Phòng ngừa thương tật thứ phát

Các thương tật thứ cấp hay thứ phát là những di chứng xảy ra sau một bệnh lý nhất định. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy cần có các biện pháp dự phòng thương tật thứ phát hợp lý và hỗ trợ người bệnh phục hồi càng nhiều càng tốt.

1. Thương tật thứ phát là gì?

Thương tật thứ cấp (hay thứ phát) là khái niệm chỉ các khiếm khuyết xảy ra sau một bệnh lý nào đó, khiến người bệnh phải nằm yên bất động kéo dài, thiếu thốn sự chăm sóc hoặc nếu được chăm sóc thì lại không đúng cách. Các thương tật thứ cấp có thể bao gồm các tình trạng như teo cơ, co rút cơ khớp, cứng khớp, loãng xương, nhiễm trùng hoặc loét do tì đè...

Thương tật thứ cấp có thể gặp ở các đối ương như:

2. Các thương tật thứ cấp ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh như thế nào?

Tương tự các dạng dị tật khác, các thương tật thứ cấp là yếu tố góp phần khiến cho người bệnh gặp một số khó khăn nhất định trong việc duy trì các chức năng sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày và từ đó hạn chế sự tham gia các hoạt động xã hội. Một số ảnh hưởng, khó khăn của người bệnh khi mắc các thương tật thứ cấp bao gồm:

  • Tình trạng cứng và đau nhức khớp sẽ gây hạn chế các cử động bình thường;
  • Hạn chế trong vấn đề sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là gặp khó khăn khi tự chăm sóc bản thân;
  • Hạn chế đi lại, di chuyển;
  • Ở trẻ em, thương tật thứ cấp gây ra nhiều trở ngại trong học tập, sinh hoạt và di chuyển của trẻ tại trường lớp, gây khó khăn trong việc giao lưu, kết bạn của trẻ;
  • Hạn chế tham gia các công việc gia đình và các hoạt động ngoài cộng đồng, xã hội;
  • Duy trì công việc trở nên khó khăn hơn và từ đó ảnh hưởng đến thu nhập.
Thương tật thứ cấp
Các thương tật thứ cấp khiến cho người bệnh gặp một số khó khăn nhất định trong sinh hoạt hàng ngày

3. Nguyên nhân dẫn đến các thương tật thứ cấp

  • Tư thế giải phẫu không đúng gây tình trạng đau nhức, nguyên nhân này gặp nhiều ở bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp hoặc chấn thương hệ cơ xương khớp...;
  • Tình trạng cơ co cứng hoặc co rút gặp ở một số bệnh lý thần kinh như tai biến mạch máu não, chấn thương tuỷ sống, bại não, bại liệt...;
  • Bất động kéo dài do các bệnh lý nặng hoặc do chấn thương như: Sau gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi, nhồi máu cơ tim hoặc hôn mê... Nguyên nhân này thường gây ra các thương tật thứ cấp như loét tì đè, co rút cơ hoặc cứng khớp;
  • Quy trình chăm sóc không đầy đủ hoặc do sự thiếu hiểu biết của cả nhân viên y tế, người thân trong gia đình hoặc của chính người mắc các thương tật thứ cấp.

4. Các dấu hiệu nhận biết thương tật thứ phát là gì?

Để chẩn đoán chính xác, chúng ta cần xác định loại thương tật thứ cấp đó là gì. Các thương tật thứ cấp hay gặp bao gồm:

4.1. Teo cơ

Teo cơ được định nghĩa là cơ bắp bị teo nhỏ về thể tích do nằm bất động lâu ngày hoặc do tổn thương thần kinh chi phối cơ đó.

  • Cách phát hiện: Đo chu vi vòng chi, sau đó so sánh các chi đối diện hoặc chính xác nhất là so sánh với chi vi chi trước khi bị bất động;
  • Tình trạng teo cơ do bất động kéo dài có thể phục hồi nếu được tập luyện đúng cách bằng các bài tập tăng sức mạnh cơ;
  • Teo cơ do tổn thương thần kinh chi phối gặp trong các bệnh lý như chấn thương, viêm đa dây thần kinh hoặc di chứng của một số bệnh chuyển hoá (bao gồm đái tháo đường, thiếu vitamin B). Teo cơ do nguyên nhân này thường ở mức độ nặng nề hơn và khả năng hồi phục kém. Điều trị bằng các loại thuốc kết hợp với các bài tập theo tầm vận động khớp, nâng cao sức mạnh cơ và sử dụng dụng cụ trợ giúp hoặc chỉnh hình.

4.2. Co cứng cơ

Đây là hiện tượng cơ bị co cứng ngay cả khi nghỉ ngơi.

  • Cách phát hiện là để người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn rồi tiến hành nắn bắp cơ sẽ thấy cứng hơn bình thường. Ngoài ra, khi cầm hai chi bị co cứng cơ ve vẩy sẽ thấy chi đó di chuyển khó và chậm hơn bên đối diện;
  • Co cứng cơ là thương tật thứ cấp gặp trong một số bệnh như tai biến mạch máu não, liệt tủy...
  • Tình trạng co cứng cơ gây hạn chế cử động khớp, nếu kéo dài có thể dẫn tới co rút cơ và cứng khớp;
  • Các bài tập cần thực hiện khi cơ co cứng bao gồm bài tập theo tầm vận động khớp để ngăn ngừa cứng khớp và sử dụng các dụng cụ chỉnh hình để duy trì tư thế giải phẫu đúng càng lâu càng tốt.

4.3. Co rút cơ

Đây là tình trạng cơ và mô mềm bị co ngắn lại, khiến các khớp không thể cử động hết giới hạn được.

  • Phân biệt co rút với co cứng cơ bằng cách thực hiện các cử động chi thụ động, khớp của người bị co cứng cơ vẫn có thể cử động đến hết giới hạn còn người bị co rút cơ thì không, đồng thời gân cơ sẽ nổi lên, căng cứng, kéo giãn gây đau;
  • Co cứng và co rút cơ đều có thể dẫn đến tình trạng cứng và biến dạng khớp.

4.4. Cứng khớp và biến dạng khớp

Đây là một thương tật thứ cấp hay gặp. Người bình thường các khớp cử động rất dễ dàng, mềm mại và không đau. Khi bị viêm khớp hoặc co rút cơ, tầm vận động của khớp sẽ bị hạn chế, khớp luôn ở một tư thế, rất khó cử động hết tầm gọi là cứng khớp. Những khớp bị viêm hoặc bất động lâu ngày thường sẽ dẫn tới tình trạng biến dạng, lệch trục, không thể về lại tư thế bình thường được.

  • Cách phát hiện cứng khớp: Người bệnh nằm tư thế thoải mái, thư giãn, một tay cầm ở phía trên khớp bị cứng, một tay cầm ở ngọn chi của người bệnh, sau đó cử động nhẹ nhàng theo tầm vận động khớp, nếu xuất hiện dấu hiệu cứng và đau khi cử động thì có thể xác định có tình trạng cứng khớp;
  • Tuy nhiên một số trường hợp sẽ hơi khó phân biệt việc khớp cử động khó khăn là do cứng khớp hay do co rút cơ.
Cường Aldosteron thứ phát có thể gây co cứng cơ cho người bệnh
Các thương tật thứ cấp hay gặp như: Teo cơ, co cứng cơ, co rút cơ, cứng khớp,...

5. Phòng ngừa thương tật thứ phát

Các biện pháp phòng ngừa thương tật thứ phát nên tiến hành ngay ở giai đoạn sớm, khi người bệnh mới bất động. Nếu được hướng dẫn thực hiện các bài tập theo tầm vận động khớp và các bài tập tăng sức mạnh cho cơ thì vẫn còn khả năng phục hồi. Tuy nhiên khi cơ đã co rút hoặc cứng khớp, mức độ và khả năng phục hồi lại chức năng như cũ sẽ khó khăn hơn.

Các loại thuốc sử dụng trong các thương tật thứ cấp chỉ nhằm mục đích giảm đau hoặc giãn cơ phục vụ tập luyện và kéo giãn cơ sau đó.

Các bài tập: Người bệnh cần lựa chọn và duy trì thực hiện các bài tập thụ động theo tầm vận động khớp thích hợp. Chẳng hạn người bệnh cứng các khớp ở tay thì chọn các bài tập cho khớp vai, khuỷu, cổ tay và bàn tay.

Dụng cụ chỉnh hình: Sau mỗi lần tập, tầm vận động của khớp có thể được cải thiện, người bệnh cần được giữ khớp ở tư thế đó càng lâu càng tốt. Do đó, nếu cần thiết cần sử dụng dụng cụ chỉnh hình như (như nẹp) để cố định tư thế phù hợp của khớp.

Các dụng cụ để duy trì tư thế tốt của tay chân và thân mình, có thể là:

  • Băng đeo cánh tay dùng cho người bị liệt cánh tay;
  • Nẹp khuỷu hoặc nẹp cổ tay sử dụng cho người bị co cứng cẳng tay, khuỷu tay;
  • Nẹp gối hoặc nẹp dưới và trên gối để giữ khớp gối và khớp cổ chân ở tư thế đúng đối với những bệnh nhân bị rủ bàn chân hoặc cứng khớp gối ở tư thế gập;
  • Gối kê hoặc bao cát dùng cho mọi trường hợp kê tay chân hoặc các khớp của người bệnh ở tư thế cần thiết.

Giữ tư thế tốt là biện pháp phòng ngừa thương tật thứ phát hiệu quả để hạn chế cứng khớp và biến dạng khớp, giảm tối đa nguy cơ co rút cơ. Mỗi người bệnh sẽ có kiểu biến dạng khác nhau, do vậy tư thế hợp lý là tư thế ngược với kiểu biến dạng được dự báo. Cộng tác viên phục hồi chức năng cần nắm vững một số kiểu biến dạng trong các bệnh như liệt nửa người, liệt hai chi dưới do chấn thương tủy sống, biến dạng trong viêm khớp... để hướng dẫn gia đình và người bệnh giữ tư thế đúng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan