Mỏi hàm, đau tai: Có phải là rối loạn thái dương hàm?

Mỏi hàm hay đau tai là triệu chứng phổ biến rất nhiều người gặp. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, vì vậy để xác định chính xác có phải do bệnh lý hay không, cần đánh giá tổng quát, tìm ra nguyên nhân từ đó tìm ra phương pháp điều trị phù hợp. Nhiều người thắc mắc triệu chứng mỏi hàm, đau tai: Có phải là rối loạn thái dương hàm? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời.

1. Rối loạn thái dương hàm là gì?

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng khớp thái dương hàm hoạt động không đúng chức năng của nó. Khớp thái dương hàm có vai trò giống như một bản lề trượt có nhiệm vụ kết nối xương hàm với hộp sọ, giúp đưa hàm dưới ra trước, ra sau và hoạt động sang 2 bên. Khi hệ thống cơ bắp, đĩa đệm, dây chằng hay cấu trúc xương trong hàm hoạt động bị sai lệch thì được gọi là rối loạn thái dương hàm.

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn thái dương hàm như: Sự ăn khớp của 2 hàm răng không tốt, do mất răng, các răng mọc lệch lạc không đúng chỗ gây ra sự xáo trộn sự khớp ở các răng, bị chấn thương ở khớp thái dương hàm, do nghiến răng, stress,...

2. Triệu chứng của rối loạn thái dương hàm

Rối loạn thái dương hàm có nhiều triệu chứng khác nhau, rất khó để phát hiện có phải bị rối loạn thái dương hàm không bởi triệu chứng của bệnh tương tự với các vấn đề răng miệng thông thường khác

Khi bị rối loạn thái dương hàm sẽ xuất hiện các triệu chứng phổ biến sau:

  • Cảm giác như hàm đang bị nhô lên khi ăn, cứng khớp, khớp không vào đúng vị trí khi ngậm miệng lại hoặc thay đổi hoạt động của miệng đột ngột.
  • Xuất hiện tiếng “cạch cạch” nghe rõ khi đang nhai thức ăn, hay ngáp.
  • Đôi khi có cảm giác như hàm bị “đơ” trong giây lát

3. Mỏi hàm, đau tai: Có phải là rối loạn thái dương hàm?

Câu trả lời là có. Ngoài hàm hoạt động “có vấn đề” kể trên, khi bị rối loạn thái dương hàm còn xuất hiện các triệu chứng gây khó khăn cho người bệnh như:

  • Đau nhức mỏi hàm, đặc biệt khi ngáp, mở miệng rộng hay nhai
  • Cơn đau nhức ở cơ hàm miệng lan tới đau tai
  • Không chỉ đau tai, cơn đau còn gây đau nhức đầu (hay bị đau nửa đầu), đau mắt, tăng nhãn áp.
Mỏi hàm
Mỏi hàm, đau tai là dấu hiệu bạn bị rối loạn thái dương hàm

4. Phòng ngừa, điều trị rối loạn thái dương hàm

Với những trường hợp bị rối loạn thái dương hàm nhẹ, có thể tự cải thiện mà không cần phải điều trị.

Nếu tình trạng mỏi hàm, đau tai kéo dài, bác sĩ có thể kê đơn cho sử dụng thuốc giảm đau hoặc giúp bảo vệ khớp cắn để tránh tình trạng nghiến răng vào ban đêm.

Để phòng ngừa bị rối loạn khớp thái dương hàm, nên chú ý tới thói quen hàng ngày:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để phòng ngừa bệnh nha chu, sâu răng, viêm lợi,...
  • Bỏ thói quen siết chặt răng hay nghiến răng
  • Giảm áp lực lên cơ quai hàm: Nên ăn những thức ăn mềm, cắt thực phẩm thành những miếng nhỏ. không nên ăn những loại thực phẩm có tính dai, dẻo như kẹo cao su, đồ cứng như đá hay sụn,... bởi khi ăn những đồ ăn này sẽ cần phải dùng nhiều lực ở răng và cơ hàm miệng, từ đó tạo áp lực sẽ gây mỏi cơ hàm mặt.
  • Tránh nhai thức ăn chỉ ở 1 bên, thay vì đó nên nhai đều cơ hàm 2 bên
  • Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị.
  • Tập căng duỗi và mát xa quai hàm. Nên gặp bác sĩ nha khoa hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn các bài tập căng duỗi và cách tự mát xa cơ quai hàm tại nhà.
  • Nếu tình trạng mỏi cơ hàm kéo dài gây khó chịu, hãy chườm nóng hoặc chườm đá lạnh lên vùng hàm bị đau để giúp làm giảm cơn đau.
  • Chườm nóng vùng hàm bị mỏi. Nhiệt độ nóng sẽ giúp thư giãn cơ bắp, từ đó giảm cảm giác đau và cứng khớp hiệu quả.
  • Chườm lạnh nếu tình trạng mỏi cơ hàm kéo theo bị sưng, viêm.
  • Không nên há miệng quá lớn và lâu, nên duy trì hàm dưới ở tư thế nghỉ, thư giãn cơ, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, xây dựng lối sống lành mạnh,...

Nếu tình trạng mỏi hàm, đau tai dai dẳng nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. dựa vào triệu chứng và quá trình thăm khám bác sẽ sẽ tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan