Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón trong đốt sóng cao tần điều trị u gan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Hoàng - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Vũ Huy Hoàng đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (CBCT) là kỹ thuật rất hiệu quả trong hỗ trợ đốt sóng cao tần điều trị u gan. Chụp CBCT có thể được thực hiện bằng các máy chụp mạch DSA thế hệ mới.

1. Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón trong đốt sóng cao tần điều trị u gan là gì?

1.1. Phương pháp đốt sóng cao tần điều trị u gan

Đốt sóng cao tần điều trị u gan là phương pháp hiệu quả để điều trị u gan có kích thước nhỏ hơn 5cm. Phương pháp đốt sóng cao tầng đặc biệt có kết quả tốt với những bệnh nhân có dưới 3 khối u và kích thước mỗi khối u dưới 3cm. Đối với những khối u gan có kích thước lớn hơn, có thể kết hợp phương pháp đốt sóng cao tần với những phương pháp điều trị ung thư gan khác như nút mạch gan hóa chất, tiêm cồn tuyệt đối hoặc acid acetic để làm tăng hiệu quả của đốt sóng cao tần.

Nguyên tắc của phương pháp đốt sóng cao tần là biến dòng điện xoay chiều thành nhiệt năng. Một kim đốt sóng được chọc vào trung tâm khối u, dòng điện sẽ được truyền vào, sinh ra nhiệt để làm hoại tử khối u. Dòng điện sẽ được điều chỉnh để đảm bảo sinh ra nhiệt ở mức 60-100 độ C. Đây là nhiệt độ có thể gây tiêu diệt tế bào khối u tức thời. Thời gian thực hiện đốt sóng cao tần thường kéo dài từ 8-12 phút, tùy trường hợp cụ thể.

Đốt sóng cao tần RFA
Đốt sóng cao tần điều trị u gan có hiệu quả với những khối u lớn

1.2. Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón trong đốt sóng cao tần điều trị u gan

Để đảm bảo chính xác trong quá trình can thiệp, phương pháp đốt sóng cao tần cần sự hỗ trợ của các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Thông thường, đốt sóng cao tần thường được thực hiện ở phòng can thiệp điện quan vì đây là những phòng vừa có tính chất vô khuẩn giống phòng mổ vừa có sự hỗ trợ từ các thiết bị như máy chụp mạch xóa nền DSA, máy siêu âm, phương tiện gây mê hồi sức,..

Các máy chụp mạch DSA thế hệ mới có thể được sử dụng để chụp cắt lớp vi tính. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính ngay trên bàn chụp mạch mạch gọi là chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (CBCT).

Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón sẽ được thực hiện vào hai thời điểm, đó là:

  • Chụp ngay trước khi khởi động máy đốt sóng cao tần để đảm bảo chắc chắn kim đốt sóng đã nằm đúng vị trí trong khối u cần can thiệp.
  • Chụp sau khi đốt sóng cao tần để xác định phạm vi hoại tử và tồn dư của khối u.

Phương pháp chống chỉ định tuyệt đối với những bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Đối với những bệnh có khối u gan trung tâm, khối u gan dưới vỏ cạnh các cấu trúc ống tiêu hóa, người bệnh có tiền sử nối mật ruột,... Bác sĩ phải cân nhắc hết sức thận trọng trước khi thực hiện.

Rối loạn đông máu
Bệnh nhân rối laoạn đông máu chống chỉ định thực hiện

2. Chuẩn bị trước khi thực hiện chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón trong đốt sóng cao tần điều trị u gan

Ê-kíp thực hiện bao gồm bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ phụ, kỹ thuật viên điện quang, điều dưỡng, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên gây mê. Các trang thiết bị cần thiết là máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) có chức năng chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (CBCT); máy bơm điện chuyên dụng; máy điều trị sóng cao tần; phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh cùng bộ áo chì, tạp dề để che chắn tia X.

Về phía người bệnh, để chuẩn bị cho thủ thuật, người bệnh sẽ được nhân viên y tế tư vấn về tình trạng bệnh, giải thích kỹ về thủ thuật để phối hợp với ê kíp thực hiện. Người bệnh cần nhịn ăn 6 giờ trước khi thực hiện, có thể uống nước nhưng không quá 50ml.

Hệ thống DSA
Máy chụp mạch số hóa xóa nền cần được chuẩn bị khi tiến hành thủ thuật

3. Các bước thực hiện chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón trong đốt sóng cao tần điều trị u gan

  • Tại phòng can thiệp, người bệnh nằm ngửa trên bàn thực hiện thủ thuật. Ê-kíp tiến hành lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, điện tâm đồ, SpO2. Sau đó, sát trùng da và phủ khăn vô khuẩn có lỗ. Nếu người bệnh kích thích, không nằm yên, bác sĩ sẽ chỉ định cho thuốc an thần.
  • Người bệnh được giảm đau bằng cách gây mê, tiền mê hoặc giảm đau toàn thân.
  • Bác sĩ tiến hành chọc kim đốt sóng cao tần vào khối u qua da dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính.
  • Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón để chắc chắn kim đốt sóng nằm đúng vị trí trung tâm khối u.
  • Sau khi đã đảm bảo kim đốt sóng cao tần nằm ở đúng vị trí, tiến hành khởi động máy đốt sóng cao tần. Tùy theo kích thước khối u, thời gian điều trị có thể từ 8-12 phút. Tiến hành đốt đường ra trong quá trình rút kim ra khỏi gan.
  • Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón để xác định phạm vi hoại tử và tồn dư của khối u. Đốt sóng cao tần đạt kết quả tốt khi diện tích kim đốt sóng phá hủy rộng hơn diện tích khối u 1-1.5cm và không gây tổn thương cơ quan lân cận.
gây mê
Gây mê trong quá trình thực hiện thủ thuật giúp người bệnh giảm đau

4. Các biến chứng có thể gặp khi thực hiện chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón trong đốt sóng cao tần điều trị u gan

Biến chứng thường gặp ngay sau can thiệp là:

  • Chảy máu ổ bụng: Bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ các yếu tố huyết động. Nếu thiếu máu nhiều sẽ được truyền máu và các yếu tố đông máu. Nếu điều trị nội khoa không có hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để cầm máu.
  • Thủng tạng rỗng: Thường được theo dõi nội khoa và điều trị bằng kháng sinh. Nếu không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để khâu vết thủng.

Biến chứng muộn thường gặp là hẹp đường mật. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng thì có thể không cần can thiệp. Nếu bệnh nhân có biến chứng nhiễm trùng đường mật, vàng da thì phải được phẫu thuật để nong và dẫn lưu đường mật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

362 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan