Gel bôi trĩ cho mẹ sau sinh có ảnh hưởng đến sữa mẹ?

Bệnh trĩ thường xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ và có thể tự mất đi sau khi sinh em bé mà không cần điều trị gì. Trên lâm sàng, bệnh cảnh này vẫn có thể tồn tại trong thời kỳ hậu sản ở một số người phụ nữ. Gel bôi trĩ cho mẹ sau sinh là một phương pháp điều trị an toàn, tuy nhiên cần sử dụng đúng cách, đúng liều và đúng thời gian để tránh gặp phải những tác hại cho trẻ bú sữa mẹ.

1. Bệnh trĩ ở phụ nữ đang cho con bú

Bệnh trĩ là tình trạng giãn và sưng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới, tương tự như chứng giãn tĩnh mạch. Bệnh trĩ có thể xuất hiện ngay bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc dưới vùng da và niêm mạc xung quanh hậu môn (trĩ ngoại).

Trĩ ngoại là là thể bệnh phổ biến nhất và gây nhiều phiền toái nhất vì có thể gây đau, ngứa dữ dội và khó ngồi. Một số trường hợp ở giai đoạn sau của bệnh trĩ thường xuất hiện triệu chứng ra máu hậu môn, đặc biệt là lúc bệnh nhân đi đại tiện.

Bệnh trĩ ở phụ nữ sau sinh thường xuất hiện bởi hai nguyên nhân sau:

  • Mẹ bầu đã bị bệnh trĩ từ 3 tháng cuối của thai kỳ. Tại thời điểm này, tử cung sẽ phát triển to lên cùng với sự trưởng thành của thai, từ đó tử cung sẽ làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch chậu, đặc biệt là các tĩnh mạch cận hậu môn - trực tràng. Điều này làm các tĩnh mạch này yếu đi, giãn ra và sưng lên tạo thành búi trĩ. Nhiều trường hợp bệnh trĩ sẽ tự mất đi sau khi sinh em bé mà không cần điều trị gì, tuy nhiên một số trường hợp bệnh trĩ vẫn tồn tại ngay cả trong thời kỳ hậu sản.
  • Bệnh trĩ xuất hiện ngay trong quá trình vượt cạn. Tại thời điểm chuyển dạ sinh thường, khi thực hiện động tặng rặn để đưa đầu thai nhi ra ngoài. Trong trường hợp cuộc chuyển dạ kéo dài, sản phụ thực hiện rặn quá nhiều có thể tạo áp lực từ đầu thai nhi lên trên các tĩnh mạch cận hậu môn - trực tràng, từ đó hình thành búi trĩ.

2. Gel bôi trĩ cho phụ nữ đang cho con bú

Việc sử dụng các loại Gel bôi co búi trĩ tại chỗ thường ít gây ra tác dụng toàn thân, vì các hoạt chất trong một tuýp bôi trĩ thường ít thấm sâu vào trong máu để đi được vào sữa mẹ. Tuy nhiên, hiện nay các loại Gel bôi trĩ cho mẹ sau sinh có thành phần chính là các thảo dược từ thiên nhiên kèm với các hoạt chất kim loại, Vitamin và các chất kháng khuẩn nhẹ thường được khuyến cáo sử dụng trên phụ nữ đang cho con bú về tính an toàn cao hơn so với các hoạt chất hóa học tổng hợp.

2.1. Công dụng của Gel bôi trĩ dùng trong thời kỳ cho con bú

  • Tác dụng bảo tồn, dưỡng ẩm, tái tạo vùng da và niêm mạc quanh khu vực hậu môn bị tổn thương.
  • Chống viêm, chống nhiễm khuẩn và bảo vệ sự bền vững của các tĩnh mạch vùng trực tràng dưới và hậu môn
  • Giảm đau, giảm ngứa và khó chịu do búi trĩ ngoại.
  • Sát khuẩn vùng hậu môn.
  • Giúp hồi phục nhanh các tổn thương chảy máu tại búi trĩ.

2.2. Sử dụng Gel bôi trĩ đúng cách

  • Nên dùng tuýp gel bôi trĩ cho mẹ sau sinh vào lúc trước khi đi ngủ.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi bôi thuốc.
  • Sử dụng giấy hoặc khăn mềm, thấm nước ấm vệ sinh nhẹ nhàng trên hậu môn và vị trí bị trĩ.
  • Sau khi vùng da khô, bôi một lượng gel vừa đủ nhẹ nhàng trên vùng vùng hậu môn và vị trí bị trĩ.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ sau khi bôi thuốc hoặc chuẩn bị cho con bú.
  • Mặc đồ lót rộng rãi, quần áo thoáng mát để giữ cho vùng hậu môn được khô thoáng, tránh ẩm ướt.

2.3. Tác dụng phụ của Gel bôi trĩ

Các thuốc dạng Gel bôi trĩ điều trị tại chỗ, đặc biệt là những sản phẩm có chiết suất từ thảo mộc tự nhiên thường rất ít xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, việc sử dụng với số lượng lớn và thời gian điều trị kéo dài có thể gặp phải các phản ứng tại chỗ như: Ban đỏ, mẩn ngứa, phù da, nóng, tiết dịch, bọng nước, nặng có thể gây nhiễm trùng hoặc vỡ búi trĩ gây chảy máu.

Các tác dụng phụ trên thường diễn biến ở mức độ nhẹ và sẽ tự động mất đi sau khi ngừng bôi thuốc. Tuy nhiên, các mẹ cần thông báo với bác sĩ điều trị về những tình trạng bất thường gặp phải hoặc có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kịp thời xử trí.

2.4. Ảnh hưởng của Gel bôi trĩ đến sữa mẹ

Chưa có nghiên cứu thực tiễn rõ ràng về tác dụng có hại của các thuốc gel bôi trĩ đến sữa mẹ cũng như việc liệu các hoạt chất trong thuốc có đi qua sữa mẹ hay không. Tuy nhiên, các dữ liệu báo cáo trên các loại thuốc bôi điều trị tại chỗ khác chưa ghi nhận trường hợp nào xuất hiện các hoạt chất của thuốc trong sữa mẹ, kể các các thuốc bôi có thành phần là các dược chất tổng hợp. Ngay cả khi qua được sữa mẹ, các hoạt chất này vẫn tồn tại ở nồng độ rất thấp, và hầu như không có ảnh hưởng gì trên trẻ.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính an toàn và hạn chế các tác dụng phụ có thể gặp phải, người đang cho con bú cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không được tự ý mua các loại thuốc dạng Gel bôi trĩ cho mẹ sau sinh về sử dụng. Phụ nữ đang cho con bú cần được hướng dẫn và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, nhằm đảm bảo sử dụng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng thời gian điều trị.
  • Các loại thuốc bôi trĩ chỉ nên dùng trên bề mặt da và niêm mạc hậu môn, tránh để thuốc vào sâu trong trực tràng hoặc âm đạo người phụ nữ. Phụ nữ sau khi sử dụng thuốc bôi cần vệ sinh tay sạch sẽ trước thực hiện việc cho trẻ bú.
  • Các loại thuốc bôi trĩ chỉ có tác dụng làm kìm hãm hoặc thuyên giảm các triệu chứng do trĩ gây ra, không có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh trĩ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này sẽ tự mất đi trong vào một đến ba tháng sau sinh mà không cần điều trị gì.
  • Những phụ nữ đang cho con bú có tiền sử dị ứng với các thuốc dạng bôi điều trị tại chỗ cần thận trọng khi sử dụng thuốc bôi trĩ.

3. Các phương pháp khác điều trị bệnh trĩ trong thời kỳ cho con bú

Trong thời kỳ cho con bú, việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật hay sử dụng các loại thuốc điều trị có dược chất tổng hợp là không phù hợp hoặc không được khuyến cáo.

Một vài phương pháp dưới đây có thể giúp hỗ trợ phụ nữ cho con bú trong việc điều trị bệnh trĩ:

  • Sử dụng giấy hoặc khăn mềm để vệ sinh nhẹ nhàng sau khi đi vệ sinh.
  • Ngâm vùng hậu môn với nước ấm khoảng 10 phút một lần và vài lần trong ngày.
  • Nếu không thể dùng nước ấm, có thể chườm lạnh nơi bị trĩ vài lần trong ngày.
  • Tránh ngồi hoặc đứng tại một chỗ quá lâu.
  • Dùng bục thấp để gác chân khi khi làm việc hay lúc đi vệ sinh, để giảm áp lực lên vùng hậu môn trực tràng.
  • Uống nhiều nước khoảng 2 - 3 lít/ngày để hạn chế tình trạng táo bón.
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và rau xanh để giúp phân mềm.
  • Không rặn nhiều hay ngồi quá lâu khi đi vệ sinh.
  • Đi vệ sinh đúng giờ hoặc khi có nhu cầu, không nhịn quá lâu.
  • Tránh mang vác hoặc khiêng vật nặng.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập Kegel hoặc vận động thường xuyên để tăng lưu thông mạch máu và cải thiện chức năng tiêu hóa.

Sử dụng các loại Gel bôi trĩ có thành phần dược phẩm từ thiên nhiên mang lại tính an toàn cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, các bà mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định sử dụng thuốc bôi trĩ để nhằm hạn chế được những tác dụng phụ của thuốc cho cả mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan