Các triệu chứng lupus ban đỏ điển hình

Lupus ban đỏ là một loại bệnh thuộc dạng tự miễn hiện đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy triệu chứng lupus ban đỏ gồm những gì?

1. Lupus ban đỏ là bệnh gì?

Bệnh lupus ban đỏ là thuộc nhóm bệnh tự miễn và được phân loại làm 2 dạng chính gồm:

Các thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân nữ giới mắc bệnh này lên đến 90% và độ tuổi phổ biến nhất từ khoảng 15 - 50 tuổi. Hiện nay vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh này, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì có thể kiểm soát được diễn tiến của bệnh.

Lupus ban đỏ xảy ra do cơ thể xuất hiện những sai lệch về đáp ứng miễn dịch làm cho hệ miễn dịch tự chống lại các cơ quan trong cơ thể. Có một số nguyên nhân khác gây ra bệnh bao gồm:

  • Tia nắng mặt trời: Việc để cho làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài có thể gây ra những tổn thương trên da hoặc đối với những cá thể nhạy cảm thì có thể khởi phát của một đáp ứng trong cơ thể.
  • Do nhiễm khuẩn gây ra: Ở một số bệnh nhân thì tình trạng nhiễm khuẩn sẽ là yếu tố gây xuất hiện hoặc gây tái phát lupus
  • Sử dụng thuốc: Một số nhóm thuốc như thuốc chống động kinh, thuốc điều trị huyết áp và kháng sinh có thể làm khởi phát lupus. Ở những bệnh nhân này thường cân nhắc ngừng sử dụng thuốc khi xuất hiện các dấu hiệu của lupus.

2. Triệu chứng lupus ban đỏ thường gặp

Lupus ban đỏ là bệnh khó có thể phát hiện ngay từ giai đoạn sớm vì các triệu chứng sẽ xuất hiện từ từ. Ngoài ra, khi mắc lupus ban đỏ thì bệnh nhân có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như sốt, sụt cân, mệt mỏi, rụng tóc hoặc đông máu. Một số dấu hiệu điển hình thường gặp của lupus ban đỏ bao gồm:

  • Lở miệng: Thường kéo dài từ vài ngày đến một tháng.
  • Viêm khớp: Sẽ có hai hoặc nhiều khớp bị viêm kèm theo đau và sưng kéo dài trong vài tuần.
  • Viêm màng phổi hoặc viêm màng ngoài tim: Tình trạng này thường kèm theo đau tức ngực khi bệnh nhân hít thở sâu.
  • Thận: Thực hiện các xét nghiệm máu, protein trong nước tiểu có kết quả cho thấy chức năng thận kém.
  • Thần kinh: Rối loạn tâm thần, co giật hoặc đột quỵ.
  • Phát ban: Đây là dấu hiệu bệnh lupus ban đỏ thường gặp với tình trạng phát ban hình cánh bướm trên má thành mảng hình tròn hoặc bầu dục. Triệu chứng này càng đặc biệt nghiêm trọng khi bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

3. Biến chứng của lupus ban đỏ

Bệnh lupus ban đỏ nếu không được kiểm soát hiệu quả thì có thể gây ra các tổn thương cho nội tạng khắp cơ thể- nơi xuất hiện các triệu chứng của bệnh:

  • Tim: Lupus ban đỏ có thể gây ra viêm cơ tim, tràn dịch trong màng tim. Nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ gây ra suy tim mạn. Trong các trường hợp tối cấp có thể dẫn đến tử vong vì trụy tim mạch.
  • Phổi: Khó thở, suy hô hấp do tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi.
  • Thận: Các tế bào lọc cầu thận bị hủy hoại bằng các phản ứng viêm cầu thận và chuyển sang giai đoạn suy thận.
  • Thần kinh: Bệnh nhân xuất hiện tình trạng co giật hoặc rối loạn tâm thần.
  • Rối loạn tạo máu: Lupus ban đỏ có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu gây ra suy giảm khả năng hoạt động của hệ cơ quan.

Ngoài ra, khi điều trị lupus ban đỏ bằng các thuốc ức chế miễn dịch trong 1 thời gian dài có thể làm cho khả năng miễn dịch bị suy giảm, cơ thể dễ bị nhiễm trùng và giảm khả năng đề kháng.

4. Hướng điều trị của lupus ban đỏ

Việc điều trị lupus ban đỏ đang là bài toán nan giải đối với các chuyên gia. Hiện nay điều trị chỉ tập trung vào giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Có 2 phương pháp điều trị cơ bản đó là điều trị bằng thuốc và thay đổi chế độ dinh dưỡng:

4.1 Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị lupus ban đỏ. Tùy vào triệu chứng mà bác sĩ sẽ có chỉ định thuốc phù hợp. Các thuốc được sử dụng phổ biến gồm:

  • Thuốc điều trị trị sốt rét: Thuốc Hydroxychloroquine được dùng trong điều trị sốt rét có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của viêm khớp do lupus gây ra, phát ban, giảm mệt mỏi, lở miệng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng như viêm thận, phổi hoặc tim có thể sử dụng các thuốc thuộc nhóm corticosteroid ở liều cao như prednisone hay các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như Azathioprine, Mycophenolate mofetil, Cyclophosphamide, Methotrexate, Rituximab,...

Ngoài ra có một số nhóm thuốc khác cũng có thể cân nhắc sử dụng như:

  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
  • Thuốc chống đông (Warfarin).

4.2 Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Bệnh nhân mắc phải lupus ban đỏ được khuyến cáo sử dụng các thực phẩm giàu hàm lượng protein như cá và các vitamin B, chất xơ, sắt. Ngoài ra, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hạn chế lượng natri trong chế độ ăn.
  • Không sử dụng quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Khuyến khích sử dụng thực phẩm tươi, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
  • Sử dụng các thực phẩm giàu kali như chuối, bánh mì nguyên cám, khoai tây.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

875 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan