Tìm hiểu phương pháp khâu bít âm đạo điều trị sa sinh dục

Khâu bít âm đạo là phương pháp điều trị sa sinh dục áp dụng chủ yếu cho phụ nữ lớn tuổi, không còn quan hệ tình dục. Phương pháp an toàn, dễ thực hiện và đạt hiệu quả điều trị cao.

1. Tổng quan về bệnh sa sinh dục

1.1 Sa sinh dục là gì?

Sa sinh dục hay còn gọi là sa các cơ quan vùng chậu, là hiện tượng suy yếu của hệ thống nâng đỡ của đáy chậu, dẫn đến sa tử cung xuống âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc thành sau âm đạo và trực tràng.

Ban đầu, khối sa có kích thước nhỏ, sa không thường xuyên, xuất hiện khi lao động hoặc đi lại nhiều, nằm nghỉ thì khối sa tụt vào trong âm đạo hoặc tự đẩy lên được. Càng về sau, kích thước khối sa càng lớn dần, sa thường xuyên, không đẩy lên kèm theo có tức nặng bụng dưới, cảm giác vướng víu khó chịu vùng âm hộ - tầng sinh môn.

1.2 Triệu chứng của sa sinh dục

Sa sinh dục biểu hiện với các triệu chứng của rối loạn tiểu tiện do bị sa bàng quang và niệu đạo như: Đái khó, đái buốt, thậm chí là đái ra máu khi có viêm bàng quang hoặc có sỏi bàng quang hình thành do ứ trệ nước tiểu lâu ngày.

Người bệnh còn có biểu hiện của rối loạn đại tiện do sa trực tràng như khó đại tiện, táo bón, mót rặn, tức nặng vùng hậu môn. Són tiểu cũng là triệu chứng của sa sinh dục, són tiểu là hiện tượng nước tiểu thoát ra một cách tự nhiên mà không kiểm soát được, đặc biệt là lúc ho, cười nhiều, leo cầu thang và hoạt động mạnh.

Sa sinh dục là một bệnh gặp nhiều ở phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn trong độ tuổi 40 - 50 tuổi trở lên. Bệnh không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt và hiệu quả lao động. Tâm lý người bệnh e ngại, xấu hổ có xu hướng giấu kín và âm thầm chịu đựng nên bệnh thường nặng hơn.

Phụ nữ
Sa sinh dục là một bệnh gặp nhiều ở phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn

2. Phương pháp khâu bít âm đạo Lefort trong điều trị sa sinh dục

Tên kỹ thuật: Khâu bít âm đạo

Chỉ định:

  • Phụ nữ sa sinh dục độ II hoặc độ III,
  • Người bệnh già trên 60 tuổi, không còn quan hệ tình dục nữa.
  • Âm đạo, cổ tử cung không viêm nhiễm

Kỹ thuật khâu bít âm đạo chặn đường vào âm đạo, do đó người phụ nữ thực hiện phương pháp điều trị này không thể tiếp tục quan hệ tình dục. Trước khi đồng ý thực hiện, vợ chồng cần thống nhất ý kiến.

Bít kín âm đạo có thể gây ra áp xe tử cung và các cơ quan khác phía trong. Do đó, trong nhiều trường hợp người phẫu thuật chỉ chỉnh lại thành trước hoặc sau âm đạo, nâng bàng quang, nâng trực tràng, sẽ trừ 2 rãnh nhỏ trong âm đạo để thoát dịch từ trong tử cung ra tránh gây ra tình trạng áp xe nêu trên.

3. Phòng bệnh sa sinh dục

Tập thể dục
Rèn luyện thể dục thể thao sẽ giúp tăng sức mạnh các cơ vùng chậu

Phụ nữ đang trong thời kỳ sinh sản nên chú ý chỉ sinh nở từ 1 đến 2 con trong độ tuổi từ 22 - 29 tuổi vì đây là thời kỳ các cơ quan sinh dục hoạt động tốt nhất, chưa bị thoái hóa và dễ phục hồi. Trong thời gian sinh nở, người phụ nữ nên chuyển dạ nhanh chóng và được khâu tầng sinh môn cẩn thận nếu bị rách. Sau khi sinh, cần có thời gian nghỉ ngơi đủ lâu để các cơ và dây chằng vùng chậu co trở lại, tốt nhất là không nên lao động sớm trước 3 tháng.

Người phụ nữ cần tránh làm việc nặng nhọc liên tục, tráng làm việc ở tư thế đứng hoặc đi lại quá nhiều trong ngày. Ngoài ra, một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cùng sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể dục thể thao sẽ giúp tăng sức mạnh các cơ vùng chậu. Người phụ nữ cũng nên tránh bị táo bón và các bệnh lý đường hô hấp mạn tính vì chúng làm tăng áp lực lên các cơ vùng chậu lâu dần có thể dẫn đến sa sinh dục.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan