Quy trình chuyển phôi đông lạnh khi làm IVF

Đối với những cặp vợ chồng có khả năng thụ thai kém cần tới sự hỗ trợ của phương pháp thụ tinh nhân tạo thì cách thức chuyển phôi đông lạnh kích thích thời gian mang thai diễn ra nhanh hơn chính là sự lựa chọn của đa số các cặp vợ chồng.

1. Chuyển phôi đông lạnh là gì?

Phôi đông lạnh là khái niệm để nói về những phôi được trữ lạnh sau quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thay vì được đưa vào cơ thể người mẹ. Chuyển phôi đông lạnh được thực hiện sau chu kỳ chuyển phôi tươi thất bại hay vì lý do nào đó không thể chuyển phôi tươi.

Có nhiều lý do dẫn đến việc hoãn chuyển phôi tươi, trữ lạnh phôi toàn bộ, để chuyển phôi trữ lạnh sau đó. Các lý do thường gặp như: nguy cơ quá kích buồng trứng, nội mạc tử cung mỏng, tử cung nhiều nhân xơ có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi (phôi không thể bám dính vào buồng tử cung)...

Trước khi chuyển phôi trữ lạnh cần đảm bảo một số yếu tố như: lòng tử cung bình thường, nếu chứa nhiều nhân xơ có thể tiến hành phẫu thuật bóc nhân xơ trước khi chuyển phôi. Bước quan trọng nhất trong chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh là chuẩn bị nội mạc tử cung , đảm bảo nội mạc tử cung đủ độ dày cần thiết và chất lượng tốt, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự làm tổ và phát triển của phôi sau khi đặt vào buồng tử cung.

Sau khi thấy nội mạc tử cung đã đủ độ dày cần thiết, các bác sĩ sẽ tiến hành bổ sung progesterone và ấn định ngày chuyển phôi phù hợp với thời gian thuận lợi cho phôi bám vào tử cung và phát triển. Thời gian sử dụng progesterone tùy thuộc vào giai đoạn của phôi được chuyển. Ví dụ:

Progesterone là gì
Cần bổ sung progesterone khi nội mạc tử cung đã đủ độ dày cần thiết

  • Nếu phôi được trữ lạnh vào ngày tuổi thứ 2, progesterone sẽ sử dụng 2 ngày trước khi chuyển phôi.
  • Nếu phôi được trữ lạnh vào ngày tuổi thứ 3, progesterone sẽ sử dụng 3 ngày trước khi chuyển phôi.

Khi nội mạc tử cung đã được chuẩn bị tốt, tỷ lệ thành công còn phụ thuộc vào chất lượng và số lượng phôi sau khi rã đông. Tỷ lệ thành công khi chuyển phôi trữ lạnh thường thấp hơn chuyển phôi tươi, tuy nhiên có một số nghiên cứu lại cho thấy không khác biệt nhiều. Trẻ được sinh ra từ phôi trữ lạnh hoàn toàn bình thường như chuyển phôi tươi hoặc trẻ sinh tự nhiên.

Xu hướng hiện nay ủng hộ kỹ thuật chuyển phôi đông lạnh hơn chuyển phôi tươi vì những ưu điểm sau:

  • Chuyển phôi đông lạnh có lợi hơn với các trường hợp cơ thể người phụ nữ chưa hồi phục do quá sợ hãi, lo lắng sau quá trình chọc hút trứng, tâm lý chưa ổn định...
  • Những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ hoặc bị quá kích buồng trứng, dịch buồng tử cung, xét nghiệm Progesterone ngày trigger > 1.5 ng/ml...thì không thể chuyển phôi tươi mà phải chuyển phôi đông lạnh.
  • Đông phôi sẽ giúp cho các gia đình có cơ hội chuyển phôi nhiều lần với các phôi còn dư, từ đó tăng tỷ lệ mang thai tích lũy sau các lần chuyển phôi.
  • Kỹ thuật chuyển phôi trữ giúp tiết kiệm chi phí điều trị, hạn chế số lần kích thích buồng trứng giúp đảm bảo sức khỏe hơn cho người phụ nữ. Chuyển phôi đông lạnh cũng giúp các cặp vợ chồng có thêm thời gian chuẩn bị thu xếp công việc, cuộc sống gia đình, tiền bạc... Khi chuyển phôi đông lạnh, bạn sẽ chỉ cần chuẩn bị nội mạc tử cung để tạo điều kiện tối ưu nhất cho nội mạc tử cung đón nhận phôi vào làm tổ.

2. Quy trình chuyển phôi trữ

Thuốc estrogen
Thuốc Estrogen

Trong chu kỳ chuyển phôi trữ đông, bệnh nhân không phải thực hiện lại quá trình kích thích buồng trứng. Việc điều trị chỉ cần chuẩn bị niêm mạc tử cung để đón nhận phôi.

Có nhiều phương pháp khác nhau để chuẩn bị niêm mạc tử cung trong chu kỳ chuyển phôi trữ. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp nhất cho bệnh nhân. Trong các phương pháp điều trị, phổ biến nhất là sử dụng nội tiết tố ngoại sinh. Đây là phương pháp này dễ thực hiện, chi phí thấp, mang lại hiệu quả cao.

Một chu kỳ chuyển phôi trữ cơ bản được thực hiện như sau:

Bước 1: Sử dụng Estrogen

  • Estrogen sẽ được sử dụng từ ngày thứ 2 hoặc ngày 3 vòng kinh.
  • Có thể sử dụng dưới dạng uống, dạng đặt âm đạo, tiêm bắp hoặc dán qua da. Phổ biến nhất là dạng viên uống.
  • Estrogen sẽ kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung và ức chế việc rụng trứng tự nhiên.
  • Sử dụng trước khi chuyển phôi trung bình khoảng 2-3 tuần.
  • Bệnh nhân sẽ được hẹn siêu âm kiểm tra sau 6-7 ngày sử dụng và siêu âm theo dõi niêm mạc mỗi 3-5 ngày tùy vào sự phát triển của niêm mạc tử cung.

Bước 2: Sử dụng Progesterone

  • Progesterone sẽ được chỉ định sử dụng khi nội mạc tử cung đạt độ dày và hình ảnh thích hợp.
  • Có thể sử dụng qua đường uống, tiêm hoặc đặt âm đạo. Khuyến cáo nên đặt âm đạo vì điều này sẽ có tác dụng trực tiếp đến tử cung.
  • Progesterone sẽ tạo nội tiết thích hợp cho sự làm tổ của phôi.
  • Sử dụng 2-5 ngày trước khi chuyển phôi tùy giai đoạn của phôi trữ.
chuyển phôi thai
Chuyển phôi thai

Bước 3: Rã đông phôi

  • Vào ngày chuyển phôi (đã được bác sĩ thông báo trước), phôi sẽ được rã đông.
  • Số phôi rã đông sẽ được cân nhắc để đảm bảo mang lại tỷ lệ thành công cao nhất và nguy cơ đa thai thấp nhất.

Bước 4: Chuyển phôi

  • Trước chuyển phôi, bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường.
  • Chuyển phôi là thủ thuật nhẹ nhàng, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình chuyển phôi.
  • Bệnh nhân có thể nằm nghỉ 30-60 phút sau chuyển phôi.

Bước 5: Sau chuyển phôi

  • Bệnh nhân sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn uống thuốc và đặt thuốc (estrogen và progesterone).
  • Bệnh nhân nên đi lại, sinh hoạt như bình thường, không nên nằm bất động vì sẽ làm giảm tỷ lệ có thai và tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Bước 6: Thử thai

  • Bệnh nhân sẽ thử thai khi được 12-14 ngày sau chuyển phôi.
  • Thử thai là xét nghiệm nồng độ beta-hCG để xác định kết quả có thai hay không.
  • Một số trường hợp có thể ra ít huyết trước ngày thử thai. Khi đó, cần liên lạc ngay với bác sĩ điều trị và vẫn thực hiện xét nghiệm beta-hCG vì vẫn có thể có thai.

3. Phôi trữ đông lạnh lâu có ảnh hưởng đến chất lượng không?

phôi trữ
Hình ảnh phôi được đông lạnh ngay lập tức sau khi thụ tinh

Không có bất kỳ bằng chứng nào về việc chất lượng phôi sẽ bị ảnh hưởng sau thời gian dài đông lạnh. Bất kỳ sự tổn hại nào xảy ra, nếu có, sẽ xảy ra trong giai đoạn làm lạnh phôi tới nhiệt độ đông hoặc trong giai đoạn làm ấm phôi đến nhiệt độ cơ thể.

Sau khi trứng được thụ tinh, trứng có thể phát triển trong môi trường nuôi cấy của phòng thí nghiệm từ 5 -6 ngày.Việc trữ đông phôi có thể được thực hiện trong tất cả các giai đoạn phát triển phôi. Chưa có nghiên cứu rõ ràng nào chỉ ra rằng giai đoạn nào là giai đoạn tốt cho việc đông lạnh phôi.

Nếu phôi được đông lạnh ngay lập tức sau khi thụ tinh (giai đoạn tiền nhân), thì khả năng sống của phôi sau khi rã đông sẽ rất cao. Tuy nhiên, vì phôi không được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ ban đầu thì không thể dự đoán khả năng sống của phôi nên khi phôi được rã đông, phôi phải được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như quy trình thông thường. Do không thể dự đoán được có bao nhiêu phôi sau khi rã đông sẽ phát triển tốt nên sẽ phải rã phôi đông nhiều hơn số lượng cần.

Ngoài ra, tác động vật lý của việc đông lạnh phôi và rã đông có thể giúp loại bỏ những phôi chất lượng kém và chỉ cho những phôi tốt tồn tại.

Với những thông tin được nêu lên trên đây, các cặp vợ chồng hiếm muộn đã có thể dễ dàng đậu thai sau khi chuyển phôi trữ đông. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích thật nhiều cho những trường hợp đang có ý định lên kế hoạch thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo hiện đại và hiệu quả này.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

37.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan