U nang buồng trứng xoắn trên siêu âm

U buồng trứng xoắn là một tình trạng cấp cứu phụ khoa, cần phải được chẩn đoán nhanh chóng và xử trí kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Vậy xoắn buồng trứng trên siêu âm sẽ cho thấy hình ảnh như thế nào?

1. U nang buồng trứng xoắn là gì?

U buồng trứng xoắn còn gọi là xoắn buồng trứng, một tình trạng mà buồng trứng xoay một phần hoặc toàn bộ quanh cuống mạch máu khiến buồng trứng bị thiếu máu cục bộ. Xoắn buồng trứng thường đứng trong nhóm đầu những cấp cứu phụ khoa hay gặp. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, tuy nhiên thường gặp hơn ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 20 – 50 tuổi.

Điều quan trọng nhất khi bị u nang buồng trứng xoắn là chẩn đoán kịp thời và xử trí nhanh chóng để bảo tồn chức năng buồng trứng, ngăn ngừa những biến chứng nặng nề hơn có thể xảy ra.

2. Những đối tượng thường xảy ra u nang buồng trứng

Một số phụ nữ có những yếu tố nguy cơ sau đây có khả năng bị xoắn u nang buồng trứng hơn so với những người không có là:

  • Người có u nang buồng trứng, nang cạnh vòi trứng kích thước lớn. Thông thường, xoắn buồng trứng dễ xảy ra hơn khi kích thước khối u từ 5 cm trở lên.
  • Kích thước buồng trứng ban đầu lớn do chu kỳ kích thích buồng trứng hoặc buồng trứng đa nang,...
  • Các dây chằng buồng trứng quá dài hoặc quá dãn
  • Phụ nữ đang mang thai có kèm khối u ở một trong hai hoặc cả hai buồng trứng.
  • Người đã có tiền sử bị xoắn buồng trứng trước đó.

Những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ như trên nên đi khám phụ khoa định kỳ thường xuyên cũng như tái khám ngay khi có bất thường.

3. Các triệu chứng khi bị xoắn u nang buồng trứng

Khi đã bị u nang buồng trứng xoắn, người bệnh cần được xử trí ngay vì có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Một số triệu chứng thường gặp khi bị u nang buồng trứng xoắn là:

  • Đau dữ dội ở vùng bụng dưới một cách đột ngột. Cơn đau có thể là đau nhói, đau quặn hoặc đau âm ỉ, ở hạ vị hoặc lệch 1 bên, đau thường kéo dài liên tục hoặc từng cơn. Đau có thể lan lên mạn sườn, ra sau lưng hoặc bẹn. Khi bị u nang buồng trứng xoắn, triệu chứng đau thường sẽ không đỡ kể cả khi sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường và thường sẽ chỉ giảm khi buồng trứng tự tháo xoắn.
  • Chướng bụng ở hạ vị, cảm giác buồn nôn và nôn. Có đến 60 - 70% bệnh nhân u nang buồng trứng xoắn thường xuyên có cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, một số triệu chứng khác mà người bệnh có thể phải đối mặt là vã mồ hôi, cảm giác choáng váng, nôn nao. Nếu các triệu chứng này kéo dài và có xu hướng nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đi cấp cứu ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm. Sốt cũng có thể gặp ở 10% bệnh nhân, tuy nhiên đây thường là dấu hiệu trễ, khi buồng trứng đã bắt đầu hoại tử mô.
  • Bụng sưng to bất thường: Tuy không quá phổ biến, song người bệnh tuyệt đối không được chủ quan nếu như bụng của bạn có dấu hiệu sưng to bất thường vì đây cũng có thể là một dấu hiệu của u nang buồng trứng xoắn. Điều này là do, kích thước khối u trở nên lớn hơn khi u nang phát triển qua thời gian dài và sẽ làm bụng phình to bất thường. Thậm chí, một số người bệnh còn có thể tự sờ thấy khối u ở bụng dưới của mình.

4. Hình ảnh siêu âm của u nang buồng trứng xoắn

Siêu âm phụ khoa có độ nhạy trong chẩn đoán xoắn u nang buồng trứng từ 46 – 75%. Người bệnh có thể được siêu âm ngả bụng hoặc ngả âm đạo và siêu âm ngả âm đạo có giá trị chẩn đoán cao hơn – 94% so 34% khi siêu âm ngả bụng.

Một số hình ảnh quan sát được khi siêu âm phần phụ trong u nang buồng trứng xoắn là:

  • Dấu hiệu thường gặp nhất là buồng trứng có khối u hoặc hình ảnh buồng trứng to, phù nề mô đệm với nhiều nang nhỏ kích thước 8 – 12 mm ở ngoại vi – dấu hiệu “ chuỗi ngọc trai”.
  • Kích thước buồng trứng 2 bên thường không cân nhau mà tỷ lệ thể tích 2 buồng trứng có thể chênh lệch lên đến 20 lần. Đây là hình ảnh có giá trị cao trong chẩn đoán u nang buồng trứng xoắn.
  • Giảm hoặc mất dòng chảy khi siêu âm Doppler chiếm tỷ lệ 40% trong các trường hợp u nang buồng trứng xoắn. Tuy nhiên, dòng máu có thể bình thường nếu buồng trứng được tháo xoắn tạm thời hoặc chỉ xoắn một phần.
  • Dấu hiệu “Xoáy nước” – Whirlpool sign.

Ngoài ra, một số dấu hiệu cận lâm sàng khác có thể được thực hiện khi có nghi ngờ u nang buồng trứng xoắn như:

  • CT scan hoặc MRI ổ bụng: đây là xét nghiệm có độ chính xác cao, sẽ được chỉ định khi người bệnh có tình trạng đau bụng không điển hình và không tìm thấy dấu hiệu gợi ý trên siêu âm.
  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Khi bị xoắn buồng trứng, tỷ lệ bạch cầu có thể tăng nhưng không có nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh vì ít đặc hiệu.
  • Chỉ số CRP cũng có thể tăng nhẹ khi bị u nang buồng trứng xoắn, tuy nhiên, trong trường hợp tăng nhiều thường gợi ý những bệnh lý viêm đặc hiệu khác như ruột thừa viêm, viêm vùng chậu,...

5. Phương pháp điều trị u nang buồng trứng xoắn

U nang buồng trứng xoắn nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ hồi phục cao hơn. Tuy nhiên trong trường hợp phát hiện muộn, khi buồng trứng đã hoại tử thì sẽ phải cắt bỏ buồng trứng một bên, làm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, thậm chỉ có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện nay, biện pháp điều trị u nang buồng trứng xoắn được áp dụng nhiều nhất là phẫu thuật. Phẫu thuật nội soi ổ bụng là phương pháp được ưu tiên hơn khi xoắn buồng trứng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng thì nên phẫu thuật mổ hở. Các hình thức phẫu thuật chủ yếu bao gồm:

  • Tháo xoắn kèm bóc u khi khối u nang buồng trứng mới bị xoắn và chưa có dấu hiệu tử
  • Cắt u nang buồng trứng có cuống, trong trường hợp u nang buồng trứng xoắn chặt không thể tháo lại như trước hoặc buồng trứng đã hoại tử.
  • Mổ cấp cứu khi xuất hiện biến chứng hoại tử hay viêm phúc mạc. Đây là tình trạng nguy hiểm và phức tạp hơn rất nhiều do có khả năng gặp phải tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc dính ruột.

Một số lưu ý khi phẫu thuật xử trí u nang buồng trứng xoắn:

  • Người bệnh khi có dấu hiệu nghi ngờ xoắn buồng trứng cần được nội soi ổ bụng cấp cứu để chẩn đoán.
  • Thời gian trì hoãn phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ bảo tồn chức năng buồng trứng.
  • Người bệnh cần được tư vấn khả năng nội soi ổ bụng không có xoắn buồng trứng hoặc nguy cơ phải cắt buồng trứng nếu không thể điều trị bảo tồn.
  • Ở phụ nữ mãn kinh khi bị xoắn thì nên cắt buồng trứng.

Trên đây là những thông tin quan trọng và hình ảnh siêu âm khi bị u nang buồng trứng xoắn. Phụ nữ nói chung và nhất là trong độ tuổi sinh đẻ cần thăm khám phụ khoa định kỳ để biết được tình trạng sức khỏe cũng như các yếu tố nguy cơ gặp phải. Đặc biệt, cần đến khám ngay nếu có các triệu chứng nghi ngờ u nang buồng trứng xoắn để có thể được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bảo vệ chức năng buồng trứng và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan