Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không?

Mục lục

Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không là câu hỏi được nhiều người quan tâm khi xuất hiện các vấn đề ở khu vực hậu môn trực tràng. Mặc dù cả hai đều có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhưng sa trực tràng và trĩ thực chất là hai tình trạng khác nhau với nguyên nhân, biểu hiện và phương pháp điều trị riêng biệt.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Việt Thắng - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Tổng quan về sa trực tràng và trĩ

Trước khi trả lời cho câu hỏi sa trực tràng và trĩ có giống nhau không, chúng ta hãy tìm hiểu tổng quan về 2 tình trạng này:

1.1 Sa trực tràng là gì?  

Sa trực tràng là tình trạng trực tràng (phần cuối của ruột già trước khi đổ vào hậu môn) bị mất sự gắn kết bình thường với cơ thể và lòi ra ngoài qua lỗ hậu môn. Đây là một bệnh lý lành tính, không gây ra các biến chứng nguy hiểm nghiêm trọng, nhưng lại gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu khối sa bị mắc kẹt bên ngoài hậu môn, có thể dẫn đến tình trạng nghẹt và nguy cơ hoại tử.

Triệu chứng sa trực tràng lúc ban đầu thường có thể chỉ cảm thấy một khối u hoặc mô sưng sa ra khỏi hậu môn khi đi tiêu và có thể dùng tay đẩy khối này trở lại bên trong. Tuy nhiên, theo thời gian, khối u hoặc mô này có thể sa ra ngoài hậu môn một cách vĩnh viễn và không thể đẩy vào lại được.

Sa trực tràng thường xuyên hơn khi bệnh nhân ho, hắt hơi hoặc đứng dậy. Đôi khi, bệnh nhân cảm thấy như mình đang "ngồi trên một quả bóng" hoặc có cảm giác đi đại tiện chưa hết phân.

Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không là câu hỏi được nhiều người thắc mắc do cả hai đều có những triệu chứng tương tự.
Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không là câu hỏi được nhiều người thắc mắc do cả hai đều có những triệu chứng tương tự.

1.2 Bệnh trĩ là gì?

Khác với sa trực tràng, bệnh trĩ là tình trạng các đám rối tĩnh mạch ở vùng quanh hậu môn bị giãn quá mức, dẫn đến sự hình thành các búi trĩ. Tùy vào vị trí của búi trĩ, bệnh trĩ được chia thành 3 loại chính: trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.

Bệnh trĩ có thể gặp ở cả nam và nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Theo thống kê, cứ 2 người trên 50 tuổi thì có một người mắc trĩ ít nhất một lần trong đời.

Các dấu hiệu bệnh trĩ bao gồm:

  • Chảy máu nhưng không đau khi đi đại tiện.
  • Ngứa hoặc kích thích vùng hậu môn.
  • Đau hoặc khó chịu do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt.
  • Sưng quanh vùng hậu môn.
  • Xuất hiện khối u nhô lên gần hậu môn, có cảm giác rát hoặc đau.

Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định, lựa chọn phương pháp điều trị bệnh trĩ phù hợp dựa vào mức độ và tình trạng bệnh, bao gồm các phương pháp điều trị tại bệnh viện và tại nhà.

Các phương pháp trị tại bệnh viện:

  • Thắt dây cao su.
  • Chích xơ.
  • Phương pháp phẫu thuật Longo.
  • Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển.

Cách chữa trị bệnh trĩ tại nhà:

  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ.
  • Dùng thuốc bôi hoặc thuốc cải thiện tuần hoàn máu.
  • Ngâm hậu môn trong nước ấm.
  • Tránh vận động nặng.
  • Uống thuốc giảm đau.
Phân biệt qua hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện.
Phân biệt qua hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện.

2. Sa trực tràng và trĩ có giống nhau không?  

Để giải đáp câu hỏi sa trực tràng và trĩ có giống nhau, chúng ta cần chú ý đến các đặc điểm của búi sa và hiện tượng chảy máu của hai tình trạng này.  

2.1 Phân biệt sa trực tràng và trĩ qua búi sa

Bệnh trĩ: Khối sa trong bệnh trĩ thường có bề mặt là lớp niêm mạc của ống hậu môn. Những khối sa này thường ngắn và được tạo thành từ một hoặc nhiều búi trĩ không đều, có thể gây ra cảm giác khó chịu, sưng tấy và đôi khi chảy máu khi đi tiêu.

Bệnh sa trực tràng: Khối sa trong bệnh sa trực tràng là một phần hoặc toàn bộ trực tràng. Khối sa này thường dài và có hình tròn đồng tâm. Khối sa tiết ra nhiều dịch nhầy ẩm ướt.  

2.2 Phân biệt qua hiện tượng chảy máu khi đi đại tiện

Bệnh trĩ: Ở giai đoạn đầu của bệnh, một trong những triệu chứng rõ ràng nhất là đi tiêu ra máu. Lượng máu chảy ra sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Ban đầu, máu thường chảy ít, chỉ dính trên phân hoặc giấy vệ sinh và búi trĩ còn nhỏ nên không gây đau đớn. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng, các búi trĩ sẽ sưng to, máu chảy ra nhiều hơn, có thể nhỏ thành giọt hoặc bắn thành tia, gây cảm giác khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh sa trực tràng: Triệu chứng thường gặp là chảy máu khi đi đại tiện. Máu đỏ tươi, chảy ra ít và thường bị lẫn vào phân. Bên cạnh việc dựa vào các đặc điểm của búi sa và hiện tượng chảy máu, để chẩn đoán chính xác bệnh sa trực tràng, bác sĩ cần sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

  • Phương pháp chụp hình khi đi cầu (Video-proctoscope): Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn và dễ thực hiện. Bác sĩ sẽ sử dụng hình ảnh thu được trong khi bệnh nhân đi cầu để xác định chính xác bệnh sa trực tràng và phân biệt với các bệnh lý khác như sa trĩ.
  • Phương pháp chụp cộng hưởng từ động học (MRI Dynamic defecography): Đây là phương pháp có độ chính xác cao, giúp chẩn đoán rõ ràng bệnh sa trực tràng và các yếu tố kèm theo như sa sinh dục, sa bàng quang,... MRI cũng giúp xác định các đặc điểm giải phẫu của sa trực tràng như sự giãn rộng của hậu môn, cơ nâng hậu môn, hoặc tình trạng túi cùng Douglas thòng xuống.

3. Phòng ngừa bệnh sa trực tràng

Để ngăn ngừa sa trực tràng, mọi người cần thực hiện các biện pháp cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa và thói quen sinh hoạt như sau:

  • Tập thói quen đi vệ sinh hằng ngày, không nên rặn quá mạnh khi đi đại tiện và hạn chế tình trạng táo bón.  
  • Tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn, bằng cách ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc.  
  • Ngoài ra, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.  
  • Giảm cân và không khuân vác quá nặng vì điều này có thể tạo áp lực lên cơ vùng bụng và ruột, làm tăng nguy cơ sa trực tràng.

4. Điều trị sa trực tràng

Khi bệnh sa trực tràng ở giai đoạn nhẹ, việc điều trị nội khoa như sử dụng thuốc nhuận tràng và thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện tình trạng. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng, phẫu thuật trở thành biện pháp duy nhất để điều trị dứt điểm.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị dứt điểm khi sa trực tràng tiến triển nặng.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị dứt điểm khi sa trực tràng tiến triển nặng.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau tùy theo nguyên lý điều trị, trong đó chia thành hai nhóm chính: phẫu thuật qua đường bụng và phẫu thuật qua đường tầng sinh môn. Các phương pháp này giúp ngăn tình trạng sa trực tràng tái phát và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố bệnh nhân và yếu tố kỹ thuật phẫu thuật:  

  • Yếu tố bệnh nhân bao gồm độ tuổi, giới tính, chức năng đại tiện, khả năng kiểm soát đại tiện, tiền sử phẫu thuật và các bệnh lý nội khoa kèm theo.  
  • Yếu tố phẫu thuật bao gồm mức độ sa trực tràng, tác động lên chức năng đại tiện và khả năng kiểm soát đại tiện, tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tái phát, cũng như kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.

Ngoài hai phương pháp phẫu thuật đã đề cập, sa niêm mạc trực tràng còn có thể được điều trị bằng phẫu thuật Longo, một phương pháp ít xâm lấn, giúp giảm nguy cơ biến chứng và mang lại hiệu quả điều trị cao.

Vậy bài viết trên cũng đã giải đáp thắc mắc sa trực tràng và trĩ có giống nhau không. Mặc dù hai bệnh lý này có một số điểm tương đồng nếu chỉ nhìn qua, nhưng thực tế thì hoàn toàn khác nhau về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.  

Việc chẩn đoán chính xác và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân là rất quan trọng, vì các phương pháp điều trị cho sa trực tràng và trĩ là khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa phù hợp để giảm nguy cơ mắc phải cả hai bệnh lý này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ