Đối phó với bệnh trĩ sau khi mang thai

Trĩ là tình trạng các tĩnh mạch bên trong hoặc xung quanh hậu môn bị sưng lên. Nhiều phụ nữ mang thai bị trĩ hoặc bị trĩ sau khi mang thai. Sinh con xong bị trĩ thực sự sẽ gây khó chịu cho những bà mẹ phải chăm sóc em bé mới chào đời.

1. Nguyên nhân khiến bạn bị trĩ sau khi mang thai

Phụ nữ mang thai bị trĩ nhiều nhất trong 3 tháng cuối của thai kỳ và bị trĩ sau khi mang thai 1 tháng. Một nghiên cứu trên 280 phụ nữ cho biết có 43% trường hợp sinh con xong bị trĩ. Nhiều người trong số này cũng gặp phải các tình trạng liên quan, chẳng hạn như táo bón khi mang thai và rặn đẻ hơn 20 phút trong khi sinh. Tình trạng này đặc biệt phổ biến sau khi sinh qua đường âm đạo.

Bệnh trĩ là do các tĩnh mạch trong trực tràng hoặc hậu môn phải chịu áp lực quá mức. Tĩnh mạch vốn có van để giúp máu chảy về tim, nhưng khi các van này bị suy yếu, máu có thể đọng lại trong các tĩnh mạch và gây sưng, tương tự như cách hình thành chứng giãn tĩnh mạch.

Phụ nữ mang thai phải chịu thêm trọng lượng của em bé, làm tăng áp lực bụng và xương chậu, khiến máu từ khu vực này khó lưu thông trở lại tim như bình thường.

Nhiều phụ nữ mang thai cũng bị táo bón, hoặc đi tiêu ít hơn 3 lần/ tuần, có thể vì những lý do như:

  • Thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
  • Thay đổi chế độ ăn uống khi mang thai
  • Ít di chuyển vận động
  • Thừa sắt do uống thuốc bổ sung
  • Thai nhi đang lớn chèn lên ruột của mẹ và ảnh hưởng đến tiêu hóa.

Táo bón cũng thường xảy ra sau khi sinh, nguyên nhân phổ biến có thể là do sự kết hợp của việc thay đổi hormone, thuốc giảm đau, mất nước, và nỗi sợ đau do trĩ hoặc vết cắt tầng sinh môn ngăn cản việc đi tiêu.

Bệnh trĩ có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bị khu vực vùng chậu bị căng, kết hợp với táo bón. Nếu phụ nữ mang thai bị trĩ thì sinh con xong bị trĩ sẽ càng nặng hơn.

nguyên nhân bị trĩ sau khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bị trĩ sau khi mang thai

2. Các triệu chứng bị trĩ sau khi mang thai

Trĩ có thể ở hình thành bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc cũng có thể ở bên ngoài, nằm xung quanh lỗ hậu môn (trĩ ngoại). Các triệu chứng sinh con xong bị trĩ bao gồm:

  • Đau ở vùng hậu môn
  • Ngứa vùng hậu môn
  • Chảy máu khi đi tiêu
  • Xuất hiện các cục u đau đớn gần hậu môn.

Đôi khi, búi trĩ hình thành một cục máu đông gây đau đớn. Đây được gọi là bệnh trĩ huyết khối, mặc dù không nguy hiểm nhưng có thể cực kỳ đau đớn. Bác sĩ có thể điều trị loại trĩ này bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu tại phòng khám. Ngoài ra, một số bệnh trĩ trở thành mãn tính, kéo dài vài tháng hoặc hơn và cần được điều trị bởi bác sĩ.

3. Sinh con xong bị trĩ phải làm thế nào?

Có một số cách để giúp giảm bớt sự khó chịu cho phụ nữ bị trĩ sau khi mang thai, bao gồm:

  • Ăn nhiều chất xơ

Cố gắng làm mềm phân của bạn bằng cách ăn thực phẩm có nhiều chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại rau như bông cải xanh và đậu xanh; trái cây như lê và táo; các loại đậu như đậu lăng và đậu đen; cũng như bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt.

  • Uống nhiều nước

Nếu bạn đang cho con bú, bạn cần uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày. Uống 1 cốc nước mỗi khi bạn cho trẻ bú.

  • Chất làm mềm phân

Hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân để giảm đau khi đi tiêu. Thuốc làm mềm phân giúp phân dễ dàng đi qua ruột và hậu môn hơn, thường được đánh giá là an toàn để sử dụng trong và sau khi mang thai.

  • Đừng ngồi quá lâu

Ngồi trong thời gian dài làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn. Vì vậy bạn hãy nằm càng nhiều càng tốt, chẳng hạn như nằm khi đang cho con bú. Nếu bạn phải ngồi, hãy dùng một chiếc gối êm hoặc xốp để kê, lót mông.

  • Hạn chế tạo áp lực

Rặn quá nhiều khi đi cầu sẽ gây áp lực lên vùng trực tràng. Để bản thân có thời gian chữa lành vết thương, lưu ý không rặn hoặc cúi xuống khi ngồi trên bồn cầu.

  • Thực hiện một số bài tập

Cố gắng di chuyển xung quanh nhiều hơn, ngay cả khi một quãng đi bộ ngắn cũng hữu ích. Tập thể dục cũng có thể giúp ngăn ngừa táo bón, nhưng đừng quên tham khảo ý kiến bác trước khi bạn bắt đầu tập thể dục sau khi sinh.

khắc phục  bị trĩ sau mang thai
Vận động nhẹ giúp giảm tình trạng khó chịu cho sản phụ sau khi mang thai bị trĩ

  • Chườm lạnh

Một nghiên cứu trên 200 phụ nữ sau sinh cho thấy miếng gel lạnh có tác dụng giảm đau trong quá trình hồi phục và tăng sự thoải mái. Bạn có thể chườm túi đá trong 20 - 30 phút, vài lần mỗi ngày. Đừng quên bọc túi đá vào một miếng vải để đá không tiếp xúc trực tiếp với da của bạn.

  • Cây phỉ (Witch hazel)

Chiết xuất của cây phỉ có thể giúp giảm sưng và làm dịu mát làn da. Bạn có thể bảo quản cây phỉ trong tủ lạnh, dùng bông gòn thấm để đắp trực tiếp lên vùng bị đau hoặc thêm một ít cây phỉ khi ngâm mình trong bồn tắm.

  • Ngâm nước ấm

Ngâm mình trong bồn tắm ấm (không nóng) hoặc chỉ ngâm hậu môn trong thau/ chậu khoảng 15 phút, vài lần mỗi ngày sẽ giúp búi trĩ của bạn co lại.

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ

Giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ kích ứng làm cản trở quá trình chữa bệnh. Bạn cần rửa sạch khu vực này bằng nước ấm. Sử dụng khăn lau ẩm sẽ nhẹ nhàng hơn giấy vệ sinh khô. Chọn loại không có mùi thơm để tránh gây kích ứng.

Hầu hết các trường hợp bệnh trĩ sau sinh sẽ cải thiện sau vài ngày hoặc vài tuần áp dụng những biện pháp trên, tùy thuộc vào kích thước, vị trí và mức độ nghiêm trọng. Nếu không, hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và điều trị chuyên sâu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

908 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan