Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn vết mổ

Nhiễm khuẩn vết mổ là một loại nhiễm khuẩn rất thường gặp, xảy ra với số lượng lớn và thường được ghi nhận trong các loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Tại Việt Nam, tình trạng nhiễm khuẩn vết mổ chiếm tỉ lệ từ 5-10% trong trên khoảng 2 triệu người được phẫu thuật hàng năm.

1. Nhiễm khuẩn vết mổ là gì?

Nhiễm khuẩn vết mổ là hiện tượng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật trong thời gian từ lúc mổ đến 30 ngày sau mổ đối với phẫu thuật không có cấy ghép và đến 1 năm sau mổ với phẫu thuật cấy ghép bộ phận giả.

Có 2 nguồn tác nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ gồm:

  • Vi sinh vật trên người bệnh (tác nhân nội sinh)

Đây là nguồn tác nhân chính gây nhiễm khuẩn vết mổ, gồm các vi sinh vật thường trú trên cơ thể người bệnh, cư trú ở tế bào biểu bì da, niêm mạc hoặc trong các khoang/tạng rỗng của cơ thể như: Khoang miệng, đường tiêu hóa, đường tiết niệu - sinh dục... Một số ít trường hợp vi sinh vật bắt nguồn từ các ổ nhiễm khuẩn ở xa vết mổ, theo đường máu hoặc bạch mạch xâm nhập vào vết mổ và gây nhiễm khuẩn. Các tác nhân gây bệnh nội sinh nhiều khi có nguồn gốc từ môi trường bệnh viện và có tính kháng thuốc cao.

  • Vi sinh vật ngoài môi trường (tác nhân ngoại sinh)

Đây là các vi sinh vật ngoài môi trường xâm nhập vào vết mổ trong thời gian phẫu thuật hoặc khi chăm sóc vết mổ. Các tác nhân này thường bắt nguồn từ:

  • Môi trường khu phẫu thuật: Bề mặt phương tiện, thiết bị, không khí buồng phẫu thuật, nước và phương tiện vệ sinh tay ngoại khoa...
  • Dụng cụ, vật liệu cầm máu, đồ vải phẫu thuật bị ô nhiễm.
  • Nhân viên kíp phẫu thuật: Bàn tay, trên da, từ đường hô hấp...
  • Vi sinh vật cũng có thể xâm nhập vào vết mổ khi chăm sóc vết mổ không tuân thủ đúng nguyên tắc vô khuẩn. Tuy nhiên, vi sinh vật ngoài môi trường xâm nhập vào vết mổ theo đường này thường gây nhiễm khuẩn vết mổ nông, ít gây hậu quả nghiêm trọng.

Các vi sinh vật ngoài môi trường gây bệnh xâm nhập vào vết mổ chủ yếu trong thời gian phẫu thuật theo cơ chế trực tiếp, tại chỗ. Hầu hết các tác nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ là các vi sinh vật định cư trên da vùng rạch da, ở các mô/tổ chức vùng phẫu thuật hoặc từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào vết mổ qua các tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là các tiếp xúc qua bàn tay kíp phẫu thuật.

Nhiễm trùng vết mổ
Vết mổ là môi trường thuận lợi dễ bị nhiễm khuẩn

2. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn vết mổ

Có 4 nhóm yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn vết mổ gồm: Yếu tố người bệnh, yếu tố môi trường, yếu tố phẫu thuật và tác nhân vi sinh vật gây bệnh.

2.1 Yếu tố người bệnh

Những yếu tố liên quan đến người bệnh dưới đây có khả năng làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn vết mổ:

  • Người bệnh đang mắc nhiễm khuẩn tại vùng phẫu thuật hoặc nhiễm khuẩn tại vị trí khác ở xa vị trí rạch da như: phổi, tai mũi họng, đường tiết niệu hay trên da.
  • Người bệnh bị đa chấn thương, vết thương giập nát.
  • Người bệnh mắc tiểu đường: Lượng đường cao trong máu là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển khi xâm nhập vào vết mổ.
  • Người nghiện thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn do co mạch và thiểu dưỡng tại chỗ.
  • Người bệnh suy giảm miễn dịch, người bệnh đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch.
  • Người bị béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
  • Người nằm lâu trong bệnh viện trước khi mổ làm tăng lượng vi sinh vật trên người bệnh.
  • Tình trạng bệnh của người bệnh trước phẫu thuật càng nặng thì nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ sẽ càng cao.

Theo phân loại của Hội Gây mê Hoa Kỳ: người bệnh phẫu thuật có điểm ASA (American Society of Anesthesiologists) đạt 4 điểm và 5 điểm sẽ có tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ cao nhất.

Thang điểm ASA đánh giá tình trạng người bệnh trước phẫu thuật:

Điểm ASA Tiêu chuẩn phân loại
1 điểm Người bệnh khỏe mạnh, không có bệnh toàn thân.
2 điểm Người bệnh khỏe mạnh, có bệnh toàn thân nhẹ.
3 điểm Người bệnh có bệnh toàn thân nặng nhưng vẫn hoạt động bình thường.
4 điểm Người bệnh có bệnh toàn thân nặng đe doạ tính mạng.
5 điểm Người bệnh đang trong tình trạng bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao dù đã được phẫu thuật

2.2 Yếu tố môi trường

Những yếu tố ngoại cảnh bao gồm các vi sinh vật ngoài môi trường cũng làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn vết mổ:

  • Vệ sinh tay ngoại khoa không đủ thời gian hoặc không đúng kỹ thuật.
  • Xà phòng khử khuẩn, vệ sinh vùng rạch da không đúng quy trình, cạo lông không đúng chỉ định, thời điểm và kỹ thuật.
  • Thiết kế buồng phẫu thuật không bảo đảm nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn.
  • Điều kiện khu phẫu thuật không đảm bảo vô khuẩn: Không khí, nước, bề mặt thiết bị, bề mặt môi trường buồng phẫu thuật bị ô nhiễm hoặc không được kiểm soát định kỳ.
  • Dụng cụ y tế: Không đảm bảo vô khuẩn do chất lượng tiệt khuẩn, khử khuẩn hoặc lưu giữ, sử dụng dụng cụ không đúng nguyên tắc vô khuẩn.
  • Nhân viên tham gia phẫu thuật không tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn trong buồng phẫu thuật làm tăng lượng vi sinh vật ô nhiễm: Ra vào buồng phẫu thuật không đúng quy định, không mang hoặc mang phương tiện che chắn cá nhân không đúng quy định, không vệ sinh tay/không thay găng sau mỗi khi tay đụng chạm vào bề mặt môi trường...
Dụng cụ phẫu thuật
Dụng cụ y tế có khả năng khiến vết mổ nhiễm trùng

2.3. Yếu tố phẫu thuật

  • Thời gian phẫu thuật: Thời gian phẫu thuật càng dài thì nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ càng cao.
  • Loại vết mổ: Phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật nhiễm và bẩn có nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ cao hơn so với các loại phẫu thuật khác.

Phân loại vết mổ và nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ

Loại vết mổ Định nghĩa Nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ (%)
Sạch Là những phẫu thuật không có nhiễm khuẩn, không mở vào đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục và tiết niệu. Các vết thương sạch được đóng kín kỳ đầu hoặc được dẫn lưu kín. Các phẫu thuật sau chấn thương kín. 1-5
Sạch nhiễm Là các phẫu thuật mở vào đường hô hấp, tiêu hoá, sinh dục và tiết niệu
trong điều kiện có kiểm soát và không bị ô nhiễm bất thường. Trong trường hợp đặc biệt, các phẫu thuật đường mật, ruột thừa, âm đạo và hầu họng được xếp vào loại vết mổ sạch nhiễm nếu không thấy có bằng chứng nhiễm khuẩn/ không phạm phải lỗi vô khuẩn trong khi mổ.
5-10
Nhiễm Các vết thương hở, chấn thương có kèm vết thương mới hoặc những phẫu thuật để xảy ra lỗi vô khuẩn lớn hoặc phẫu thuật để thoát lượng lớn dịch từ đường tiêu hoá. Những phẫu thuật mở vào đường sinh dục tiết niệu, đường mật có nhiễm khuẩn, phẫu thuật tại những vị trí có nhiễm khuẩn cấp tính nhưng chưa hoá mủ. 10-15
Bẩn Các chấn thương cũ kèm theo mô chết, dị vật hoặc ô nhiễm phân. Các phẫu thuật có nhiễm khuẩn rõ hoặc có mủ. >25

  • Thao tác: Phẫu thuật làm tổn thương, bầm giập nhiều mô tổ chức, mất máu nhiều, vi phạm nguyên tắc vô khuẩn trong phẫu thuật làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn vết mổ.
  • Một số nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn liên quan tới phẫu thuật gồm: Phẫu thuật sạch – nhiễm, phẫu thuật nhiễm và phẫu thuật bẩn, các phẫu thuật kéo dài > 2 giờ, các phẫu thuật ruột non, đại tràng.

2.4. Yếu tố vi sinh vật

  • Mức độ ô nhiễm, độc lực và tính kháng kháng sinh của vi khuẩn càng cao, xảy ra ở người bệnh có sức đề kháng càng yếu thì nguy cơ mắc nhiễm khuẩn càng lớn.
  • Sử dụng rộng rãi các kháng sinh phổ rộng ở người bệnh là yếu tố quan trọng làm tăng tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, qua đó làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn vết mổ.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan