Bạch cầu ái toan và viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan

Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Các tế bào bạch cầu lưu thông trong tuần hoàn máu và giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm xảy ra, cơ thể sẽ giải phóng các tế bào bạch cầu để giúp chống lại nhiễm trùng.

1.Bạch cầu ái toan eosinophils là gì?

Eosinophils là một trong ba thành phần của bạch cầu hạt, được sản sinh từ tủy xương và là một trong những tế bào có vai trò thúc đẩy tiến trình viêm, đặc biệt các phản ứng viêm dị ứng. Do vậy, một số lượng lớn eosin có thể tích tụ trong các mô như là thực quản, dạ dày, ruột non và đôi khi trong máu khi những cá nhân đó phơi nhiễm với yếu tố dị nguyên. Các dị nguyên mà gây nên viêm thực quản EE này vẫn chưa biết rõ, chỉ biết các dị nguyên ấy đi vào do việc hít hoặc nuốt vào.

Hình 3: Bạch cầu ái toan có vai trò rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch
Bạch cầu ái toan- thành phần quan trọng của hệ miễn dịch

Mặc dù bạch cầu ái toan là một phần của hệ thống miễn dịch, tuy nhiên không phải lúc nào phản ứng của chúng cũng tốt đối với cơ thể. Đôi khi, chúng là một phần của các tình trạng như dị ứng thực phẩm, viêm trong các mô của cơ thể.

Bạch cầu ái toan di chuyển trong hệ tuần hoàn cùng với các hồng cầu
Bạch cầu ái toan di chuyển trong hệ tuần hoàn cùng với các hồng cầu

2.Dạ dày ruột nằm ở đâu?

Dạ dày hay còn gọi bao tử, là một bộ phận thuộc hệ thống tiêu hóa của con người. Bộ phận này có hình dạng giống một chiếc túi, tương tự như chữ “J” và là nơi phình to nhất của hệ thống tiêu hóa. Vị trí của dạ dày nằm ở phần phía trên bên trái của khoang bụng, ngay dưới gan và bên cạnh là lá lách. Trong hệ thống tiêu hóa, dạ dày nằm ở giữa thực quản và tá tràng. Đây là nơi nhận thức ăn từ thực quản. Sau khi thức ăn đi vào dạ dày sẽ tiết ra axit và enzyme để tiêu hóa thức ăn. Bên cạnh đó, các cơ của dạ dày sẽ co bóp định kỳ, làm đảo lộn thức ăn để tăng cường hoạt động tiêu hóa.

Ruột là thuật ngữ chung, chỉ ruột non, ruột già (đại tràng) và trực tràng

Ruột non là một bộ phận thuộc ống tiêu hóa và của hệ tiêu hóa. Ngoài ruột non, ống tiêu hóa còn có ruột già, dạ dày, miệng, hầu, trực tràng, ống hậu môn và hậu môn. Trong cơ thể người, ruột non nằm sau dạ dày và trước ruột già (còn gọi là đại tràng)

Đại tràng hay còn gọi là ruột già là phần gần cuối trong hệ thống tiêu hóa, gắn liền với phần cuối cùng của hệ tiêu hóa là ống hậu môn, là một bộ phận vô cùng quan trọng nằm trong ổ bụng.

Uốn lượn thành một hình khung. Khung đại tràng gồm đại tràng phải bắt đầu từ manh tràng nơi ruột non đổ vào ruột già (rất ngắn) đi lên. Nối với đại tràng ngang đổ xuống đại tràng trái, và cuối cùng là đại tràng xích-ma (rất ngắn) nối với trực tràng.

Vị trí của dạ dày, ruột non, đại trực tràng trong ổ bụng
Vị trí của dạ dày, ruột non, đại trực tràng trong ổ bụng

3.Viêm dạ dày ruột là gì?

Viêm dạ dày ruột là tổn thương viêm của lớp lót phía trong dạ dày và ruột non và đại tràng. Hầu hết các trường hợp đều do nhiễm trùng, mặc dù viêm dạ dày ruột có thể xảy ra sau uống thuốc và nuốt phải chất độc hoá học (ví dụ kim loại, chất gây bệnh). Bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa viêm dạ dày ruột có thể gây tiêu chảy từ nhẹ cho đến nặng, bệnh nghiêm trọng khi không được điều trị kịp thời.

Virus là tác nhân hàng đầu gây nên viêm dạ dày ruột, ở Anh 2 chủng virus gây nên bệnh này là Norovirus và Adenvirus. Virus hiện diện sau khi ta đi vệ sinh, dễ lây lan từ người sang người bằng các tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đụng chạm đồ vật.

Ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn có nhiễm virus cũng có thể gây nên viêm dạ dày ruột. Các tác nhân thường gặp là vi khuẩn Campylobacter, Salmonella và E.Coli. Độc tố do vi trùng tiết ra cũng có thể gây ngộ độc, một số nhóm sinh vật ký sinh trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nên bệnh trên.

Tuy nhiên, gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra một dạng bệnh lý mới, đó là viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan

Viêm dạ dày ruột
Viêm dạ dày ruột

4.Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan là gì?

Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan (VTQDBCAT) là tình trạng thâm nhiễm bạch cầu ái toan tại dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng gây ra các triệu chứng lâm sàng.

Viêm đường tiêu hóa tăng bạch cầu ái toan là một tình trạng hiếm gặp và dị thường, đặc trưng bởi sự thâm nhiễm bạch cầu ái toan từng mảng (patchy) hoặc lan toả khắp mô đường tiêu hóa, bệnh lần đầu tiên được mô tả bởi tác giả Kaijser vào năm 1937. Mỗi ca bệnh là một điểm riêng với các tổn thương đặc thù, tùy thuộc vào vị trí cũng như độ nông sâu, lan tỏa diện rộng của ruột và có diễn tiến tái phát mạn tính (chronic relapsing course). Thể bệnh có thể phân loại thành thể niêm mạc (mucosal), thể ở cơ (muscular) và thể thanh mạc (serosal types) dựa vào độ sâu của thương tổn. Các báo cáo đều có đủ và tổn thương đến hầu hết các cơ quan tiêu hóa từ thực quản đến đại tràng, trong đó dạ dày là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp đến là ruột non rồi đại tràng.

Viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan (tiếng Anh dùng từ Eosinophilic gastroenteritis_EG) là một dạng bệnh nằm trong nhóm bệnh lý sau: viêm thực quản tăng bạch cầu eosin (eosinophilic esophagitis), viêm dạ dày, viêm ruột, viêm đại tràng tăng bạch cầu ái toan (eosinophil gastritis, enteritis, and colitis), và chính các thành viên trọng “họ bệnh” được gọi chung là các rối loạn dạ dày ruột có tăng eosin (eosinophilic gastrointestinal disorders_EGIDs). Mặc dù hiếm gặp, nhưng viêm dạ dày ruột tăng eosin cần phải nhận định ra do các nhà lâm sàng càng sớm càng tốt bởi lẽ bệnh biểu hiện với các dấu chứng, triệu chứng và hội chứng “na ná” với một số bệnh lý tiêu hóa khác, đặc biệt là loét tiêu hóa song điều trị bài bản vẫn không khỏi bệnh. Vả lại bệnh viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan có thể điều trị được, đôi lúc biểu hiện giả trang giống như hội chứng ruột kích thích (masquerade as the irritable bowel syndrome). Việc chẩn đoán bệnh EG được xác định thông qua sinh thiết hoặc lấy dịch báng có tăng eosin trong sự vắng mặt của các tác nhân gây bệnh khác, kể cả ký sinh trùng đường ruột. Viêm thực quản tăng eosin (EE_Eosinophilic esophagitis) cũng nên chẩn đoán phân biệt và thảo luận. Điểm cần lưu ý nữa là bệnh thường biểu hiện trên một hoặc nhiều thành viên trong một gia đình của bệnh nhân.

5.Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan được tìm ra như thế nào?

Khái niệm về VDDRDBCAT được mô tả lần đầu tiên năm 1937 bởi tác giả Kaijser nhưng phải đến năm 1961, Ureles và cs mới lần đầu tiên phân loại bệnh lý này thành hai thể: thể lan tỏa và thể khu trú tạo thành các u hạt. Năm 1970, KLein và cs đã chia bệnh lý này thành ba thể dựa vào mức độ thâm nhiễm của BCAT: thể niêm mạc, thể cơ và thể thanh mạc. Đến năm 1985, Oyaizu và cộng sự đã tìm ra bằng chứng để khẳng định vai trò của IgE, các cơ chế thông qua tế bào mast trong bệnh sinh của VDDRDBCAT. Tiếp theo, các nghiên cứu hàng loạt ca bệnh và nghiên cứu theo dõi dọc đã góp phần cung cấp thêm kiến thức về triệu chứng lâm sàng, mô bệnh học, điều trị và diễn biến của căn bệnh hiếm gặp này. Về mặt định nghĩa, đây là một bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường tiêu hóa do sự thâm nhiễm bạch cầu ái toan, có thể gặp ở dạ dày, ruột non, đại tràng hoặc trực tràng. Số lượng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi có thể tăng hoặc không tăng.

Hình ảnh nội soi và mô bệnh học của viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan gây ảnh hưởng đến vận động dạ dày ruột
Hình ảnh nội soi và mô bệnh học của viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan gây ảnh hưởng đến vận động dạ dày ruột

Nguồn: http://www.revistagastroenterologiamexico.org/en-eosinophilic-gastroenteritis-an-unusual-presentation-articulo

6.Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan có phổ biến không?

Về dịch tễ, đây là bệnh gặp với tỉ lệ khá thấp dao động từ 1-20 ca/100.000 người. Bệnh có cả ở trẻ em và người lớn nhưng hay gặp nhất là độ tuổi 30 - 50. Tỉ lệ phân bố nam/nữ là 3/2. Khoảng 70% bệnh nhân có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc các bệnh lý dị ứng như hen, chàm, viêm mũi dị ứng...

7.Tăng bạch cầu ái toan ở thực quản có thể gặp trong những bệnh lí nào?

Trong điều kiện bình thường, bạch cầu ái toan (BCAT) có thể gặp ở các đoạn khác nhau của đường tiêu hóa, trừ thực quản. Các tế bào này đóng vai trò quan trọng trong cơ chế miễn dịch bẩm sinh với chức năng bảo vệ chống lại các tác nhân tấn công khác nhau. Tình trạng tăng bạch cầu ái toan ở đường tiêu hóa có thể gặp trong nhiều bệnh như nhiễm khuẩn, kí sinh trùng các bệnh lý viêm ruột mạn tính, hội chứng tăng bạch cầu ái toan, các bệnh lý mô liên kết, tăng sinh tủy ác tính, mẫn cảm với các thuốc. Nếu không phải do các nguyên nhân kể trên, cần xem xét đó có phải là viêm đường tiêu hóa do bạch cầu ái toan hay không. Viêm thực quản do bạch cầu ái toan đã được trình bày ở một bài riêng do vậy bài này chủ yếu giới thiệu về viêm dạ dày - ruột do bạch cầu ái toan (VDDRDBCAT). Đây là một bệnh chânđoản chủ yếu dựa vào mô bệnh học với tình trạng tăng số lượng BCAT ở mảnh sinh thiết niêm mạc đường tiêu hóa và loại trừ các nguyên nhân gây tăng BCAT tại chỗ. Tuy nhiên, tiêu chuẩn về mô bệnh học cho đến nay vẫn chưa được thống nhất vì vậy vai trò của nhà giải phẫu bệnh kết hợp với bác sĩ lâm sàng rất quan trọng.

8. Kết luận

Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan là bệnh mới nổi và cũng từng coi là tình trạng hiếm gặp nhưng hiện nay ngày càng phổ biến, do sự xâm nhập bất thường bạch cầu ái toan vào niêm mạc dạ dày, ruột non, đại trực tràng gây ảnh hưởng chức năng cấu trúc của các cơ quan này. Triệu chứng lâm sàng của bệnh lý này cũng dễ lầm lẫn với các bệnh lý viêm dạ dày ruột do nguyên nhân khác. Bệnh nhân có các triệu chứng về đường tiêu hoá, nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

525 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan