Các tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp


Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hiện nay, hormone tuyến giáp tổng hợp có sẵn ở nhiều dạng biệt dược, được sử dụng để điều trị suy giáp do nhiều nguyên nhân. Để tránh gặp phải các tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp thì người bệnh cần phải lưu ý một số vấn đề.

1. Hormone tuyến giáp tổng hợp là gì?

Synthroid (levothyroxine natri) là một hợp chất giống T4 (levothyroxine), được sản xuất tổng hợp như hormone nội sinh chính do tuyến giáp tiết ra. Synthroid được sử dụng để điều trị suy giáp do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Cắt bỏ tuyến giáp;
  • Teo tuyến giáp;
  • Thiếu hụt chức năng tuyến giáp T4 (suy giáp);
  • Xạ trị tuyến giáp;
  • Và các nguyên nhân khác).

Hormone tuyến giáp tổng hợp cũng được sử dụng để ức chế TSH của tuyến yên. Hiện nay, hormone tuyến giáp tổng hợp có sẵn ở nhiều dạng biệt dược.

2. Liều dùng cho Hormone tuyến giáp tổng hợp

Synthroid được kê đơn dưới dạng viên nén, có hàm lượng từ 25 đến 300 mcg và thường được uống mỗi ngày 1 lần với cốc nước đầy (khoảng 200ml), trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút trước bữa ăn sáng để hấp thụ tốt nhất vào cơ thể.

Trẻ em có thể dùng thuốc nếu viên hormon tuyến giáp được nghiền nhỏ và cho vào khoảng 1 đến 2 thìa cà phê nước. Không lưu trữ hoặc trì hoãn việc sử dụng hỗn dịch thuốc đã nghiền nát này.

Các bác sĩ có thể chỉ định tăng liều từ từ. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên tự tăng hoặc giảm thuốc này, vì một số chế phẩm có thể chứa i-ốt hoặc lactose.

Để đảm bảo an toàn thì bệnh nhân nên nói với bác sĩ về những trường hợp dị ứng hoặc phản ứng với các thành phần thuốc hormon tuyến giáp tổng hợp này.

Synthroid
Thuốc hormon tuyến giáp Synthroid cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ

3. Tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp là gì?

Các tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp - Synthroid bao gồm:

  • Sốt;
  • Nóng bừng;
  • Tăng nhạy cảm với nhiệt;
  • Vã mồ hôi;
  • Đau đầu;
  • Lo lắng;
  • Cáu gắt;
  • Buồn nôn;
  • Các vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ);
  • Thay đổi về ngon miệng hoặc thay đổi về cân nặng;
  • Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt;
  • Rụng tóc tạm thời.

Cần báo cho bác sĩ của bạn nếu bạn gặp phải các tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp nghiêm trọng bao gồm: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, đau ngực, khó thở, suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, chuột rút ở chân, đau nhức cơ, nôn mửa, tiêu chảy, thay đổi cảm giác thèm ăn và cân nặng.

Đối với người lớn tuổi, các tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp có thể là:

  • Đau ngực, nhịp tim không đều;
  • Run, đau hoặc yếu cơ;
  • Nhức đầu, chuột rút ở chân;
  • Cảm thấy lo lắng hoặc cáu kỉnh, khó ngủ;
  • Thèm ăn;
  • Cảm thấy nóng;
  • Giảm cân.

Đối với trẻ em, các tác dụng phụ của hormone tuyến giáp tổng hợp có thể là: Tăng áp lực nội sọ và trật lồi cầu xương đùi. Điều trị quá mức có thể dẫn đến chứng cốt hóa sớm xương sọ ở trẻ sơ sinh và cốt hóa sớm xương chi ở trẻ em, ảnh hưởng tới chiều cao khi trưởng thành.

tác dụng phụ của hormon tuyến giáp
Người bệnh có thể đau đầu do tác dụng phụ của hormon tuyến giáp

4. Tương tác hormone tuyến giáp tổng hợp

Nhiều loại thuốc có thể ức chế sự hấp thụ, làm tăng hoặc giảm hiệu quả của hormone tuyến giáp Synthroid với cơ thể. Do vậy, người bệnh cần cung cấp danh sách đầy đủ các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ có thể kê liều lượng chính xác nhất, ngăn ngừa tương tác.

Tóm lại, việc bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hormone tuyến giáp và sử dụng tại nhà vì như vậy sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: Medically reviewed by Victor Nguyen, PharmD, MBA — Written by Jennifer Mitri Williamson, Pharm.D. on May 21, 2020)

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan