Phẫu thuật nội soi tạo hình và nối lại vòi tử cung

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Phẫu thuật nội soi tạo hình và nối lại vòi tử cung là phẫu thuật khôi phục lại vòi tử cung sau các thủ thuật như triệt sản, hoặc do viêm dính vòi tử cung. Sau phẫu thuật, kết hợp với các biện pháp điều trị khác như thụ tinh nhân tạo, giúp làm tăng cơ hội được làm mẹ của người bệnh.

1. Chỉ định phẫu thuật nội soi tạo hình vòi tử cung

Phẫu thuật được chỉ định nội soi tạo hình vòi tử cung trong trường hợp:

  • Nối lại vòi tử cung sau triệt sản
  • Viêm dính vòi tử cung, tắc vòi tử cung đoạn xa

Đối với tắc vòi tử cung đoạn gần (đoạn kẽ, đoạn eo) do viêm nhiễm hoặc tổn thương vòi tử cung không có khả năng phục hồi thì không được chỉ định phẫu thuật.

2. Người bệnh cần chuẩn bị gì trước phẫu thuật nội soi

Để tiến hành phẫu thuật nội soi tạo hình và nối lại vòi tử cung, người bệnh viêm vòi tử cung cần:

  • Khám tổng quát và chuyên khoa nhằm đánh giá các bệnh lý kèm theo.
  • Tìm hiểu về nguy cơ, biến chứng, tai biến của phẫu thuật.
  • Thực hiện các xét nghiệm vô sinh đầy đủ.
  • Chụp tử cung - vòi tử cung nhằm đánh giá chức năng của 2 vòi tử cung và buồng tử cung.
phau-thuat-noi-soi-tao-hinh-va-noi-lai-voi-tu-cung-1
Người bệnh khám tổng quát và chuyên khoa trước khi tiến hành phẫu thuật

3. Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi tạo hình và nối lại vòi tử cung

Sau khi chuẩn bị tư thế và được gây mê, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật lần lượt theo các bước như sau:

Bước 1: Soi ổ bụng chẩn đoán

  • Đặt các trocar lần lượt vào mép dưới rốn và 2 hố chậu trái - phải. Trong trường hợp cần thêm thì đặt thêm trocar vào bờ trên khớp vệ.
  • Tiến hành quan sát các cơ quan trên rốn, đặc biệt là gan
  • Quan sát các cơ quan dưới rốn nhằm đánh giá tử cung, 2 buồng trứng, 2 vòi trứng, túi cùng Douglas.
  • Đánh giá độ thông của vòi tử cung.

Bước 2: Tạo hình vòi tử cung

  • Tiến hành tạo hình vòi tử cung dựa trên nguyên tắc hạn chế gây chấn thương tối đa tới các cơ quan lân cận và tại vị trí tiếp xúc.
  • Gỡ dính tại 2 vòi tử cung, 2 buồng trứng, túi cùng Douglas.
  • Mở rộng loa vòi nếu phát hiện bị chít hẹp, cầm máu chọn lọc sau thủ thuật
  • Mở loa vòi, tạo các tua loa, cầm máu chọn lọc hạn chế làm tổn thương vòi trong trường hợp loa vòi hình thành túi bịt.
  • Kiểm tra độ thông của vòi tử cung.
  • Kiểm tra lại lần cuối, cầm máu và rửa ổ bụng.

Bước 3: Nối lại vòi tử cung

  • Sau khi thực hiện gỡ dính, cắt sẹo và kiểm tra mức độ thông của vòi tử cung, phẫu thuật viên sẽ tiến hành nối lại vòi tử cung theo kỹ thuật nối tận - tận.
  • Mũi nối được khâu ở bờ mạc treo vòi nhằm ráp 2 đầu vòi lại với nhau.
  • Các mũi nối còn lại có thể khâu xung quanh thêm 1 đến 3 mũi.
  • Kiểm tra lại độ thông của vòi tử cung.
  • Tiến hành kỹ thuật tương tự ở vòi tử cung đối diện.
  • Kiểm tra lại để tìm các tổn thương nếu có, cầm máu và rửa ổ bụng.
phau-thuat-noi-soi-tao-hinh-va-noi-lai-voi-tu-cung-2
Phẫu thuật nội soi tạo hình và nối lại vòi tử cung

Sau phẫu thuật nội soi tạo hình và nối lại vòi tử cung cần theo dõi dịch sau phẫu thuật, dấu hiệu sinh tồn, nước tiểu. Chụp lại buồng tử cung sau vài tháng (nếu cần thiết). Chỉ định thụ tinh nhân tạo (IUI) từ 4 đến 6 chu kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

967 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan