Có cách nào khử mùi hôi cơ thể?

Mùi hôi cơ thể là một vấn đề phổ biến mà bạn có thể gặp sau khi kết thúc một buổi tập luyện hay trải qua một ngày nắng nóng. Thay đổi lối sống và áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà thường có thể giúp giảm mồ hôi và mùi hôi cơ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp mùi hôi cơ thể nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Vậy có cách nào khử mùi hôi cơ thể hay không?

1. Mùi hôi cơ thể xuất hiện như thế nào?

Mùi cơ thể là một thuật ngữ chỉ mùi tự nhiên bắt nguồn từ cơ thể người. Cơ thể con người có thể tạo ra một số chất có mùi, nhiều loại trong số này quan trọng đối với chức năng cơ thể nhưng chúng được tạo với số lượng nhỏ, không dẫn đến mùi khó chịu.

Mọi người thường nghĩ mùi hôi cơ thể do mồ hôi tiết ra gây nên. Trên thực tế, bản thân mồ hôi hầu như không có mùi. Nguyên nhân sâu xa tạo nên mùi hôi cơ thể là do vi khuẩn sống trên các bộ phận tiết mồ hôi của cơ thể. Vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, phân hủy protein có trong mồ hôi thành các sản phẩm tạo ra mùi hôi. Do đó, những người đổ mồ hôi nhiều như người mắc chứng hyperhidrosis sẽ dễ bị mùi cơ thể hơn.

Mồ hôi cơ thể do hai tuyến mồ hôi chính tiết ra là tuyến eccrine và tuyến apocrine.

  • Tuyến eccrine có hầu hết dưới làn da của cơ thể bạn, nằm ở lớp hạ bì. Tuyến eccrine tiết mồ hôi trực tiếp lên bề mặt da thông qua một ống dẫn. Khi mồ hôi bay hơi sẽ giúp làm mát da và điều hòa nhiệt độ cơ thể. Mồ hôi do các tuyến eccrine tiết ra chủ yếu là muối và các chất điện giải khác, nó không chứa chất béo và các hợp chất khác tạo ra mùi khi bị vi khuẩn phân hủy nên nó ít có khả năng tạo ra mùi hơn.
  • Tuyến apocrine được tìm thấy ở những nơi bạn có lông, chẳng hạn như nách và bẹn. Tuyến này tiết ra mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng và khi bạn căng thẳng. Mồ hôi do tuyến apocrine tiết ra là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp có mùi cơ thể. Mồ hôi chứa nhiều chất béo và các hợp chất khác có mùi khi bị vi khuẩn phân hủy.

Điều này giải thích tại sao mùi cơ thể chủ yếu hay gặp ở nách và bẹn. Nó cũng giải thích tại sao trẻ nhỏ không có mùi cơ thể ngay cả khi chúng đổ mồ hôi. Tuyến apocrine chưa hoạt động cho đến tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, chúng mới bắt đầu hoạt động mạnh và tiết mồ hôi, lúc này mùi cơ thể mới trở nên rõ ràng hơn.

mùi hôi cơ thể
Vấn đề mùi hôi cơ thể có thể khiến bạn gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống

2. Yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị mùi cơ thể

Một số yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị mùi cơ thể đó là:

  • Thừa cân: Các nếp gấp trên da giữ mồ hôi và vi khuẩn, điều này tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển gây nên mùi cơ thể.
  • Ăn thức ăn cay, có mùi hăng: Mùi hương của thực phẩm đi vào các tuyến mồ hôi ở vùng kín và làm cho mùi cơ thể trở nên trầm trọng hơn.
  • Một số bệnh lý: Một số bệnh có thể thay đổi mùi cơ thể bình thường, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh gan và bệnh lý tuyến giáp. Trong một số trường hợp, mùi hôi cơ thể có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn bên dưới mà bạn không biết.
  • Căng thẳng: Tình trạng căng thẳng làm các tuyến apocrine tăng tiết khiến đổ mồ hôi nhiều hơn. Vì vậy, bạn có thể nhận thấy sự gia tăng mùi cơ thể ngay trước sự kiện căng thẳng chuẩn bị xảy ra.
  • Di truyền: Một số người dễ bị mùi cơ thể và đổ mồ hôi nhiều hơn những người khác.
  • Đổ mồ hôi quá nhiều: Một tình trạng gọi là hyperhidrosis có thể khiến bạn đổ mồ hôi rất nhiều. Thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng lượng mồ hôi.

3. Phương pháp điều trị mùi hôi cơ thể tại nhà

Mặc dù không có phương pháp điều trị chung cho các nguyên nhân gây ra mùi cơ thể, nhưng bạn có thể thực hiện các cách khử mùi hôi cơ thể sau tại nhà:

3.1. Tắm rửa hàng ngày và sử dụng xà phòng chống vi khuẩn.

Tắm ít nhất một lần một ngày, còn nếu thời tiết quá nóng bạn có thể tắm hai lần mỗi ngày. Sử dụng xà phòng chống vi khuẩn giúp làm giảm vi khuẩn, tạo bọt kỹ lưỡng trước khi bôi lên cơ thể. Đặc biệt chú ý đến những vùng dễ bị mùi cơ thể như nách, bẹn và các nếp gấp da. Ngoài ra, bạn cần chú ý lau khô da hoàn toàn ở những vùng kín trước khi mặc quần áo sạch.

3.2. Sử dụng sản phẩm cho vùng da dưới cánh tay phù hợp

Có hai loại sản phẩm cho vùng da dưới cánh tay: chất khử mùi và chất chống mồ hôi. Chất khử mùi làm cho vùng da dưới cánh tay của bạn ít tiếp xúc với vi khuẩn hơn, hạn chế hoạt động của vi khuẩn. Chất chống mồ hôi giúp ngăn ngừa các tuyến mồ hôi bài tiết làm giảm lượng mồ hôi.

Nếu bạn không đổ nhiều mồ hôi nhưng có mùi hôi cơ thể thì chất khử mùi là một lựa chọn tốt. Nếu bạn đổ mồ hôi nhiều thì nên chọn sản phẩm có chứa chất chống mồ hôi và chất khử mùi.

3.3.Cạo lông

Lông ở những vùng như nách – vùng tuyến apocrine tập trung có thể làm chậm quá trình bay hơi của mồ hôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có thêm thời gian để phân hủy protein và tạo ra chất tạo mùi. Tẩy lông cũng là một phương pháp trị mùi hôi cơ thể hữu hiệu.

3.4. Mặc các loại vải thoáng khí

Tránh các loại vải giữ mồ hôi trên da và khi tập luyện bạn hãy chọn các loại vải hút ẩm. Các loại vải tự nhiên như cotton tốt hơn polyeste, nylon cho phép mồ hôi bay hơi, giúp kiểm soát mùi cơ thể.

3.5. Thử các bài tập thư giãn

Cân nhắc các bài tập thư giãn, chẳng hạn như yoga, thiền. Những phương pháp này có thể dạy bạn kiểm soát căng thẳng làm hạn chế đổ mồ hôi.

3.6.Thay đổi chế độ ăn uống

Loại bỏ hoặc giảm thực phẩm cay, hăng khỏi chế độ ăn uống của bạn. Một số thực phẩm như: cà ri, tỏi, ớt, hành, bông cải xanh có thể gây tiết mồ hôi nhiều hơn. Ngay cả rượu, đồ uống có cafein, thức ăn có mùi mạnh cũng có thể làm thay đổi mùi cơ thể. Hạn chế ăn các thực phẩm này có thể giúp cải thiện mùi cơ thể của bạn.

Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn trị mùi hôi cơ thể
Thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp bạn trị mùi hôi cơ thể

4. Phương pháp điều trị mùi hôi cơ thể tại các cơ sở y tế

Nếu mùi cơ thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn và các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị khác.

  • Bác sĩ có thể kê cho bạn chất khử mồ hôi hoặc chất khử mùi kê đơn mạnh hơn những gì bạn mua ở quầy tạp hóa.
  • Clorua nhôm: Bác sĩ hoặc bác sĩ da liễu có thể đề nghị kê đơn thuốc chống mồ hôi có chứa nhôm clorua. Clorua nhôm được hấp thu qua da và làm giảm lượng tiết mồ hôi.
  • Tiêm Botox: Tiêm botox trực tiếp vào da cho người đổ mồ hôi quá nhiều, ngăn chặn việc giải phóng các chất gây đổ mồ hôi. Tuy nhiên, đây chỉ là cách khắc phục tạm thời, điều trị được lặp lại sau vài tháng.

Khi các biện pháp tự chăm sóc và dùng thuốc không có hiệu quả trong việc điều trị mùi cơ thể nghiêm trọng, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật phẫu thuật gọi là phẫu thuật nội soi cắt hạch giao cảm. Việc này này cắt đứt các dây thần kinh kiểm soát mồ hôi bên dưới da nách.

Mùi cơ thể là một hiện tượng phổ biến, là một sản phẩm phụ của vi khuẩn phân hủy protein trong mồ hôi của một người chứ không phải do chính mùi mồ hôi. Mọi người thường có thể tự khắc phục nó tại nhà bằng cách thay đổi lối sống và chọn sản phẩm điều trị phù hợp. Nếu bạn vẫn còn mùi cơ thể sau khi thử những cách này, hãy hỏi bác sĩ về thuốc kê đơn hoặc các biện pháp y tế.

.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

64.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan