Các loại u nhú trên da có nguy hiểm không?

Những nốt u nhú trên da hay còn được gọi là mụn thịt dư, u mềm treo thường gây mất thẩm mỹ và khó chịu cho người bệnh. Theo thời gian, những nốt u ngoài da này tăng dần kích thước hoặc lan rộng thì cần tìm cách xử lý. Hãy cùng tìm hiểu xem các loại u nhú trên da có nguy hiểm không trong bài viết dưới đây.

1. U nhú ngoài da là gì?

U nhú ngoài da còn có các tên gọi khác là mụn thịt dư, mụn cơm có cuống, u mềm treo là một sự tăng sinh da lành tính. Khối u mềm, bề mặt trơn láng, mọc ra từ cuống hoặc nhú, gồ lên khỏi bề mặt da. U nhú có màu vàng, nâu, màu da hoặc đen, kích thước từ 1 – 10mm. Chúng có thể hình thành ở bất kỳ nơi nào trên da, đặc biệt là vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng như mặt, cổ, ... hoặc vùng da có sự cọ xát với nhau hoặc với áo quần như nách, dưới vú, hậu môn, bẹn, ...

2. Cách nhận biết u nhú ngoài da

Các khối u ngoài da thường lành tính nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt là khi xuất hiện ở mặt. Các biểu hiện thường gặp của u nhú ngoài da là:

  • Là những nốt sần nhỏ, tròn, chắc, có bề mặt trơn phẳng, gồ lên trên bề mặt da.
  • Màu sắc: Trùng với màu da, ngả cam, nâu hoặc xám tối.
  • Có thể xuất hiện nhiều nhú cùng một lần, từ 3 đến nhiều hơn 10 nốt. Các nốt sần có thể tập trung lại thành nhóm, khu trú hoặc lan tỏa.
  • Vị trí: Ở trẻ em, u nhú ngoài da thường xuất hiện trên mặt, cổ, ngực, tay chân. Ở người lớn, u ngoài da thường mọc ở những vị trí tiếp xúc nhiều với ánh nắng như mặt, cổ, ngực, tay chân hoặc vùng sinh dục.

Ngoài ra, tùy vào vị trí xuất hiện mà u nhú có thể gây những ảnh hưởng khác nhau tại vị trí đó, ví dụ:

  • U nhú ở mi mắt làm sụp mi.
  • U nhú ở dương vật làm ảnh hưởng đến nhu cầu sinh lý.
  • U nhú ở hậu môn gây đau, ảnh hưởng khi đi đại tiện.

3. U nhú trên da có nguy hiểm không?

Mụn thịt dư có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau. Về bản chất, đây là những khối u ngoài da lành tính và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, u nhú ngoài da sẽ gây biến chứng nếu người bệnh chủ quan, tự ý chữa bằng các phương pháp dân gian như lấy chỉ cắt, đốt, ... Khi đó sẽ gây chảy máu, nhiễm trùng, tạo sẹo xấu ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe.

Theo các nghiên cứu, khoảng 50 – 60% người trưởng thành sẽ có ít nhất một nốt sần da trong suốt cuộc đời, tần suất này tăng lên sau 40 tuổi. U nhú ngoài da thường gặp hơn ở người béo phì, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường, có tiền sử gia đình mắc bệnh về da.

Trong một số trường hợp, người có cơ địa béo phì có nguy cơ xảy ra biến chứng do u nhú ngoài da cao hơn, bao gồm:

  • Để lại sẹo sau khi phẫu thuật u nhú.
  • Xoắn, nhồi máu ở những nốt u nhú có cuống gây đau, thiếu máu, nhiễm trùng, hoại tử.
  • Kích ứng, viêm da kích ứng ở vùng da phẫu thuật cắt u nhú.
  • U thần kinh có thể xuất hiện nếu một dây thần kinh phát triển trong khối u nhú bị cắt, gây đau trong vài tuần đến vài tháng. Mặc dù vậy, biến chứng này hiếm khi gặp phải ở người mắc u nhú.

4. Điều trị u nhú ngoài da

U nhú ngoài da thường lành tính và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, khi chúng gây khó chịu, mất thẩm mỹ hoặc mọc ở những nơi bất tiện như dương vật, hậu môn, ... hoặc mụn thịt có kích thước lớn hơn 2cm, đau hoặc dễ vỡ khi chạm vào, viêm, chảy máu thì người bệnh cần khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các phương pháp điều trị u nhú thường được bác sĩ sử dụng là:

  • Đốt lạnh u nhú bằng nitơ lỏng.
  • Đột điện hoặc laser.
  • Cắt bỏ bằng kéo, dao chuyên dụng.

Thông thường, các nốt u ngoài da có thể được dễ dàng loại bỏ mà không cần gây mê. Trong một số trường hợp u nhú có kích thước lớn, bác sĩ có thể cần tiêm thuốc gây tê tại chỗ trước khi tiến hành thủ thuật.

5. Dự phòng u nhú ngoài da

Nguyên nhân gây u nhú ngoài da chưa được xác minh rõ ràng, do đó chưa có những biện pháp phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, áp dụng những cách sau có thể giúp hạn chế sự xuất hiện các khối u ngoài da:

  • Che chắn kỹ càng khi đi ngoài trời nắng hoặc đi biển bằng cách đội nón rộng vành, đeo kính, dùng kem chống nắng.
  • Bổ sung các sản phẩm có chứa vitamin E để là chậm quá trình lão hóa và ngăn chặn các vấn đề về da.
  • Mặc áo quần, đồ lót đúng kích cỡ để giảm thiểu sự ma sát.
  • Duy trì cân nặng ổn định.
  • Kiểm soát đường máu.
  • Điều trị rối loạn nội tiết.
  • Đến khám chuyên khoa da liễu khi phát hiện bất kỳ một phát triển bất thường nào ở da hoặc mụn thịt thay đổi kích thước, hình dáng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan