Bạn có thể sống mà không có tuyến tụy hay không?

Bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nếu phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy, bạn vẫn có thể sống mà không có nó. Tuy nhiên, bạn sẽ phải điều chỉnh lối sống, uống các loại thuốc bác sĩ kê đơn và theo dõi lượng đường trong máu cũng như duy trì hoạt động thể chất hàng ngày.

1. Tuyến tụy là gì?

Tuyến tụy nằm ở vị trí bụng cao, gần tĩnh mạch và động mạch chính. Tuyến tụy có ba phần, đó là đầu, thân và đuôi tụy.

Bộ phận này có nhiệm vụ tạo ra hormone như insulin và các enzyme tiêu hóa. Các enzyme tiêu hóa và hormone sản xuất trong tuyến tụy đi từ tuyến tụy đến tá tràng thông qua ống tụy. Nếu tuyến tụy sản xuất hormone thì được gọi là tuyến tụy nội tiết, còn phần sản xuất enzyme tiêu hóa được gọi là tuyến tụy ngoại tiết.

2. Tuyến tụy có chức năng gì?

2.1. Chức năng ngoại tiết

Mỗi ngày, tuyến tụy ngoại tiết bài tiết khoảng 1000ml dịch tụy. Trong bữa ăn, khi nhìn, ngửi, nghĩ đến thức ăn hoặc nhai và nuốt thì có thể tiết ra khoảng 20% dịch tụy toàn bữa ăn. Sau khi thức ăn đi xuống dạ dày, nó sẽ tiết ra 5-10% dịch tụy, còn khi thức ăn đến ruột là 70% dịch tụy.

Trong dịch tụy có chứa nhiều muối bicarbonat và các enzym giúp tiêu hóa hầu hết thức ăn, bao gồm:

  • Nhóm enzym tiêu hóa protein (trypsin, chymotrypsin, elastase, carboxypeptidase).
  • Enzym tiêu hóa glucid (amylase).
  • Enzym tiêu hóa lipid (lipase, photpholipase A2, cholesterol esterase)
  • Enzym tiêu hóa acid nucleic (ribonuclease, desoxyribonuclease).

2.2. Chức năng nội tiết

Các tuyến tụy nội tiết tiết ra nhiều loại hormon vào máu, trong số đó quan trọng nhất chính là glucagon và insulin.

  • Insulin có tác dụng giảm lượng đường huyết. Vì vậy, nếu thiếu hụt insulin thì sẽ gây tăng đường huyết, nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Ngược lại, Glucagon có tác dụng tăng đường huyết, tăng cường phân giải gycogen ở gan thành glucose ở máu.
tuyến tụy
Giải phẫu học của tuyến tụy trong cơ thể con người

3. Bạn có thể sống mà không có tuyến tụy không?

Có, bạn vẫn có thể sống mà không cần có tuyến tụy. Tuy nhiên, bạn sẽ phải thực hiện một vài nguyên tắc, điều chỉnh cho cuộc sống của mình.

Hiện nay, việc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy hiếm khi được thực hiện. Tuy nhiên, nếu bị ung thư tuyến tụy, viêm tụy nặng hoặc tổn thương tuyến tụy do một chấn thương nào đó thì bạn cần phải thực hiện cắt bỏ tuyến tụy.

Nhờ các loại thuốc mới, mà tuổi thọ sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy đang ngày càng tăng lên. Do đó, triển vọng của bạn sẽ phụ thuộc vào tình trạng bạn có. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ sống sót sau 7 năm sau phẫu thuật đối với những người không bị ung thư như viêm tụy là 76%. Nhưng đối với những người bị ung thư tuyến tụy, tỷ lệ sống sót sau 7 năm là 31%.

4. Các tế bào của tuyến tụy làm gì?

Tuyến tụy là một tuyến nằm trong bụng, bên dưới dạ dày của bạn. Nó có hình dạng giống như một con nòng nọc lớn, với đầu tròn và thân thon, mỏng hơn. “Đầu” cong vào tá tràng, phần đầu tiên của ruột non. “Phần thân” của tuyến tụy nằm giữa dạ dày và cột sống.

Tuyến tụy có hai loại tế bào. Mỗi loại tế bào tạo ra một chất khác nhau như sau:

  • Tế bào nội tiết sản xuất các hormone insulin, glucagon, somatostatin và polypeptide tuyến tụy. Insulin giúp giảm lượng đường trong máu và glucagon làm tăng lượng đường trong máu.
  • Tế bào ngoại tiết sản xuất các enzym giúp tiêu hóa thức ăn trong ruột. Trypsin và chymotrypsin phá vỡ protein. Amylase tiêu hóa carbohydrate và lipase phân hủy chất béo.

5. Các điều kiện ảnh hưởng đến tuyến tụy

Các bệnh có thể cần phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy bao gồm:

  • Viêm tụy mãn tính: Tình trạng viêm trong tuyến tụy trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Phẫu thuật đôi khi được thực hiện để giảm đau do viêm tụy.
  • Các bệnh ung thư tuyến tụy và ung thư cục bộ khác: Chẳng hạn như ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào, khối u thần kinh nội tiết, u nhú nội ống, ung thư tá tràng và ung thư hạch. Những khối u này bắt đầu trong hoặc gần tuyến tụy nhưng có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư di căn đến tuyến tụy từ các cơ quan khác cũng có thể yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy.
  • Tổn thương tuyến tụy: Nếu tổn thương nghiêm trọng, bạn có thể phải cắt bỏ tuyến tụy.
  • Hạ đường huyết tăng insulin máu: Tình trạng này là do insulin tăng cao khiến lượng đường trong máu của bạn giảm xuống rất thấp.

6. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tụy và phục hồi

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy của bạn được gọi là phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến tụy. Bởi vì các cơ quan khác nằm gần tuyến tụy của bạn, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể loại bỏ:

  • Tá tràng (phần đầu tiên của ruột non)
  • Lá lách
  • Một phần của dạ dày
  • Túi mật
  • Một phần của ống mật
  • Một số hạch bạch huyết gần tuyến tụy
tuyến tụy
Tuyến tuỵ có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau

Bạn có thể phải uống nước trong và uống thuốc nhuận tràng vào ngày trước khi phẫu thuật. Chế độ này nhằm mục đích làm sạch ruột của bạn. Bạn cũng có thể cần ngừng dùng một số loại thuốc vài ngày trước khi phẫu thuật, đặc biệt là thuốc làm loãng máu như aspirinwarfarin (Coumadin). Bạn sẽ được gây mê toàn thân trong khi phẫu thuật nhằm ngăn chặn cơn đau.

Sau khi tuyến tụy và các cơ quan khác của bạn được cắt bỏ, bác sĩ phẫu thuật sẽ nối lại dạ dày và phần còn lại của ống mật với phần thứ hai của ruột - hỗng tràng. Kết nối này sẽ cho phép thức ăn di chuyển từ dạ dày vào ruột non của bạn.

Nếu bạn bị viêm tụy, bạn có thể có lựa chọn cấy ghép tự động đảo nhỏ trong khi phẫu thuật. Tế bào đảo là các tế bào trong tuyến tụy của bạn sản xuất insulin. Trong cấy ghép tự động, bác sĩ phẫu thuật loại bỏ các tế bào tiểu đảo từ tuyến tụy. Các tế bào này được đưa trở lại cơ thể để người bệnh có thể tiếp tục tự sản xuất insulin.

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức để tỉnh lại. Bạn sẽ có một ống thông trong bụng để dẫn lưu chất lỏng ra khỏi vị trí phẫu thuật và một thông cho ăn, khi có thể ăn uống bình thường, ống này sẽ được lấy ra.

7. Sống không có tuyến tụy

Sau khi phẫu thuật cắt tuyến tụy, bạn sẽ phải thực hiện một số thay đổi trong lối sống hàng ngày như sau:

  • Vì cơ thể bạn sẽ không còn sản xuất một lượng insulin bình thường để kiểm soát lượng đường trong máu, bạn sẽ mắc bệnh tiểu đường. Bạn sẽ cần theo dõi lượng đường trong máu và dùng insulin đều đặn. Bác sĩ nội tiết sẽ giúp bạn kiểm soát lượng đường trong máu.
  • Cơ thể bạn cũng không tạo ra các enzym cần thiết để tiêu hóa thức ăn. Bạn sẽ phải uống một viên thuốc thay thế enzym mỗi khi ăn.
  • Để giữ sức khỏe, hãy tuân theo chế độ ăn kiêng dành cho người tiểu đường. Bạn có thể ăn nhiều loại thực phẩm, nhưng cần xem lượng carbohydrate và đường trong các loại thực phẩm đó. Điều quan trọng là tránh lượng đường trong máu thấp. Cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giữ lượng đường ổn định. Mang theo glucose bên mình trong trường hợp lượng đường trong máu giảm xuống.
  • Ngoài ra, hãy kết hợp tập thể dục hàng ngày. Duy trì hoạt động sẽ giúp bạn lấy lại sức lực và kiểm soát lượng đường trong máu. Hãy thử đi bộ một chút mỗi ngày để bắt đầu và hỏi bác sĩ khi nào là an toàn để bạn tăng cường độ tập luyện.

8. Kết luận

Bạn có thể sống mà không có tuyến tụy cũng như lá lách và túi mật, nếu chúng cũng đã được cắt bỏ. Bạn cũng có thể sống mà không có các cơ quan như ruột thừa, ruột kết, thận, tử cung và buồng trứng (nếu bạn là phụ nữ). Tuy nhiên, bạn sẽ phải điều chỉnh lối sống của mình, uống các loại thuốc bác sĩ kê đơn và theo dõi lượng đường trong máu cũng như duy trì hoạt động hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo:

  • Distal pancreatectomy, total pancreatectomy, and vein resection in pancreatic cancer. (2016). pancreaticcanceraction.org/about-pancreatic-cancer/treatment/operable-pancreatic-cancer/surgery-procedures-remove-tumour/
  • Heidt DG, et al. (2007). Total pancreatectomy: Indications, operative technique, and postoperative sequelae [Abstract]. DOI: 10.1007/s11605-006-0025-7
  • Islet autotransplantation for chronic pancreatitis. (n.d.). ucsfhealth.org/treatments/islet_autotransplantation_for_chronic_pancreatitis/
  • Muratore S, et al. (2015). Total pancreatectomy and islet auto transplantation for chronic pancreatitis. pancreapedia.org/reviews/total-pancreatectomy-and-islet-auto-transplantation-for-chronic-pancreatitis
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan