Khí hư ra nhiều giống bã đậu thì phải làm sao?

Khí hư ra nhiều như bã đậu có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm nhiễm âm đạo. Nếu không can thiệp xử trí sớm thì bệnh có thể dẫn tới viêm cổ tử cung, tử cung, vòi trứng,... ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.

1. Khí hư là gì?

Khí hư (còn gọi là huyết trắng) là dịch tiết ra từ âm đạo và cổ tử cung. Bình thường, trong âm đạo của phụ nữ luôn có một lượng khí hư nhất định (khí hư sinh lý). Nó do các tuyến yên sản sinh ra, đóng vai trò duy trì độ ẩm của âm đạo, cân bằng độ pH, hỗ trợ hoạt động tình dục dễ dàng hơn, đồng thời góp phần bảo vệ âm đạo khỏi tình trạng nhiễm khuẩn.

Ở trạng thái bình thường, khí hư có đặc điểm:

  • Không màu, trong suốt như lòng trắng trứng hoặc màu hơi trắng;
  • Hơi dính, không vón cục, không bị quánh đặc hoặc bị loãng;
  • Không có mùi hoặc có mùi rất nhẹ, không gây khó chịu;
  • Trong những ngày bình thường, khí hư tiết ra rất ít. Khí hư chỉ tiết ra nhiều hơn vào thời điểm có kích thích tình dục, ngày hành kinh và ngày rụng trứng.

Khi khí hư ra nhiều và có đặc điểm giống bã đậu thì người bệnh cần cẩn trọng vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng viêm nhiễm âm đạo.

Khí hư và huyết trắng: Những điều cần biết
Khí hư do các tuyến yên sản sinh ra

2. Trường hợp khí hư ra nhiều giống bã đậu thì phải làm sao?

2.1 Khí hư ra nhiều như bã đậu là bệnh lý gì?

Khi khí hư ra nhiều như bã đậu, màu trắng đục như sữa, có mùi hôi, sủi bọt hoặc đóng cặn thì đây là biểu hiện của bệnh viêm âm đạo - một bệnh phụ khoa phổ biến. Theo thống kê, có tới 90% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản từng bị viêm nhiễm âm đạo. Tác nhân gây bệnh viêm âm đạo chủ yếu là nấm men Candida.

Ngoài triệu chứng khí hư như bã đậu, có thể phụ nữ còn xuất hiện các dấu hiệu khác như:

  • Niêm mạc âm đạo sưng đỏ;
  • Nóng, ngứa rát âm đạo;
  • Đau, có thể bị chảy máu khi quan hệ tình dục;
  • Khó tiểu tiện.

Tình trạng khí hư ra nhiều, giống bã đậu, có mùi hôi, gây ngứa ngáy và đau rát âm đạo khiến phụ nữ bất an, ảnh hưởng tới tâm lý và làm gián đoạn công việc, sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, nếu không điều trị triệt để viêm nhiễm âm đạo, nấm men có thể lây lan tới hệ thống sinh dục ở trên, gây nhiều bệnh lý phụ khoa nguy hiểm như viêm lộ tuyến, viêm vùng chậu, viêm tử cung,... có thể dẫn tới hiếm muộn và vô sinh. Phụ nữ mang thai nếu bị viêm âm đạo có thể làm tăng khả năng sảy thai, sinh non,...

2.2 Vì sao khí hư ra nhiều như bã đậu?

Nấm men Candida có thể sống ký sinh ở những môi trường ẩm ướt trên da người, trong miệng, đường ruột hoặc âm đạo của phụ nữ. Bình thường, nấm men Candida tồn tại trong âm đạo mà không gây hại. Chúng duy trì số lượng ổn định, chung sống hòa bình với các lợi khuẩn và hại khuẩn khác. Khi môi trường pH của âm đạo bị xáo trộn, hệ miễn dịch bị suy giảm thì một lượng lợi khuẩn sẽ mất đi, nấm men sẽ phát triển nhanh, gây viêm nhiễm.

Viêm âm đạo do nấm Candida
Nấm men Candida là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm âm đạo

Những điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ phát triển nấm men Candida gồm:

  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách;
  • Quan hệ tình dục không an toàn;
  • Âm đạo bị tổn thương hoặc trầy xước;
  • Phụ nữ mang thai và sau sinh, nội tiết tố thay đổi khiến nấm men dễ phát triển;
  • Sử dụng kháng sinh điều trị bệnh kéo dài;
  • Phụ nữ mắc các bệnh mãn tính làm suy yếu sức đề kháng như viêm gan, suy thận, tiểu đường, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp, nhiễm trùng trên cơ thể,...

2.3 Làm gì khi bị khí hư ra nhiều như bã đậu?

Khi phát hiện khí hư ra nhiều, sủi bọt hoặc đóng cặn như bã đậu, đi kèm các triệu chứng ngứa ngáy và đau rát khi sinh hoạt tình dục thì phụ nữ nên chủ động tới bệnh viện để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm pH, soi tươi dịch âm đạo,... để xác định tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, nấm hay tạp khuẩn và xây dựng một phác đồ điều trị phù hợp.

Thông thường, tình trạng viêm nhiễm âm đạo do nấm men chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh đường uống, viêm đặt âm đạo và kem bôi trị nấm nhằm mục đích tiêu diệt tế bào nấm. Thời gian điều trị thường kéo dài 7 - 14 ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

2.4 Biện pháp phòng ngừa nguy cơ tái phát

Nhiễm nấm men Candida có đặc điểm là dễ tái phát nên sau khi diệt nấm, nấm vẫn khu trú trong âm đạo, dễ tái phát sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc Tây y để điều trị viêm âm đạo chỉ có tính chất tức thời, không thể khống chế được tình trạng vi khuẩn tái phát. Ngoài ra, một số phụ nữ còn xảy ra tình trạng kháng thuốc hoặc dị ứng. Số khác, phụ nữ bị viêm nhiễm ở tuổi tiền mãn kinh, nội tiết tố suy giảm và bội nhiễm cao nên bệnh dễ tái phát.

Dị ứng thuốc tây
Sử dụng thuốc để điều trị dễ gây tình trạng kháng thuốc kèm theo các tác dụng phụ

Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ tái phát nhiễm nấm men âm đạo gây viêm âm đạo, cần chú ý tới những vấn đề sau:

  • Sử dụng thuốc: Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc đúng liều lượng, thời gian, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ và không tự ý thay thế loại thuốc khác,...;
  • Nếu viêm nhiễm lây lan từ người chồng thì cần điều trị đồng thời cả 2 vợ chồng và cần tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh;
  • Giữ môi trường pH của âm đạo luôn ổn định bằng cách tăng cường miễn dịch tự nhiên của cơ thể, cải thiện sức đề kháng,... Thực hiện bằng cách đảm bảo một chế độ ăn uống đủ chất, lành mạnh; hạn chế món ăn nhiều dầu mỡ hoặc gia vị, đặc biệt là đường; ăn nhiều rau xanh và hoa quả giàu vitamin C; nói không với rượu bia và các chất kích thích; ngủ đủ 7 - 9 tiếng/ngày; thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao; cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và lao động, giảm stress;
  • Chú ý vệ sinh vùng kín hằng ngày: Vì vùng kín nằm ở vị trí đặc biệt (đằng trước là lỗ tiểu, phía sau là hậu môn nên dễ bị lây lan vi khuẩn) nên cần chú ý việc vệ sinh sạch sẽ. Một số lưu ý quan trọng là: Rửa vùng kín từ trước ra sau để vi trùng không di chuyển từ trực tràng tới âm đạo; khi đại tiểu tiện nên dùng giấy vệ sinh lau từ trên xuống dưới; không thụt rửa bên trong âm đạo; nên mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát, đồ lót phải là chất liệu co giãn và thấm hút mồ hôi tốt; những ngày có kinh nguyệt nên thay băng vệ sinh thường xuyên (4 tiếng/lần, rửa vùng kín 2 - 3 lần/ngày); không ngâm mình trong nước bẩn, không ngâm bồn tắm quá lâu và nên vệ sinh bồn tắm sạch sẽ; lựa chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp với lứa tuổi và cơ địa;
  • Đi khám phụ khoa thường xuyên để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và có biện pháp điều trị kịp thời.

Khí hư ra nhiều giống bã đậu là biểu hiện của bệnh viêm nhiễm phụ khoa, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và thậm chí là khả năng sinh sản của phụ nữ. Vì vậy, khi gặp triệu chứng này, bệnh nhân nên sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Nấm candida âm đạo có dễ chữa không?
Người bện nên sớm đi khám và điều trị để không bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

579.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan