Bệnh Basedow có chữa khỏi được không?

Bệnh Basedow là một trong những căn bệnh về tuyến giáp phổ biến nhất. Căn bệnh này thường ảnh hưởng chủ yếu tới phụ nữ và những người dưới 40 tuổi. Hiện nay bệnh Basedow đã có các phương pháp điều trị hiệu quả, bao gồm phẫu thuật, sử dụng thuốc hoặc liệu pháp i-ốt phóng xạ. Tùy thuộc vào tình trạng và diễn tiến của bệnh mà mỗi người sẽ có một lựa chọn điều trị khác nhau.

1. Bệnh Basedow là gì?

Bệnh Basedow, hay còn gọi là bệnh Graves, là một tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch, khiến tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormone thyroid, dẫn đến bệnh cường giáp. Mặc dù một số rối loạn khác cũng có thể dẫn đến cường giáp, tuy nhiên bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất.

Thông thường, các hormone tuyến giáp tham gia vào nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể, như trao đổi chất, điều chỉnh nhiệt lượng, nhịp tim,...vì vậy khi tuyến giáp hoạt động bất thường sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe tổng thể của bạn. Bệnh Basedow có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng phổ biến hơn cả là ở phụ nữ và những người dưới 40 tuổi.

2. Các triệu chứng của bệnh Basedow

Bệnh Basedow thường có các biểu hiện và triệu chứng sau:

  • Thay đổi tâm trạng, ví dụ như cáu kỉnh, lo lắng
  • Run tay
  • Nhạy cảm với nhiệt độ
  • Tăng tiết mồ hôi
  • Giảm cân bất thường, mặc dù thói quen ăn uống không thay đổi
  • Tuyến giáp mở rộng gây bướu cổ
  • Rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục
  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Nhu động ruột thường xuyên
  • Bệnh nhãn khoa Graves (chiếm khoảng 30%): gồm mắt lồi, đau mắt, sưng mí mắt, đỏ hoặc viêm mắt, song thị, mất thị lực, nhạy cảm với ánh sáng
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Bệnh da liễu Graves (hiếm gặp): da dày và đỏ ở cẳng chân hoặc đỉnh bàn chân
  • Nhịp tim nhanh, hoặc không đều (đánh trống ngực)

Ngoài ra, một số tình trạng y tế khác cũng có thể gây ra các triệu chứng của bệnh Basedow. Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào liên quan đến căn bệnh này để được chẩn đoán chính xác và kịp thời. Đối với các trường hợp như tim đập nhanh, không đều hoặc mất thị lực thì bệnh nhân phải cần đến sự chăm sóc khẩn cấp.

Mệt mỏi
Mệt mỏi là dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh Basedow

3. Chẩn đoán bệnh Basedow

Việc chẩn đoán bệnh Basedow có thể bao gồm:

  • Khám sức khỏe tổng thể: bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mắt của bệnh nhân để xem liệu chúng có các biểu hiện bất thường như lồi ra hay bị kích ứng hay không. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tuyến giáp, mạch, huyết áp cùng một số dấu hiệu khác của bệnh Basedow.
  • Xét nghiệm máu: bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để xác định mức độ của hai loại hormone, bao gồm thyroxine tự do (T-4 tự do) và triiodothyronine (T-3 tự do), được sản xuất hoặc điều chỉnh bởi tuyến giáp. Nếu nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu có mức thấp hơn bình thường, trong khi lượng hormone tuyến giáp lại ở mức cao thì rất có khả năng bạn đã bị mắc bệnh Basedow.
  • Xét nghiệm hấp thụ i-ốt phóng xạ: i-ốt là một chất có vai trò vô cùng thiết yếu trong việc tạo ra hormone tuyến giáp. Để chẩn đoán bệnh Basedow, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm hấp thụ i-ốt phóng xạ để xác định lượng i-ốt được hấp thụ bởi tuyến giáp. Nếu kết quả cho thấy có một lượng lớn i-ốt được hấp thụ bất thường, điều này chứng tỏ tuyến giáp đã sản xuất ra quá nhiều hormone thyroid.
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. Phương pháp này có thể cho thấy sự mở rộng của tuyến giáp, và đặc biệt hữu ích đối với những bệnh nhân không thể hấp thụ i-ốt phóng xạ, ví dụ như phụ nữ đang mang thai.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: nếu đánh giá lâm sàng không thể chẩn đoán rõ ràng bệnh Basedow, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm công nghệ X-quang, CT scan, hoặc hình ảnh cộng hưởng từ (MRI).
xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh

4. Bệnh Basedow có chữa được không?

Bệnh Basedow là một trong những căn bệnh về tuyến giáp thường gặp nhất. Hầu hết các bệnh có liên quan đến tuyến giáp đều có thể điều trị để đưa chức năng của tuyến giáp trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ cần phải thường xuyên sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh.

Bệnh cường giáp do bệnh Basedow được gây ra bởi các kháng thể của hệ miễn dịch tấn công vào tuyến giáp và kích thích mô nội tiết này sản sinh ra nhiều hormone.

Hiện nay, thuốc kháng giáp, phẫu thuật và i-ốt phóng xạ là những phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao và có thể khôi phục chức năng của tuyến giáp trở lại như bình thường. Phương pháp i-ốt phóng xạ và phẫu thuật có khả năng chữa khỏi bệnh cường giáp bằng cách loại bỏ tuyến giáp.

Tuy nhiên, các kháng thể kích thích tuyến giáp thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi những phương pháp điều trị này, do đó nguyên nhân cơ bản gây nên bệnh Basedow vẫn còn tồn tại.

Trong một số trường hợp nhất định, thuốc kháng giáp có thể làm biến mất các kháng thể kích thích tuyến giáp, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Basedow và bệnh nhân có thể ngừng sử dụng thuốc sau đó. Tuy nhiên, những kháng thể này có thể quay trở lại bất cứ lúc nào và khiến cho bệnh Basedow tái phát.

Tóm lại, yếu tố quan trọng nhất để khôi phục các chức năng của tuyến giáp trở lại bình thường là việc lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp cho mỗi bệnh nhân. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Basedow, tất cả bệnh nhân cần được theo dõi y tế suốt đời để đảm bảo rằng tuyến giáp của họ vẫn hoạt động trong phạm vi tốt nhất.

Phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp trong ung thư
Phẫu thuật đang là phương pháp đem lại điều trị bệnh Basedow cao

5. Điều trị bệnh Basedow

Mục tiêu chính của quá trình điều trị bệnh Basedow là ức chế tuyến giáp sản xuất ra nhiều hormone, đồng thời ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của căn bệnh đối với sức khỏe tổng thể. Một số phương pháp điều trị bệnh Basedow, bao gồm:

*Liệu pháp i-ốt phóng xạ:

Đối với phương pháp điều trị này, bệnh nhân sẽ được sử dụng i-ốt phóng xạ hoặc radioiodine bằng đường uống. Do tuyến giáp rất cần i-ốt để sản xuất ra hormone thyroid, vì vậy radioiodine sẽ xâm nhập vào những tế bào này, sau đó phá hủy các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức. Điều này giúp cho tuyến giáp co lại, các triệu chứng cũng giảm dần, tuy nhiên bệnh nhân thường phải mất khoảng vài tuần đến vài tháng để đạt được hiệu quả rõ rệt.

Bên cạnh những lợi ích mang lại cho việc điều trị bệnh Basedow, liệu pháp radioiodine có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng mới hoặc làm cho bệnh nhãn khoa Graves trở nên xấu đi. Các tác dụng phụ thường ở mức độ nhẹ và tạm thời, nhưng liệu pháp này có thể không được khuyến nghị sử dụng nếu bạn có các vấn đề về mắt từ mức độ trung bình cho tới nặng.

Ngoài ra, liệu pháp i-ốt phóng xạ có thể gây ra các tác dụng phụ khác, bao gồm đau cổ hoặc tăng hormone tuyến giáp tạm thời. Nó cũng được khuyến cáo là không nên sử dụng để điều trị cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú.

*Thuốc chống tuyến giáp:

Thuốc chống tuyến giáp là một loại thuốc kê đơn, bao gồm methimazole (Tapazole) và propylthiouracil. Hai loại thuốc này cần được kết hợp sử dụng để tránh nguy cơ tái phát bệnh cường giáp sau điều trị.

Bạn nên duy trì sử dụng thuốc trong khoảng thời gian hơn một năm, thậm chí lâu hơn để đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài ra, thuốc chống tuyến giáp có thể được sử dụng trước hoặc sau khi điều trị bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ, với vai trò như một phương pháp điều trị bổ sung.

Tuy nhiên, hai loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như đau khớp, phát ban, suy gan hoặc suy giảm các tế bào bạch cầu trong máu. Hơn nữa, methimazole không được sử dụng để điều trị cho những phụ nữ đang ở giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, vì nó có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Dấu hiệu mang thai
Thuốc chống tuyến giáp chống chỉ định cho phụ nữ mang thai vì ảnh hưởng đến thai nhi

*Thuốc chẹn Beta:

Những loại thuốc này không có khả năng ức chế việc sản xuất hormone của tuyến giáp, nhưng chúng có thể ngăn chặn các ảnh hưởng của hormone đối với cơ thể. Bên cạnh đó, thuốc chẹn beta có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh Basedow, chẳng hạn như run rẩy, tim đập nhanh, lo lắng, khó chịu, đổ mồ hôi, tiêu chảy, yếu cơ hoặc không dung nạp nhiệt.

Một số loại thuốc chẹn Beta, bao gồm: Metoprolol (Lopressor, Toprol-XL), Propranolol, Atenolol (Tenormin), hoặc Nadolol (Corgard).

Thuốc chẹn Beta thường không được kê đơn cho những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh hen suyễn, vì nó có thể làm cho việc kiểm soát các căn bệnh này trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

*Phẫu thuật:

Phương pháp phẫu thuật thường được thực hiện bằng cách loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp của bạn. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể mang lại một số rủi ro nhất định, bao gồm tổn thương dây thần kinh kiểm soát thanh âm và các tuyến cận giáp.

Thuốc Propranolol
Thuốc Propranolol có tác dụng điều trị bệnh Basedow

6. Lối sống và các biện pháp khắc phục bệnh Basedow

Nếu bạn bị mắc bệnh Basedow, hãy ưu tiên nhiều cho tinh thần và thể chất của mình. Điều này bao gồm:

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm căng thẳng bằng cách nghe nhạc, tắm nước ấm, hoặc đi dạo
  • Ngừng hút thuốc lá
  • Đối với bệnh nhãn khoa Graves: bạn nên bảo vệ mắt bằng kính dâm, hoặc sử dụng thuốc nhỏ mắt có tác dụng bôi trơn, giúp cải thiện các tình trạng khô mắt.
  • Đối với bệnh da liễu Graves: sử dụng các loại kem hoặc thuốc mỡ không kê đơn có chứa hydrocortison để giảm sưng và đỏ da.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán Basedow

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, thyroid.org, webmd.com

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan