam

Các bước xử lí đúng khi bị chảy máu cam:

  • Bước 1: Bình tĩnh tìm 1 chỗ bằng phẳng để ngồi xuống.
  • Bước 2: Hơi cúi đầu về phía trước, dùng ngón tay ấn chặt phần cánh mũi đang chảy máu (nếu chỉ chảy 1 bên và cố định ít nhất 30 giây).
  • Bước 3: Dùng khăn giấy, bông sạch thấm phần máu chảy ra, tuyệt đối không đưa sâu vào trong mũi.
  • Lưu ý: Nếu sau 10-15 phút, máu vẫn không ngừng chảy thì hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế ngay lập tức để được xử lí kịp thời.

Khi máu đã ngừng chảy, bạn có thể đặt một túi đá nhỏ trên mũi để giảm đau và sưng. Tuyệt đối không ngoáy hay xì mũi trong vài giờ sau khi chảy máu cam. Tránh các chất kích thích như khói thuốc lá cho đến khi vết thương lành hẳn.

Những sai lầm trong sơ cứu khi chảy máu cam
Nếu sau 10-15 phút, máu vẫn không ngừng chảy thì hãy đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế ngay lập tức để được xử lí kịp thời

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

  • Chảy máu cam kéo dài hơn 20 phút; lượng máu chảy nhiều.
  • Chảy máu mũi xảy ra sau một chấn thương.
  • Cảm nhận hoặc nếm thấy máu trong cổ họng ngay cả khi máu đã ngừng chảy.
  • Chảy máu kèm các triệu chứng chóng mặt, sốt cao hoặc nôn.
  • Chảy máu mũi xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Chảy máu thường xuyên.
  • Chảy máu sau khi sử dụng thuốc hoặc trong tình trạng sức khỏe không tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Theo: Wikihow

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

191.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan