Nước ối bất thường, có màu xanh đục, nâu: Cảnh báo nguy hiểm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nước ối bình thường sẽ đảm bảo an toàn cho thai nhi trong suốt thai kỳ cho đến khi chuyển dạ. Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp bà bầu bị hiện tượng nước ối bất thường như nhiễm trùng ối, nước ối màu vàng, màu xanh... gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

1. Nước ối là gì? Vai trò của nước ối

Em bé sống trong bụng mẹ được bao bọc xung quanh bởi lớp “đệm” êm ái ở thể lỏng trong suốt. Đây chính là nước ối. Nước ối che chắn, bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài. Tái tạo và trao đổi dưỡng chất cho thai nhi, vừa giúp thai nhi tránh được sự chèn ép, va chạm, sang chấn từ bên ngoài.

Thông thường nước ối ở những tháng đầu của thai kỳ sẽ ở dạng lỏng trong suốt. Càng về cuối thai kỳ, nước ối dần chuyển sang màu trắng đục - là tình trạng nước ối bình thường, không có gì đáng lo ngại.

Tuy nhiên, một số trường hợp nước ối bất thường như nước ối màu xanh, màu vàng hay nâu, có mùi hôi... Đây đều là dấu hiệu của nhiễm trùng nước ối gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con.

2. Nhiễm trùng nước ối và các biến chứng nguy hiểm

Nước ối có màu xanh đục lẫn mủ, mùi hôi, nước ối có màu vàng, màu xanh hay màu vàng xanh là các dấu hiệu bất thường của nước ối.

2.1. Nước ối có màu vàng xanh

Là hiện tượng tán huyết thai nhi (thiếu máu) hoặc thai nhi chậm phát triển (suy dinh dưỡng) trong tử cung.

Hiện tượng tán huyết thai nhi là do hàm lượng hồng cầu trong cơ thể mẹ không đủ, gây ra thiếu máu ở thai nhi. Hầu hết mẹ bầu bị tán huyết đều lây truyền sang cho con nhưng ở thể lặn, nghĩa là nếu con có bị lây thì sau khi sinh ra bé vẫn có cuộc sống bình thường.

Các trường hợp được chẩn đoán tán huyết này, bác sĩ sẽ yêu cầu chồng của thai phụ tiến hành xét nghiệm. Nếu chồng cũng bị thiếu máu tán huyết thì khả năng cao con sinh ra sẽ mang gen trội. Tức là con sẽ nhiễm bệnh thiếu máu tán huyết ngay từ bụng mẹ và sau khi sinh ra sẽ phải sống cả đời với việc thiếu máu, thường xuyên phải truyền máu.

Tuy nhiên, các mẹ cũng không phải quá lo lắng vì trường hợp cả vợ cả chồng cùng mắc bệnh thiếu máu tán huyết là rất ít. Chỉ xảy ra ở các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống.

Nước ối bất thường, có màu xanh đục, nâu: Cảnh báo nguy hiểm
Nước ối là yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau khi sinh

Thai nhi chậm phát triển hay thai nhi suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ do mẹ bầu không bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Em bé sẽ không có sự phát triển bình thường trong bụng mẹ. Khi sinh ra sẽ có cân nặng thấp hơn so với mức bình thường. Khi chào đời bé sẽ yếu hơn và sức đề kháng cũng kém hơn, dễ mắc các loại bệnh.

2.2. Nước ối có màu xanh đục, mùi hôi lẫn mủ

Màng ối sẽ được hình thành ở ngày thứ 12 sau khi thụ thai có chứa nước ối bên trong. Lớp màng ối mỏng này tạo ra môi trường vô trùng cho thai nhi phát triển, tránh vi khuẩn xâm nhập vào thai nhi.

Khi màng ối vỡ hay thủng, nước ối sẽ chảy ra ngoài từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây nhiễm trùng nước ối. Thai nhi không được bảo vệ và nuôi dưỡng trong môi trường an toàn. Nhiễm trùng nước ối sẽ có màu xanh đục, có mùi hôi và lẫn mủ.

Nguyên nhân gây ra vỡ màng ối, nhiễm trùng màng ối là do sản phụ bị viêm nhiễm phụ khoa trước hoặc trong lúc mang thai điều trị không đúng cách. Vi khuẩn từ âm đạo tấn công xâm nhập và gây viêm màng ối.

Khi viêm màng ối, bà bầu sẽ đối diện với nguy cơ vỡ ối non, sinh non hoặc chấm dứt thai kỳ sớm (sảy thai) hoặc khó giữ được tính mạng của thai nhi. Đồng thời sức khỏe của mẹ cũng bị ảnh hưởng.

2.3. Nước ối màu xanh rêu sệt lẫn phân su

Đây là hiện tượng bị suy thai trầm trọng trong bụng mẹ, đe dọa tính mạng của thai nhi. Đây là tình trạng thiếu oxy trong thai kỳ hoặc sắp chuyển dạ. Khi thấy nước ối có màu xanh rêu sệt và lẫn phân su của bé thì nguy cơ cao bị suy thai cấp khi chuyển dạ.

Nếu không được phát hiện sớm sẽ là mối đe dọa lớn đến sự sống còn của thai nhi. Thai nhi khi sinh ra có thể bị khuyết tật về thần kinh, bé chậm phát triển, rối loạn khả năng ngôn ngữ.

2.4. Nước ối có màu đỏ nâu

Nước ối màu đỏ nâu là dấu hiệu bé không còn sống trong bụng mẹ hay còn gọi là thai chết lưu. Thai nhi chết lưu do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó nhiễm trùng ối hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng ở mẹ là nguyên nhân hàng đầu.

Các dấu hiệu cho thấy thai chết lưu phổ biến như nước ối chảy ra âm hộ có màu đỏ nâu, đau bụng nhẹ đến nặng, đau lưng dữ dội, chóng mặt, không thấy tim thai hoặc cử động của thai nhi...

Như vậy có thể thấy nước ối với thai kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ thai nhi. Dựa vào thể tích, tỷ trọng và màu sắc nước ối có thể dự báo hoặc tiên đoán được tình trạng sức khỏe của em bé trong bụng mẹ.

Nước ối bất thường với sự thay đổi về màu sắc, nhiễm trùng nước ối là những dấu hiệu cảnh báo nhiều nguy hiểm về tình trạng sức khỏe của thai nhi. Nếu không được phát hiện sớm và có phương án xử lý kịp thời có thể gây tử vong thai nhi.

Nước ối bất thường, có màu xanh đục, nâu: Cảnh báo nguy hiểm
Mẹ bầu cần khám thai thường xuyên trong suốt thai kỳ

Do vậy sản phụ cần thường xuyên đi khám và theo dõi thai trong suốt thời gian mang bầu tại các địa chỉ y tế uy tín.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám và đăng ký gói hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan