Sốt phát ban phải làm sao? Nguyên nhân gây sốt phát ban thường gặp

Sốt kèm theo phát ban là một tình trạng thường gặp, nhất là ở trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể gặp do nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau gây nên, với mỗi trường hợp bị sốt phát ban người bệnh cần có biện pháp chăm sóc và theo dõi phù hợp giúp bệnh nhanh khỏi hơn.

Có rất nhiều căn nguyên dẫn tới tình trạng sốt phát ban. Ngoài triệu chứng đó, với mỗi bệnh nguyên khác nhau có thể kèm theo dấu hiệu khác, từ đó giúp bạn dễ nhận biết bệnh hơn. Từng nguyên nhân bệnh thì việc điều trị và nguy cơ biến chứng không giống nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân bệnh khiến bạn bị sốt phát ban và cách theo dõi với từng bệnh.

1. Thủy đậu

Hầu hết mọi người đều biết về bệnh phát ban do virus thủy đậu gây ra. Các biểu hiện thường gặp đó là sốt hoặc đau họng trước, sau đó người bệnh mới nổi mụn nước lên khắp cơ thể và trong giai đoạn này nên rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Vì vậy tốt nhất nên cho người bệnh được cách ly trong không gian riêng cho đến khi các vết loét đóng vảy. Bệnh thủy đậu thường cần điều trị triệu chứng như hạ sốt, chăm sóc mụn nước tránh nhiễm trùng, bệnh thường khỏi sau 7 đến 10 ngày. Lưu ý không bao giờ cho trẻ bị thủy đậu uống aspirin, bởi vì có thể gây ra hội chứng Reye, hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Ngoài ra, vắc xin thủy đậu có thể giúp trẻ hạn chế nguy cơ mắc bệnh hơn.

2. Bệnh zona

Khi bạn đã mắc bệnh thủy đậu, vi rút này sẽ sống bên trong cơ thể bạn và khu trú tại các hạch thần kinh. Sau đó, nó có thể tái phát dưới dạng bệnh zona, tạo ra một vết dạng như mụn nước, gây ra đau đớn, thường mọc theo một đoạn thần kinh nhất định và nó thường bị một nửa người. Nó thường có nhiều khả năng gặp hơn khi bạn già đi hoặc khi cơ thể gặp phải tình trạng suy giảm sức đề kháng, stress nặng. Tiếp xúc với người bệnh zona không thể trực tiếp khiến cho bạn bị bệnh zona, nhưng nó có thể khiến bạn bị thủy đậu nếu bạn chưa từng mắc bệnh này. Bệnh zona nếu được phát hiện sớm thường đáp ứng tốt với thuốc kháng virus dạng uống và bôi hạn chế được nguy cơ biến chứng đau sau zona. Ngoài ra trường hợp người bệnh đau đớn có thể sử dụng thêm các loại thuốc giảm đau, các thuốc bôi ngoài. Những mụn nước trên bề mặt da có thể khỏi sau 1 thời gian nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên có nhiều người gặp phải biến chứng đau sau zona, nhất là ở người già.

3. U mềm lây

Người bệnh có thể xuất hiện trên da nhiều nốt đỏ hồng với một vết lõm ở giữa và một đám trắng bên trong, gây ngứa ngáy khó chịu. Nó có thể xuất hiện trên da của bạn khi bạn tiếp xúc da hoặc đồ vật mang virus từ ai đó, nếu như gãi những tổn thương này thì chúng và bạn có thể lây virus sang những vị trí khác trên cơ thể. Những dấu hiệu của bệnh này có thể tự biến mất. Nhưng có một số trường hợp cần phải được điều trị bằng các loại kem có chứa thuốc kháng virus hoặc đôi khi cần phải loại bỏ những tổn thương trên da này bằng liệu pháp laser.

4. Bệnh thứ năm

Hay còn được gọi là ban đỏ infectiosum, nó phổ biến hơn ở trẻ em và được xếp thứ 5 trong các bệnh khiến trẻ bị sốt phát ban. Khi mắc bệnh, bạn thường bị phát ban đỏ trên mặt trông giống như bị tát vào má và cũng có thể bị sốt, đau nhức cơ thể. Phát ban trên da có thể mọc trên cánh tay, chân và các bộ phận cơ thể và nó thường nặng hơn nếu bạn đứng dưới ánh nắng mặt trời. Bạn có thể bị nhiễm bệnh từ những giọt nhỏ trong hơi thở của người bị bệnh hoặc có thể dễ lây truyền nó cho những người khác. Bệnh thứ năm thường tự biến mất sau khi chăm sóc khoảng từ 5-10 ngày, nhưng tình trạng phát ban có thể tái phát trong vài tuần sau đó.

5. Vết loét lạnh

Vết loét lạnh gây ra tình mụn nước nhỏ, chứa chất lỏng bên trong và nó thường phân bố ở trên, xung quanh môi của bạn. Nguyên nhân gây bệnh đó là do một loại vi-rút herpes-1 (HSV-1) mà hầu hết mọi người đều nhiễm khi còn nhỏ từ vết nhổ của người bị bệnh. Các vết loét này thường tự khỏi sau một vài tuần nhưng bác sĩ có thể cần thêm một số thuốc hoặc kem kháng vi-rút để giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành nốt mụn nước. Tuy nhiên, virus vẫn ở trong cơ thể bạn và có thể bùng phát bất cứ khi nào có thể khi bạn bị ốm, lo lắng hoặc quá mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm.

6. Bệnh tay chân miệng

Đây là một bệnh do virus gây ra, khi bạn bị bệnh sẽ biểu hiện bằng phát ban, nổi mụn nước đau nhưng không ngứa ở niêm mạc miệng, dưới bàn tay và bàn chân, trên mông có thể cũng bị phồng rộp; người bệnh thường bị sốt cao. Tình trạng mụn nước trong miệng có thể khiến bạn bị lở loét bên trong miệng, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn, nhất là trẻ nhỏ. Trẻ em dưới 10 tuổi mắc bệnh chân tay miệng gặp nhiều nhất. Sau đó, hầu hết mọi người đều tạo sức đề kháng và bệnh thường tự hết sau 7-10 ngày.

7. Bệnh ban đào

Đây cũng là bệnh do virus gây ra, loại virus này có thể gây ra tình trạng phát ban nhỏ, có màu hồng, bắt đầu từ trên mặt và lan ra cơ thể, cánh tay và chân của bạn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cảm thấy sốt nhẹ và đau đầu. Bệnh này có thể lây nhiễm, bạn có thể bị lây khi tiếp xúc với giọt nước bọt do người bệnh ho hoặc hắt hơi. Bệnh này có thể phòng tránh bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh.

8. Bệnh sởi

Vắc xin sởi được nghiên cứu và đưa vào sử dụng khiến căn bệnh này trở thành một căn bệnh hiếm gặp hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ nhỏ bị sốt phát ban, đặc biệt nó nguy hiểm và gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Khi mắc bệnh, bạn có thể bị ho khan, đau họng, sổ mũi và sốt. Các ban phẳng trên mặt da nổi lần lượt từ trên xuống. Một dấu hiệu nhận biết bệnh là các đốm trắng nhỏ với tâm màu trắng xanh bên trong miệng hoặc má được gọi là đốm Koplik. Nếu không có biến chứng xảy ra bệnh cũng thường tự khỏi với việc điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù nước điện giải, nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, bệnh rất dễ gây ra biến chứng nặng như viêm phổi cho nên cần thăm khám sớm và có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sớm.

9. Roseola hay gọi là bệnh thứ sáu

Là nguyên nhân thứ 6 thường khiến trẻ bị sốt phát ban nhất là cho trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Triệu chứng ban đầu trong vài ngày gồm đau họng, chảy nước mũi hoặc ho và sốt cao. Sau đó thường xuất hiện các nốt mẩn đỏ phẳng hoặc nổi lên mặt da. Nó bắt đầu trên thân mình và lan ra khắp nơi. Các đốm này chuyển sang màu trắng khi có người chạm vào chúng và có thể có các vòng tròn nhỏ hoặc quầng sáng trên da. Cần thăm khám khi bạn sốt cao trên 39 độ C hoặc tình trạng phát ban không cải thiện trong 3 ngày.

10. Sốt bọ ve Colorado

Bạn có thể mắc phải căn bệnh hiếm gặp này từ vết cắn của bọ ve trên núi Rocky. Bọ ve này sống ở miền Tây Hoa Kỳ ở độ cao lớn và nhiễm một loại virus khi chúng ăn sóc, sóc chuột và chuột. Khi bị nhiễm virus này, bạn có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức kèm theo sốt và ớn lạnh, bạn cũng có thể bị đau đầu, đau bụng, nôn mửa và phát ban trên da. Không biện pháp điều trị đặc hiệu nào cho bệnh này, nhưng trong những trường hợp bệnh phát triển nghiêm trọng, có thể cần nhập viện được chăm sóc tốt hơn.

11. Phát ban do HIV

HIV là một bệnh do nhiễm vi rút lây lan qua đường tình dục hoặc sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch. Nó có thể gây ra tình trạng phát ban có màu đỏ và các nốt sần nhỏ trên da. Trong một số trường hợp, da có thể rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hoặc các hóa chất như chất tẩy rửa và dễ bị nổi mẩn trên da. Ngoài ra nếu bị nhiễm HIV, bạn cũng có nguy cơ các bệnh khác gây phát ban như mụn rộp sinh dục, mụn rộp và u mềm lây .

12. Hội chứng Gianotti-Crosti

Hay còn gọi là viêm da dạng sẩn ở trẻ em, nó thường gặp ở trẻ em từ 9 tháng đến 9 tuổi, khi người bệnh bị nhiễm virus như viêm gan B, Epstein-Barr hoặc cytomegalovirus có thể gây ra bệnh này. Bệnh gây ra tình trạng phát ban sần sùi, bắt đầu bùng phát trên cánh tay, chân và đáy, đôi khi có mụn nước. Các triệu chứng khác có thể bao gồm chảy nước mũi, đau họng và sốt. Bị sốt phát ban thường kéo dài từ 10 ngày đến vài tuần. Sau đó nó thường tự biến mất, có thể sử dụng một số loại kem để đẩy nhanh quá trình lành bệnh.

13. Tăng bạch cầu đơn nhân

Đây là một bệnh do nhiễm virus, thường lây lan qua việc hôn, hắt hơi hoặc ho hoặc dùng chung thức ăn. Bệnh rất phổ biến ở thanh thiếu niên, khi mắc bệnh bạn thường xuất hiện phát ban kèm theo sốt, đau họng hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc nách. Bệnh được điều trị bằng cách nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước và thuốc giảm đau không kê đơn. Nói chuyện với bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường.

14. Virus Zika

Hầu hết những người mắc bệnh do nhiễm virus zika không có triệu chứng. Nhưng một số khác có thể bị sốt, nhức đầu, đau nhức khớp và cơ, phát ban trên cơ thể, quanh mắt. Bạn có thể bị nhiễm nó từ vết đốt của muỗi aedes mang virus và nó được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, hoặc nhiễm từ máu hoặc tinh dịch của người bị nhiễm bệnh hoặc các chất dịch sinh dục khác. Không có phương pháp điều trị cụ thể, nhưng nghỉ ngơi, bổ sung nước và dùng thuốc không kê đơn có thể giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Hi vọng thông qua bài viết bạn đã biết được sốt phát ban phải làm sao và những lưu ý khi bị sốt phát ban. Theo đó, bạn cần liên hệ y tế khi có những biểu hiện nặng, bệnh có nguy cơ biến chứng cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan