Những xét nghiệm giúp phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Phổi tắc nghẽn mãn tính là căn bệnh nguy hiểm đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại Việt Nam. Chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp ích rất nhiều cho việc điều trị bệnh. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bằng những triệu chứng gì? Có thể phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bằng các thăm dò và xét nghiệm gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì?

Phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường hô hấp mãn tính, gây tắc nghẽn luồng khí thở ra, cản trở sự thông khí ở phổi.

Nguyên nhân gây bệnh là do các hạt bụi hoặc khí độc hại ở ngoài môi trường tác động khiến phổi bị tổn thương. Bệnh thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, đặc biệt là người hút thuốc lào, thuốc lá, người hay tiếp xúc với khói bếp than, khói rơm rạ, khói bếp củi, khói hương hoặc bụi và các loại khí độc hại.

Ước tính trên thế giới có hơn 329 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Con số này ngày càng gia tăng do các yếu tố nguy cơ gây bệnh có chiều hướng tăng lên (khói bụi, ô nhiễm môi trường...).

Những thăm dò quan trọng giúp phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mãn tính

2. Những triệu chứng giúp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Những triệu chứng giúp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bao gồm:

  • Ho, khạc đờm. Ho dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần: Nhiều người nghĩ rằng ho là triệu chứng thông thường của viêm phế quản mà chủ quan không đến viện khám, nhưng nếu những đợt ho kéo dài liên tục trong vài tháng, lặp đi lặp lại nhiều lần thì có thể bạn đã mắc các bệnh liên quan đến phổi. Bao gồm cả ho khan và ho có đờm. Thường ho nhiều và khạc đờm vào buổi sáng.
  • Khó thở: Đây là những dấu hiệu cho thấy hệ thống hô hấp đang gặp vấn đề. Lúc đầu có thể khó thở khi mệt, lao động quá sức. Sau đó ngay cả khi đang hoạt động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi cũng cảm thấy khó thở. Tình trạng khó thở ngày một nặng hơn.

Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh hay thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh (trên 40 tuổi) cần đi khám ngay khi có những dấu hiệu trên. Lắng nghe cơ thể để nhận biết được những thay đổi nhỏ nhất. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở giai đoạn đầu có thể ngăn chặn bệnh phát triển, làm chậm quá trình tổn thương phổi.

3. Những thăm dò giúp phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

3.1. Đo chức năng hô hấp

Đo chức năng hô hấp sẽ kiểm tra được mức độ tắc nghẽn phế quản, lưu lượng khí ra vào phổi, đo các thể tích khác của phổi. Các chỉ số này sẽ cho biết bạn có mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay không, nếu có thì mức độ của bệnh nặng hay nhẹ.

3.2 Chụp X quang phổi

Những thăm dò quan trọng giúp phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Hình ảnh phổi bị tổn thương do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Ở giai đoạn đầu của bệnh, chụp X quang có thể không phát hiện được bệnh do hình ảnh phổi bình thường. Khi bệnh phát triển đến giai đoạn nặng, chụp X quang phổi có giá trị gợi ý chuẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Kết quả X quang giúp phân biệt biểu hiện ho, khạc đờm, khó thở là do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay các bệnh khác như lao phổi, giãn phế quản, u phổi, xơ phổi...

3.3. Đo khí máu động mạch

Nếu tình trạng khó thở diễn ra thường xuyên với tần suất ngày càng dày đặc thì bạn sẽ được làm xét nghiệm đo khí máu động mạch để kiểm tra nồng độ oxi và khí CO2 trong máu. Kết quả đo khí động mạch sẽ cho biết mức độ nặng nhẹ của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu nồng độ oxi càng giảm, trong khi nồng độ khí CO2 càng tăng thì bệnh càng nặng.

3.4. Điện tim

Điện tim thường được thực hiện ở giai đoạn bệnh phát triển nặng. Điện tim giúp kiểm tra những biến chứng tim mạch của người bệnh như: rối loạn nhịp tim, suy tim... để có phương hướng điều trị kịp thời.

3.5. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực

Để đánh giá mức độ giãn phế nang của phổi các bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Các bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm vì vậy chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cũng đóng vai trò tầm soát ung thư phổi để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời

3.6. Xét nghiệm máu

Ngoài các thăm dò trên bệnh nhân sẽ kết hợp thực hiện xét nghiệm máu: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm tiểu đường, kiểm tra chức năng gan, thận... để biết được tình trạng sức khỏe hiện tại và đánh giá các bệnh đồng mắc. Trường hợp bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính bị tiểu đường, các bệnh tim mạch, cao huyết áp... sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị, dễ gây biến chứng, nguy cơ tử vong rất cao.

Dựa vào các thăm dò và xét nghiệm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trên, các bác sĩ có thể đưa ra kết luận bạn có mắc bệnh hay không, nếu có thì tình trạng bệnh như thế nào, phương hướng điều trị ra sao.

Điều quan trọng là cần đi khám ngay khi thấy các triệu chứng bất thường của cơ thể. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, việc thăm khám điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay các bệnh liên quan đến phổi đều được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Các xét nghiệm đều được thực hiện bởi hệ thống máy móc hiện đại cho kết quả có độ chính xác cao, rút ngắn thời gian khám và xác định tình trạng bệnh.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: