Sởi ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm

Bệnh sởi có thể dẫn đến những biến chứng nặng như mù, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, dễ bị bệnh và nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt là sởi ở trẻ sơ sinh và sởi ở trẻ dưới 1 tuổi.

1. Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ em

Thời gian gần đây, số trẻ mắc sởi có xu hướng tăng tại các cơ sở y tế và bệnh viện nhi trên cả nước khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra và dễ bùng phát thành ổ dịch. Trẻ nhũ nhi khi mắc sởi rất nguy hiểm vì sức đề kháng của trẻ còn rất yếu.

Tác nhân gây bệnh sởi là virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính. Bệnh vẫn được xem là bệnh nguy hiểm và có thể gây tử vong cho trẻ nhỏ nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp.

Nhờ vào việc tiêm ngừa vắc xin chủ động nên tỷ lệ tử vong do Sởi đã giảm đáng kể trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong do mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Đa số là ở các nước kém phát triển, tỉ lệ tiêm ngừa phòng sởi thấp.

2. Vì sao sởi ở trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi lại nguy hiểm?

Trẻ mắc bệnh sởi nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kháng thể chống lại virus sởi. Khi trẻ mới sinh ra cho đến tháng thứ 8 - 9, trẻ thường được mẹ truyền kháng thể chống sởi, nhưng sau đó lượng kháng thể chống sởi do mẹ truyền sẽ giảm xuống nhanh chóng, nếu gặp virus sởi trẻ sẽ bị bệnh.

Ngược lại, nếu người mẹ có ít kháng thể chống sởi hoặc mẹ không có kháng thể chống sởi thì trẻ sinh ra sẽ không có kháng thể chống sởi do mẹ truyền. Những người mẹ nào lúc còn trẻ chưa mắc bệnh sởi bao giờ hoặc chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi sẽ không có kháng thể để truyền cho con. Thực tế, có khoảng 90% trẻ mắc sởi là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa được tiêm ngừa theo lịch tiêm chủng Quốc gia) do đó không có khả năng kháng bệnh.

Sự nguy hiểm của bệnh sởi chính là những biến chứng do bệnh gây ra. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị những biến chứng nặng nề của bệnh. Những biến chứng thường gặp khi trẻ mắc bệnh sởi được ghi nhận:

  • Biến chứng viêm tai giữa cấp: Xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm sởi.
  • Viêm phổi nặng: Xảy ra ở khoảng 1/20 trường hợp mắc sởi, có thể dẫn đến tử vong.
  • Viêm não: Xảy ra ở khoảng 1/1.000.
  • Tiêu chảy và ói mửa do sởi: Thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
  • Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa, một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.
  • Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em hậu bệnh sởi, gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ trong giai đoạn về sau.
Bệnh lồng ruột dễ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi
Bệnh sởi có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

3. Trẻ sơ sinh bị sởi phải làm sao?

Sốt: cho trẻ uống paracetamol khi sốt theo chỉ định. Để thoáng, không mặc nhiều quần áo hay quấn chăn mền. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc sữa công thức, chia nhiều cử nhỏ và đảm bảo trẻ uống nhiều nước.

Ho: nếu trẻ bị ho nhưng không thở nhanh, có thể cho bé uống một loại thuốc ho được bác sĩ chỉ định hoặc một phương thuốc thảo dược như trà chanh, mật ong an toàn cho trẻ (nên hỏi ý kiến bác sĩ, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi).

Nghẹt mũi: Sẽ làm trẻ khó khăn khi ăn và bú, có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch mũi trước khi cho bú hoặc ăn.

Mắt đỏ (viêm kết mạc): Không cần làm gì đặc biệt, lau mặt cho bé bằng khăn sạch mềm, thấm ướt. Nếu mắt bị dính ghèn, đưa bé đi khám bác sĩ.

Đau loét miệng: Súc miệng bằng nước sạch (tốt nhất là bằng nước muối) càng nhiều lần càng tốt, ít nhất bốn lần một ngày. Chú ý uống nước thường xuyên.

Dinh dưỡng: tình trạng dinh dưỡng của trẻ bị sởi có thể bị ảnh hưởng do tiêu chảy và nôn mửa hoặc biếng ăn vì loét miệng. Tăng cường cho con bú, chia nhỏ các cữ ăn, tăng các cữ ăn và bú nhiều hơn bình thường, thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hoá (cháo, bột, sữa ...) để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dịch và năng lượng.

Điều trị bằng cách bổ sung vitamin A liều cao theo phác đồ điều trị sởi của Bộ Y tế, trẻ bị sởi sẽ được bổ sung vitamin A liều cao:

  • Trẻ dưới 6 tháng: Uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trẻ 6 - 12 tháng: Uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trẻ trên 12 tháng và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.
  • Trường hợp trẻ có biểu hiện thiếu vitamin A sẽ được bổ sung thêm 1 liều sau 4 - 6 tuần.
Vitamin A
Có thể bổ sung vitamin A cho trẻ

4. Dấu hiệu và triệu chứng nặng cần được đi khám ngay

  • Thở nhanh: Trẻ dưới 1 tuổi: thở nhanh > 50 nhịp thở trong 1 phút. Trẻ trên 1 tuổi: thở nhanh > 40 nhịp thở trong 1 phút
  • Có dấu hiệu mất nước: môi khô, khóc không nước mắt, khát nước, quấy ...
  • Nghe tiếng thở rít, giọng khàn khi khóc
  • Loét miệng
  • Biếng ăn
  • Tiêu chảy, nôn ói.
  • Đau mắt, mắt đổ ghèn
  • Đau tai
  • Sốt kéo dài hơn 4 ngày.

5. Trẻ cần nhập viện khi nào?

  • Trẻ không thể uống hay bú
  • Co giật
  • Sốt cao khó hạ
  • Li bì, khó đánh thức
  • Loét miệng nhiều
  • Thở nhanh, thở co lõm ngực, thở nghe tiếng rít
  • Loét giác mạc, giảm khả năng nhìn
  • Viêm tai xương chũm
  • Biểu hiện mất nước nặng: môi khô, da chùng, khóc không nước mắt, tiểu ít,
  • Suy dinh dưỡng nặng.

6. Đề phòng bệnh sởi ở trẻ em

Để phòng bệnh sởi biện pháp quan trọng nhất là tiêm vaccine. Tuy nhiên, theo lịch tiêm chủng hiện nay của Việt Nam, bắt đầu tiêm sởi mũi thứ nhất lúc trẻ đủ 9 tháng tuổi để đảm bảo hiệu quả cũng như an toàn cho trẻ. Với những trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vaccine thì các bà mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Không cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết.
  • Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi.
  • Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh như bệnh viện, phòng khám - nơi đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi.
  • Người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sau đó cần thay quần áo tắm rửa sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ.
  • Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho đi tiêm văcxin sởi đúng lịch.
  • Hiện nay không có bằng chứng khoa học nào về việc tắm hạt mùi có tác dụng phòng tránh bệnh sởi.

Để ngăn ngừa sởi bùng phát thành dịch, trẻ mắc sởi cần được cách ly, tránh lây bệnh sang người lành. Khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc sởi, cần đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc; vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc; giữ gìn vệ sinh môi trường và nơi xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan