Các phương pháp mổ lấy thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Cho đến nay, sinh thường qua ngả âm đạo vẫn là phương pháp được các bác sĩ sản khoa khuyến khích. Tuy nhiên, với những sản phụ không thể sinh thường thì phẫu thuật lấy thai là sự lựa chọn hợp lý.

1. Phẫu thuật lấy thai là gì?

Phẫu thuật lấy thai là trường hợp lấy thai và nhau thai ra khỏi tử cung qua đường rạch thành bụng và rạch tử cung. Định nghĩa này không bao gồm mở bụng lấy thai trong trường hợp thai lạc chỗ nằm trong ổ bụng và vỡ tử cung thai đã nằm trong ổ bụng.

2. Các phương pháp trong mổ lấy thai

Về các phương pháp mổ lấy thai, hiện nay các bác sĩ thường rạch ngang đoạn dưới tử cung để lấy thai nên phẫu thuật có tên là “mổ ngang đoạn dưới”, tuy nhiên trong một số trường hợp, nếu đoạn dưới thành lập tốt thì có thể rạch dọc đoạn dưới. Ngày nay, phương pháp mổ ngang đoạn dưới là kỹ thuật chính được lựa chọn trong hầu hết các cơ sở sản khoa trên toàn thế giới.

Trước đây, khi mổ nhất thiết phải khâu đóng kín phúc mạc trùm lên vết mổ ở đoạn dưới, thậm chí bác sĩ còn cẩn thận kéo từng vạt phúc mạc ở trên và dưới vết mổ ngang đoạn dưới để vết mổ được hai lần phủ kín. Tương tự, phúc mạc thành bụng cũng được khâu kín lại trước khi đóng ổ bụng. Hiện nay, nhiều nơi người ta đã bỏ việc đóng phúc mạc tử cung và phúc mạc thành bụng vì cho rằng không cần thiết, phúc mạc sẽ tự nó dính liền trở lại sau mổ 24 giờ, giúp giảm thiểu những bất thường do chỉ tự tiêu gây ra (nhiễm khuẩn, dị ứng); thời gian mổ lại được rút ngắn.

Về đường rạch trên bụng, trước đây, người ta chỉ rạch da theo đường dọc từ rốn hoặc trên dưới rốn một chút xuống đến vùng mu. Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ sử dụng đường mổ ngang trên xương mu để tránh sẹo mổ chạy dọc trên thành bụng. Bên cạnh hiệu quả thẩm mỹ, đường mổ này còn có tác dụng làm chắc thành bụng ở nơi vết mổ vì bên ngoài đường rạch là ngang nhưng bên trong, khi mở lớp cơ thành bụng thì người ta lại theo đường dọc.

Dịch vết mổ đẻ cũ, vấn đề không hề đơn giản
Hình ảnh sẹo vết “mổ ngang đoạn dưới”

3. Phẫu thuật lấy thai được chỉ định trong trường hợp nào?

  • Do nguyên nhân từ thai.
    • Các chỉ định do ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi trán, ngôi mặt cằm sau, ngôi thóp trước..
    • Thai to
    • Thai suy
    • Bệnh lý của thai có chống chỉ định đẻ đường âm đạo
  • Do nguyên nhân phần phụ của thai: Nhau bám mép, nhau bám trung tâm...
  • Do nguyên nhân đường sinh dục: âm đạo có vách ngăn, 2 tử cung...
  • Do bệnh lý của mẹ: tiền sản giật nặng, bệnh tim mạch...
  • Những chỉ định khác

4. Phẫu thuật mổ lấy thai được tiến hành ra sao?

Đầu tiên, sản phụ sẽ được nhân viên y tế giải thích đầy đủ lý do phẫu thuật lấy thai, ký giấy cam đoan phẫu thuật. Sau đó, sẽ được thông đái, sát khuẩn thành bụng, trải khăn vô khuẩn sau khi đã được giảm đau.

Các bước tiến hành gồm có:

Thì 1. Mở bụng:

  • Có thể đường trắng giữa dưới rốn hoặc đường ngang trên mu.
  • Bộc lộ vùng mổ: chèn gạc, đặt van vệ.

Thì 2. Mở phúc mạc đoạn dưới tử cung.

Thì 3. Rạch ngang cơ tử cung đoạn dưới đến màng ối:

  • Mở đoạn dưới tử cung ở ngay giữa (lưu ý tránh chạm vào phần thai ở ngay dưới). Mở rộng vết rạch tử cung sang hai bên. Đường mở tử cung song song với đường mở phúc mạc đoạn dưới.
  • Đường rạch ngang đoạn dưới khoảng 8-10cm .

Thì 4. Lấy thai và rau:

  • Lấy thai: lấy đầu thai nếu là ngôi đầu, lấy chân thai hay mông thai nếu là các ngôi còn lại.
  • Dùng miếng gạc mỏng lau nhớt miệng trẻ.
  • Kẹp và cắt dây rốn.
  • Tiêm tĩnh mạch chậm (qua dây truyền) 10 đơn vị oxytocin. Lấy rau bằng cách kéo dây rốn và ấn đáy tử cung qua thành bụng. Làm sạch buồng tử cung. Nong cổ tử cung nếu cần.
  • Kiểm tra và kẹp các mạch máu lớn đang chảy.

Thì 5. Khâu vết rạch tử cung và phúc mạc:

  • Khâu phục hồi lớp cơ tử cung bằng chỉ tiêu số 1. Có thể bằng mũi rời hay khâu vắt có khóa hay không có khóa. Mũi khâu lấy toàn bộ chiều dày lớp cơ tử cung.
  • Không nên khâu cả lớp nội mạc tử cung. Thông thường khâu một lớp là đủ. Nếu cần thì khâu vắt lớp thứ hai để cầm máu và che phủ lớp khâu thứ nhất.
  • Phủ phúc mạc đoạn dưới tử cung bắt buộc khi có nguy cơ nhiễm khuẩn.

Thì 6. Lau sạch ổ bụng, kiểm tra tử cung, phần phụ và các tạng xung quanh, đếm đủ gạc

Thì 7. Đóng thành bụng theo từng lớp.

Thì 8. Lấy máu và lau âm đạo.

Đẻ mổ được mấy lần?
Hình ảnh mô phỏng kỹ thuật phẫu thuật mổ lấy thai

5. Chăm sóc sau phẫu thuật

5.1. Theo dõi sau phẫu thuật

  • Mạch, huyết áp, toàn trạng, bài tiết nước tiểu.
  • Co hồi tử cung, lượng máu chảy từ tử cung ra.
  • Vết mổ thành bụng.
  • Trung tiện.

5.2. Chăm sóc

  • Sản phụ được cho thuốc giảm đau sau phẫu thuật.
  • Sản phụ được cho uống, ăn sớm (uống, thức ăn lỏng khi chưa trung tiện, ăn bình thường khi đã có trung tiện).
  • Vận động sớm.
  • Cho con bú sớm.
  • Bác sĩ chỉ định kháng sinh điều trị (nếu cần).

6. Những tai biến có thể gặp trong mổ lấy thai

6.1. Về phía mẹ

6.1.1.Tai biến gần

  • Nhiễm trùng: thường gặp là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tai biến do phẫu thuật như chạm phải các cơ quan lân cận (bàng quang, ruột), khâu phải niệu quản, rò bàng quang – tử cung/âm đạo.
  • Chảy máu nhiều, băng huyết trong hay sau mổ do đờ tử cung; chảy máu do rách đoạn dưới tử cung.
  • Liệt ruột.
  • Bung vết mổ, thoát vị thành bụng.
  • Xuất huyết nội.
  • Thuyên tắc tĩnh mạch, huyết khối.
  • Tử vong cho mẹ: có thể do thuyên tắc mạch ối, chảy máu không cầm được hoặc do không có đủ máu khi người mẹ thuộc nhóm máu hiếm.
  • Các tai biến do gây mê – hồi sức: có thể có những biến chứng do vô cảm như hội chứng hít (trong trường hợp gây mê nội khí quản); tụt huyết áp, nhức đầu sau mổ (trong trường hợp gây tê tủy sống), phản ứng thuốc (choáng phản vệ).
Gây mê nội khí quản
Gây mê nội khí quản mổ lấy thai

6.1.2.Tai biến xa

  • Dính ruột, tắc ruột.
  • Tắc ống dẫn trứng gây vô sinh thứ phát.
  • Lạc nội mạc tử cung tại sẹo mổ lấy thai hay sẹo mổ thành bụng.
  • Trong những lần mang thai sau, sẹo trên thân tử cung có thể bị nứt (nứt khi chưa vào chuyển dạ hoặc khi đã vào chuyển dạ)
  • Trong những lần có thai sau, khả năng sẽ phải mổ lại tăng và nếu sinh ngã âm đạo phải giúp sanh bằng giác hút hoặc forceps để giảm nguy cơ nứt sẹo mổ cũ trên đoạn dưới tử cung...

6.2. Về phía con

  • Thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê.
  • Bị chạm thương trong khi phẫu thuật.
  • Hít phải nước ối, đặc biệt nước ối có phân su.
  • Trẻ sơ sinh do sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp nặng (hội chứng chậm hấp thu dịch phổi) và đe dọa tính mạng do sự can thiệp khi mẹ chưa chuyển dạ, nhất là trẻ được can thiệp sinh mổ ở thời kỳ thai chưa đủ tháng (trước 39 tuần).
  • Tử vong chu sinh (trong vòng 28 ngày sau khi sinh) ở trường hợp mổ lấy thai cao hơn so với sinh thường.
  • Mổ lấy thai cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị chết khi sanh ở lần sinh con tiếp theo (có thể tử cung bị sẹo do cuộc mổ lần trước không tạo điều kiện để bánh nhau bám tốt do đó việc cung cấp máu và chất dinh dưỡng nuôi bào thai không đầy đủ)...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan