Chẩn đoán sỏi đường mật trong gan bằng phương pháp y tế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Nguyễn Vân Anh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sỏi đường mật là bệnh tạo sỏi trong hệ thống đường dẫn mật và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Có nhiều phương pháp chẩn đoán sỏi đường mật trong gan bằng cách siêu âm, chụp cản quang đường mật, nội soi qua đoạn II tá tràng,...

1. Sỏi đường mật là gì?

Sỏi đường mật ở gan là bệnh tạo sỏi trong hệ thống đường dẫn mật bao gồm: Túi mật và đường dẫn mật. Thành phần của sỏi bao gồm:

  • Sỏi cholesterol chiếm 14,8%. Loại sỏi này không cản quang và thường chỉ có một viên, màu vàng sẫm, hình bầu dục hoặc tròn.
  • Sỏi sắc tố mật chiếm 3,2%. Loại sỏi này nhỏ và cứng, có màu xanh hoặc nâu hoặc óng ánh đen, thành phần có sắc tố mật và calcium, kém cản quang.
  • Sỏi hỗn hợp chiếm 52%: Thành phần chủ yếu là cholesterol 94%, sắc tố mật 3%, calcium 2%. Loại sỏi này cản quang và thường có nhiều viên.
  • Sỏi carbonat calcium: sỏi có thể phối hợp hoặc không phối hợp với bilirubin calcique, sỏi có tính cản quang.
  • Sỏi túi mật thường là sỏi cholesterol, sỏi đường mật thường là do sắc tố mật gây nên. Bệnh sỏi mật với bệnh viêm đường mật thường có quan hệ nhân quả.

2. Nguyên nhân gây ra sỏi đường mật

Sỏi đường mật trong gan thường là sỏi bilirubin. Nguyên nhân sinh sỏi phần lớn do nhiễm trùng dịch mật, các vi khuẩn làm thay đổi khả năng hòa tan của bilirubin trong dịch mật, khiến chúng kết tụ tạo thành sỏi hoặc ứ mật trong gan.

Sỏi mật trong gan rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm ngay khi bệnh chớm xuất hiện. Do đó, việc chẩn đoán sớm và điều trị đóng vai trò hết sức quan trọng để bảo tồn chức năng gan.

Sắc tố sỏi mật
Sỏi sắc tố mật

3.Chẩn đoán sỏi mật trong gan

3.1 Chẩn đoán lâm sàng

Sỏi đường mật gây ra các triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào kích thước sỏi, tính chất sỏi và vị trí sỏi. Một số triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Cơn đau quặn mật: Thường khởi phát ít đột ngột hơn và mức độ đau cũng ít hơn.
  • Vàng da: Thường nhẹ, phân có màu nhạt, nước tiểu sậm màu. Đối với sỏi đường mật trong gan thường phải có sỏi ở cả hai thùy gan mới gây ra vàng da trên lâm sàng.
  • Sốt: Triệu chứng này được xem là dấu hiệu của viêm đường mật.

3.2 Chẩn đoán cận lâm sàng

xét nghiệm Gastrin
Xét nghiệm lượng bạch cầu trong máu chẩn đoán sỏi mật trong gan

3.2.1 Xét nghiệm

Tùy thuộc vào thể lâm sàng bệnh nhân bị sỏi đường mật mà kết quả xét nghiệm có thể có:

  • Tăng bilirubin huyết tương, chủ yếu là bilirubin trực tiếp
  • Tăng aminotransferase huyết tương
  • Tăng amylase, lipase huyết tương
  • Tăng số lượng bạch cầu, tỷ lệ neutrophil tăng. Trong viêm đường mật, số lượng bạch cầu thường trong khoảng 12000-18000.
  • Thời gian prothrombin kéo dài
  • Cấy máu: Có kết quả dương tính trong 50% các trường hợp

Ngoài ra, xét nghiệm máu có thể tìm ra các biến chứng như nhiễm trùng, vàng da, viêm tụy hoặc các biến chứng khác do sỏi mật gây ra.

3.2.2 Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán sỏi đường mật trong gan bằng hình ảnh bao gồm:

  • Siêu âm: Phương tiện chẩn đoán cho kết quả hạn chế, độ nhạy trong chẩn đoán sỏi ống mật chủ 60-70%, chẩn đoán giãn ống mật chủ 90%. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm là biện pháp không xâm lấn, tiết kiệm kinh tế. Vì vậy siêu âm là phương tiện được lựa chọn đầu tiên khi có nghi ngờ sỏi đường mật. Siêu âm qua nội soi có giá trị chẩn đoán cao hơn, nhưng lại là biện pháp chẩn đoán xâm lấn và đắt tiền.
  • Chụp CT: CT có giá trị cao trong chẩn đoán giãn đường mật trong và ngoài gan nhưng còn hạn chế trong chẩn đoán sỏi ống mật chủ, độ nhạy 75-90%. Đối với sỏi gan chụp CT sẽ là chỉ định đầu tiên.
  • Chụp hình đường mật cộng hưởng từ với Gadolinium có giá trị chẩn đoán rất cao, với độ nhạt 95% và độ đặc hiệu 89%.
  • ERCP: Là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị sỏi ống mật chủ. Trên ERCP sỏi đường mật biểu hiện bằng những vùng khuyết thuốc cản quang có hình đa giác. Các dấu hiệu khác có thể gặp như thuốc kém xuống tá tràng, dãn đường mật,...
  • PTC: Được chỉ định đối với sỏi gan hoặc ở bệnh nhân đã được cắt bán phần dạ dày không thể làm ERCP
ERCP nội soi sỏi mật
ERCP nội soi sỏi mật

3.2.3 Chẩn đoán phân biệt

Các triệu chứng của sỏi đường mật trong gan có thể nhầm lẫn với một số bệnh như hẹp đường mật, viêm tụy cấp, viêm đường mật,... Vì vậy, cần chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý trên.

  • Hẹp đường mật: Hẹp đường mật có thể là hậu quả của viêm đường mật nhiễm trùng, viêm đường mật tự miễn, viêm xơ hóa đường mật nguyên phát. Những nguyên nhân gây hẹp đường mật thường là tổn thương đường mật trong phẫu thuật cắt túi mật
  • Ung thư đường mật và ung thư quanh bóng Vater: Bệnh nhân vàng da tăng dần mà không có sốt và đau bụng. Chẩn đoán xác định dựa vào ERCP hoặc PTC.
  • Viêm tụy mạn: Bệnh nhân đau bụng thường âm ỉ, liên tục, lan ra sau lưng và tăng lên khi ăn uống. Tiêu chảy phân xảy ra khi chức năng tụy bị suy giảm đến 90%. Chụp X-quang bụng có thể thấy tụy bị hóa vôi. Chẩn đoán xác định dựa vào CT, ERCP, MRCP,...
  • Viêm đường mật xơ gan: Là tình trạng xơ hóa đường mật trong và ngoài gan không do bất kỳ một nguyên nhân thực thể nào khác. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là vàng da kèm ngứa, ít khi xảy ra nhiễm trùng đường mật. Chẩn đoán dựa vào ERCP.

Tóm lại, sỏi đường mật trong gan là bệnh tạo sỏi trong hệ thống đường dẫn mật và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Sỏi mật rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm ngay khi bệnh chớm xuất hiện. Do đó, việc chẩn đoán sớm và điều trị đóng vai trò hết sức quan trọng để bảo tồn chức năng gan. Một số biện pháp chẩn đoán sỏi đường mật bao gồm: Siêu âm, chụp CT,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan