Ai không nên cấy que tránh thai?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thay vì uống thuốc tránh thai, sử dụng bao cao su hay đặt vòng, cấy que tránh thai là phương pháp đang được rất nhiều chị em lựa chọn bởi nhiều ưu điểm mà nó mang lại.

1. Cấy que tránh thai khi nào?

Cấy que tránh thai được áp dụng đối với phụ nữ trong tuổi sinh đẻ muốn dùng một biện pháp tránh thai có hiệu quả cao trong nhiều năm (từ 3-5 năm) và có dễ dàng hồi phục khả năng sinh sản sau khi dừng biện pháp. Thời điểm phù hợp nhất để cấy que tránh thai là vào 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, 3 tháng đầu sau khi nạo hút thai hoặc sảy thai. Đối với phụ nữ sau sinh thì phải đợi ít nhất 3-4 tuần sau sinh thì mới nên cấy que tránh thai.

2. Đối tượng có thể cấy que tránh thai

Que tránh thai có thể sử dụng cho hầu hết những phụ nữ đang ở tình trạng sức khỏe ổn định, không mang thai và có vấn đề bệnh lý đặc biệt. Ngoài ra que cấy tránh thai còn là phương pháp thay thế tối ưu cho việc đặt vòng ngừa thai, từ đó giúp giảm thiểu nguy cơ bị viêm nhiễm vùng sinh dục, tuột vòng làm có thai ngoài ý muốn.

Que tránh thai Implanon đặc biệt hữu ích đối với những phụ nữ đang cho con bú (trên 6 tuần sau sinh), bị lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, các bệnh về tim mạch, béo phì, cao huyết áp, tiểu đường....

Que cấy tránh thai Implanon
Que tránh thai Implanon

3. Ai không nên cấy que tránh thai?

Mặc dù đối tượng có thể sử dụng que cấy tránh thai khá rộng, tuy nhiên vẫn có những trường hợp cần thận trọng khi sử dụng như:

  • Phụ nữ cho con bú dưới 6 tuần sau khi sinh.
  • Bị xuất huyết, chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.
  • Đang bị ung thư vú hoặc có tiền căn ung thư vú.
  • Người mắc bệnh lý gan nặng (gan cấp tính hoặc có khối u ở gan..).
  • Bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống
  • Người bị xuất hiện khối tĩnh mạch ở chân hay phổi.
  • Những người bệnh đang sử dụng thuốc chống động kinh hay thuốc điều trị lao.

Ngoài ra cũng không nên tiếp tục sử dụng đối với những người đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim hoặc bị đau nửa đầu có kèm mờ mắt.

ung thư vú
Bệnh nhân ung thư vú không nên cấy que tránh thai

4. Cấy que tránh thai có nguy hiểm không?

Cần phải khẳng định rằng tránh thai bằng hình thức cấy que dưới da không nguy hiểm. Tuy nhiên chúng ta nên ý thức rằng bất kỳ phương pháp tránh thai nào cũng có những ưu và nhược điểm khó tránh khỏi và cấy que tránh thai cũng không ngoại lệ. Phương pháp này cũng có thể mang lại một số tác dụng phụ như: một số người có thể buồn nôn hoặc nôn nhẹ trong vài tuần đầu sau khi cấy, hơi nhức đầu nhẹ, cương và đau nhức vùng ngực, nổi mụn, tăng cân, thay đổi kinh nguyệt dưới nhiều dạng: kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường (rong kinh), ra máu giữa kỳ vài ngày, kinh nguyệt ít đi hoặc thậm chí có thể mất kinh (vô kinh). Tất cả những điểm không thuận lợi trên sẽ tự giảm dần hoặc biến mất sau 1,2 tháng kể từ khi cấy.

Ngoài ra cũng có một số trường hợp hiếm (0,2-1% các ca thực hiện) có thể xảy ra tai biến như tụ máu, nhiễm trùng hay dị ứng ở vị trí cấy. Hoặc que cấy có thể dịch chuyển (thường dưới 2cm), nếu bạn không sờ thấy que cấy hoặc thấy que cấy có dấu hiệu bị cong, vùng cấy bị sưng tấy hoặc biểu hiện lạ thì nên báo ngay với bác sĩ để được hỗ trợ sớm nhất.

Bác sĩ Phạm Thị Yến đã có 11 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Bác sĩ với thế mạnh và hiểu biết sâu sắc trong:

  • Khám, tư vấn các thai thường, thai bệnh lý, thai nguy cơ cao
  • Khám và điều trị các bệnh lí phụ khoa: viêm cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung
  • Phẫu thuật nội soi các bệnh lý phụ khoa : thai ngoài tử cung, khối u tử cung , khối u buồng trứng
  • Phẫu thuật khối u vú, khối u âm hộ , âm đạo, cổ tử cung
  • Phẫu thuật sản khoa : phẫu thuật lấy thai, khám
  • Điều trị các rối loạn nội tiết phụ nữ ở các lứa tuổi: dậy thì, tuổi sinh sản; tuổi tiền mãn kinh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan