Ra nhiều khí hư có phải mang thai không?

Khí hư ra nhiều có phải mang thai không là câu hỏi mà nhiều người phụ nữ quan tâm, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ hoặc những cặp vợ chồng đang mong muốn có con. Vậy những dấu hiệu mang thai ở phụ nữ là gì và liệu ra nhiều khí hư có phải mang thai không ?

1. Khí hư ở phụ nữ

Khí hư hay huyết trắng và còn có tên gọi khác là dịch tiết âm đạo. Đây là một dạng dịch tiết ở phụ nữ được tạo ra do sự tác động của hormone Estrogen. Phụ nữ khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, buồng trứng sẽ bắt đầu hoạt động về mặt chức năng, nồng độ hormone Estrogen sẽ tăng giảm theo chu kỳ kinh nguyệt, khi ấy khí hư sẽ bắt đầu xuất hiện

Khí hư sinh lý có vai trò quan trọng đối với hệ sinh dục của nữ giới. Chúng giúp cân bằng độ pH và duy trì độ ẩm cho môi trường tại âm đạo. Ngoài ra, khí hư còn có tác dụng bảo vệ cơ quan sinh dục nữ khỏi những tác nhân gây bệnh. Khí hư sinh lý được tiết ra theo chu kỳ thường có màu trắng trong, sánh, hơi dai, tương tự lòng trắng trứng sống và đặc biệt là không có mùi hôi.

Về mặt sinh lý sinh sản, khí hư thường tiết nhiều vào thời điểm rụng trứng, trước ngày hành kinh, hoặc khi phụ nữ có cảm hứng tình dục,...

2. Ra nhiều khí hư có phải mang thai không?

Phụ nữ mang thai cũng gặp phải triệu chứng ra nhiều khí hư, do sự thay đổi nồng độ hormon trong thai kỳ. Ra khí hư còn có thể là dấu hiệu mang thai sớm, bởi sau khi thụ thai từ 1 - 2 tuần thì âm đạo đã bắt đầu có hiện tượng tiết dịch và thay đổi. Trong thời gian mang thai, dịch nhầy khi mang thai tuần đầu thường do sự thay đổi của hormone Progesterone và sau đó khí hư vẫn tiếp tục được tiết ra và các mẹ bầu có thể thấy sự hiện diện trên quần lót của mình.

Tính chất của khí hư báo hiệu có thai:

  • Lượng khí hư ra nhiều hơn mức bình thường làm vùng kín và đồ lót thường xuyên bị ẩm ướt.
  • Khí hư có sự thay đổi nhẹ về màu sắc như ngả vàng hoặc không thay đổi giữ nguyên màu trắng trong sinh lý.
  • Khí hư có thể loãng, dính và có tính nhầy hơn, đây là một sự thay đổi giúp hỗ trợ cho việc bào thai làm tổ.
  • Khí hư không thay đổi nhiều về mùi hoặc chỉ hăng nhẹ. Đồng thời, không có các triệu chứng bất thường kèm theo như cảm giác ngứa âm đạo.

Tuy nhiên, dấu hiệu này không quá khác biệt như đối với khí hư xuất hiện vào lúc trứng rụng. Hầu hết, tất cả các hiện tượng ra khí hư sinh lý đều có đặc điểm gần giống nhau. Vì vậy, không dễ để xác định được việc ra nhiều khí hư nhiều có có liên quan đến mang thai hay không. Các bác sĩ cũng không khuyến cáo việc xác định có thai dựa trên việc ra khí hư, vì đôi khi ra khí hư nhiều cũng có thể liên quan đến những bệnh lý nhiễm khuẩn khác.

3. Màu sắc của khí hư

Việc ra khí hư nhiều với màu trắng trong và đặc biệt là không có mùi hôi thường là dấu hiệu sinh lý bình thường của người phụ nữ, nó không có giá trị chẩn đoán có thai tuy nhiên nó vẫn xuất hiện ở giai đoạn trước và trong khi mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp lượng khí hư ra quá nhiều, tính chất và màu sắc bị thay đổi thường là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý ở phụ nữ.

  • Màu trắng và vón cục: Khí hư có màu trắng, vón cục, đặc sệt trông giống như phô mai hay sữa chua thì có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm men. Đây là tình trạng thường gặp ở phụ nữ bình thường trong mọi lứa tuổi và ngay cả khi mang thai.
  • Khí hư màu vàng và màu xanh: Khí hư tiết ra có màu vàng hoặc màu xanh là dấu hiệu cảnh báo cho các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), ví dụ như nhiễm Chlamydia hoặc Trichomonas.
  • Ra khí hư màu xám đục: Khí hư màu xám đục, quánh như keo và để lâu có thể khô cứng, một số ít trường hợp có mùi tanh là dấu hiệu của tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo. Trong số ít trường hợp nhiễm khuẩn âm đạo, khí hư có thể tiết ra nhiều loãng và tương đối trong, điều này có thể bị nhầm lẫn với tiết dịch sinh lý hoặc tiết khí hư khi mang thai.
  • Ra khí hư màu nâu hoặc màu hồng: Đây có thể là dấu hiệu dự báo có thai trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên, khí hư có màu nâu hoặc hồng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm hơn như doạ sẩy thai, sảy thai, thai lưu, nhiễm trùng âm đạo,...
  • Khí hư có lẫn máu: Khí hư có lẫn máu có thể liên quan đến quá trình hành kinh hoặc có thể là một dấu hiệu nguy cho những bệnh lý nguy hiểm khác như sẩy thai sớm, thai lưu hoặc thai ngoài tử cung. Chị em cần liên hệ sớm với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Các dấu hiệu mang thai

Trên thực tế, việc chỉ dựa vào khí hư tiết ra nhiều không có giá trị gì trong việc xác định việc mang thai, nếu muốn biết liệu mình đang có thai hay không, chị em nên dựa vào những dấu hiệu dưới đây.

Những dấu hiệu có thể có thai:

  • Mất kinh: Thường xuất hiện khi có thai, tuy nhiên cũng có nhiều lý do khác có thể dẫn đến tình trạng này. Mất kinh là dấu hiệu tương đối tin cậy để chẩn đoán có thai ở những phụ nữ khỏe mạnh, có tiền sử kinh nguyệt đều đặn, đang không cho con bú hoặc không sử dụng một biện pháp tránh thai nào.
  • Ra máu báo thai: Khi thai làm tổ trong tử cung, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong tróc một ít dẫn đến hiện tượng chảy máu âm đạo với lượng ít. Đây là dấu hiệu ít phổ biến nhưng lại khá có giá trị để nghĩ đến mang thai, tuy nhiên cần phân biệt với ra máu khi hành kinh.
  • Bụng to hơn và có thể kèm theo tăng cân.
  • Triệu chứng về tiêu hóa như buồn nôn và nôn, đặc biệt vào các buổi sáng, có thể kèm theo táo bón hoặc tăng tiết nước bọt. Mức độ nặng nhẹ của tình trạng buồn nôn và nôn rất khác nhau, có người không có biểu hiện gì trong khi đó có người nôn hết cả thức ăn và nước uống.
  • Triệu chứng thần kinh - nội tiết như tính dễ bị kích thích, chán ăn hoặc thèm ăn thức ăn gì đó, buồn ngủ hay mệt mỏi.
  • Thay đổi về tiểu tiện như tiểu rắt, thường xảy ra trong những tháng đầu do tình trạng gia tăng các mạch máu và tử cung trong hố chậu to dần lên đè vào bàng quang.
  • Thay đổi ở vú như sự căng lên và thay đổi kích thước của vú khá sớm khi có thai. Vú lớn lên, các tĩnh mạch dưới da nổi nhiều, quầng vú thẫm màu,...

Những dấu hiệu chắc chắn có thai:

Ngoài những dấu hiệu có thể có thai, những dấu hiệu dưới đây thường có giá trị trong việc xác định chắc chắn có thai hay không, các dấu hiệu này thường được xác định khi chị em đi khám tại phòng khám chuyên khoa phụ sản.

  • Nghe được tim thai qua ống nghe gỗ (từ tuần 20 - 22 trở đi) hoặc nghe qua máy đo tim thai Doppler (từ tuần 10 - 12 trở đi).
  • Nắn được các phần của thai nhi thông qua khám bụng sản phụ.
  • Các phản ứng thử thai như phản ứng định tính thông que thử thai bằng nước tiểu và phản ứng định lượng Beta hCG máu.
  • Siêu âm qua ngã bụng hoặc siêu âm qua ngã âm đạo để xác định vị trí, kích thước, tuổi thai...

Trên thực tế, khí hư tiết ra nhiều là một triệu chứng xuất hiện khi thai làm tổ. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu chắc chắn xác định mang thai. Ngoài ra, việc tiết khi hư nhiều có hoặc không có kèm những biến đổi khác cũng có thể liên quan đến những bệnh lý khác nhau, đôi khi là một vấn đề nghiêm trọng. Vì thế, khi thấy khí hư âm đạo tiết nhiều hơn bình thường, chị em nên đi khám bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

88.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan