Duy trì gây mê: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Duy trì mê là giai đoạn tiếp sau của giai đoạn khởi mê (dẫn mê). Ở giai đoạn này người bệnh đã rơi vào tình trạng ngủ mê, mất ý thức, mất cảm giác, cơ thể dần ổn định sau những tác động của giai đoạn dẫn mê và cuộc phẫu thuật sẽ thường bắt đầu ở gia đoạn này . Tuy vậy, ở giai đoạn này sự an toàn của bệnh nhân vẫn có thể bị đe dọa bởi các tác động của phẫu thuật và thuốc gây mê cũng như các biểu hiện của bệnh lý tiềm tàng có sẵn của người bệnh, do đó giai đoạn này cần theo dõi chặt để phòng ngừa, phát hiện sớm và xử trí những biến chứng xảy ra.

1. Duy trì mê là gì?

Sau giai đoạn dẫn mê, sử dụng các loại thuốc mê như an thần, gây ngủ, giảm đau, giãn cơ, chống nôn... đủ để người bệnh đi vào trạng thái mất ý thức tạm thời, giảm đau, đặt nội khí quản thông khí, thì tiếp theo là giai đoạn duy trì mê.

Duy trì mê được bắt đầu từ ngay sau khi dẫn mê (khởi mê), khi tình trạng của bệnh nhân ổn định trạng thái nằm yên, ổn định hô hấp, tuần hoàn, giãn cơ, phẫu thuật viên sẽ tiến hành phẫu thuật trong thời kỳ này cho đến khi ngưng sử dụng thuốc mê thì người bệnh sẽ dần tỉnh lại.

Thời điểm này dù bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê nhưng vẫn phải sử dụng một lượng thuốc mê bằng đường tĩnh mạch hay đường hô hấp để duy trì độ mê cũng như giảm đau và giãn cơ phù hợp với từng loại phẫu thuật và kéo dài suốt thời gian phẫu thuật..

2. Các thuốc được dùng duy trì mê

Một số loại thuốc thường được dùng để duy trì mê như: thuốc mê hô hấp, thuốc mê tĩnh mạch, thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau....

2.1 Thuốc gây mê đường hô hấp thường dùng

  • Nitơ oxit

Là thuốc gây mê thuộc thể khí, không màu.

Thuốc được dùng phối hợp với các loại thuốc khác để gây mê trong các phẫu thuật lớn, kéo dài.

Gây mê
Nitơ oxit là thuốc gây mê thể khí không màu

Chống chỉ định của thuốc nitơ oxit:

Tác dụng của thuốc:

  • Trên thần kinh trung ương: Với nồng độ trên 60% gây mất ý thức, giảm đau nhẹ, không ảnh hưởng tới trung tâm nôn. Tăng áp lực nội sọ nhẹ. Tác dụng gây mê yếu nên khi sử dụng cần phối hợp với các thuốc mê khác.
  • Trên tim mạch: Làm giảm sức bóp cơ tim, tăng nhẹ nhịp tim. Huyết áp ít bị ảnh hưởng.

Tác dụng không mong muốn:

  • Thiếu oxy khi nồng độ trong máu lớn hơn 70%
  • Có thể gây ra buồn nôn, nôn.
  • Gây giãn nở khí trong các khoang tự nhiên.

Thuốc mê nhóm halogen

Là thuốc gây mê thuốc thể lỏng bốc hơi, không màu, gồm một số loại thuốc như isoflurane, Sevorane, Halothan...

Thuốc được sử dụng trong duy trì mê trong các phẫu thuật ở người lớn và trẻ em, gây mê ngoại trú

Chống chỉ định:

  • Tuyệt đối: Tiền sử bản thân hoặc gia đình bị tăng thân nhiệt ác tính, nhạy cảm với Halogen, mắc bệnh rối loạn chuyển hóa Porphyrin
  • Tương đối: Phụ nữ mang thai, người bệnh thiếu khối lượng tuần hoàn.

Tác dụng của thuốc:

  • Tác dụng trên thần kinh trung ương: Làm mất ý thức, thuốc không có tác dụng giảm đau, ức chế trung tâm hô hấp, nhiệt độ và vận mạch, giảm tiêu thu oxy cho tế bào não.
  • Trên tim mạch: Làm giảm sức co bóp cơ tim nhẹ, tăng nhịp tim, giảm tiêu thụ oxy cơ tim.
  • Trên hô hấp: Giãn phế quản, giảm thể tích lưu thông và tần số thở.
  • Ít ảnh hưởng tới gan, gây giãn cơ và giảm áp lực nội nhãn.

Tác dụng không mong muốn:

  • Có thể gây biến chứng phù nề, co thắt thanh quản dẫn đến suy hô hấp
  • Nôn và buồn nôn
  • Sốt ác tính.
Suy hô hấp
Tác dụng phụ của thuốc gây mê nhóm halogen có thể gây suy hô hấp

2.2 Thuốc mê đường tĩnh mạch

Một số loại thuốc mê tĩnh mạch được dùng để duy trì mê bao gồm:

  • Thiopental

Chỉ định trong khởi mê và duy trì mê phối hợp với các loại thuốc khác.

Chống chỉ định:

  • Tuyệt đối: Thiếu phương tiện hồi sức nên không gây mê cho bệnh nhân ngoại trú. Rối loạn chuyển hóa porphyrin, bị hen phế quản, có tiền sử dị ứng với Barbituric
  • Tương đối: Suy gan, suy thận, suy vành, suy tim nặng. Thiếu máu, tình trạng suy dinh dưỡng.

Tác dụng:

  • Có tác dụng an thần, gây ngủ, gây mê tùy thuộc liều, không có tác dụng giảm đau. Tăng tưới máu tế bào não.
  • Trên tim mạch: Giảm sức co bóp cơ tim, tăng nhịp tim, tăng cung lượng vành, tăng nhu cầu oxy cơ tim.
  • Trên hô hấp: Ức chế trung tâm hô hấp, giảm thể tích lưu thông khí.
  • Giảm máu đến gan thận, có thể qua nhau thai, gây giảm thân nhiệt.

Tác dụng không mong muốn:

Gây kích thích, run cơ khi khởi mê, gây ho, nôn và buồn nôn.

gây mê an thần
Thuốc mê đường tĩnh mạch được tiêm trực tiếp vào cơ thể
  • Ketamin

Chỉ định: Dùng để gây mê đơn thuần hay phối hợp với các thuốc khác, ưu điểm của thuốc này có thể gây mê cho bệnh nhân lớn tuổi, trẻ em, bệnh nhân bị hen phế quản, bỏng, sản khoa, bệnh nhân trong tình trạng sốc, kết hợp tê vùng.

Chống chỉ định:

  • Tuyệt đối: rối loạn chuyển hóa porphyrin. Thiếu phương tiện hồi sức. Tai biến mạch máu não, tăng áp lực nội sọ, phình mạch não. Suy mạch vành, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim mới. Tiền sản giật, sản giật.
  • Tương đối: cường giáp trạng. Nghiện rượu, ma tuý. Động kinh, tâm thần phân liệt. Phẫu thuật mắt. Phẫu thuật tạng sâu, phẫu thuật hầu họng, phế quản.

Tác dụng của thuốc:

  • Trên thần kinh trung ương: Gây mê, giảm đau, tăng trương lực cơ.
  • Trên tim mạch: Tăng huyết áp động mạch, tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim, tăng nhu cầu oxy cơ tim.
  • Trên hô hấp: Giảm tiết nước bọt, tăng tiết dịch phế quản ở trẻ nhỏ, không làm mất phản xạ hô hấp, giãn phế quản.
  • Thuốc có thể đi qua hàng rào nhau thai, nhưng không ảnh hưởng tới thai nhi, gây tăng áp lực nội nhãn.

Tác dụng phụ: Gây nôn và buồn nôn, tăng tiết nước bọt, giảm hoặc ngừng thở, gây ảo giác kích thích rối loạn tâm thần.

Các thuốc mê tĩnh mạch khác an toàn hơn, gây mê và tỉnh mê êm dịu, ít tác dụng phụ, được dùng thường xuyên hơn trong các kỹ thuật duy trì mê mới như TCI, TIVA là:

  • Propofol
  • Etomidate

3. Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình duy trì mê

Cũng như bất kỳ giai đoạn nào trong gây mê, thì quá trình duy trì mê cũng có thể xảy ra những biến chứng. Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình duy trì mê bao gồm:

  • Thiếu oxy: Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu oxy có thể do cản trở đường hô hấp trên, tắc đường hô hấp trên, biện pháp hô hấp nhân tạo hay tư thế người bệnh trong phẫu thuật không tốt gây giảm thông khí, mất cân bằng thông khí tại phổi, tổn thương phổi do các thao tác phẫu thuật hoặc gây mê, gây mê bằng nitơ oxit khi nồng độ lớn hơn 70% có nguy cơ bị thiếu oxy. Biểu hiện: Giảm Sp02, tím tái, loạn nhịp tim,...
  • Thừa C02: Do cản trở đường hô hấp, giảm thông khí phổi làm cho ứ C02, do tăng tạo C02 khi sốt cao ác tính, giảm hấp thu C02 trong khí thở ra do chất lượng vôi hấp thu kém, sử dụng thuốc mê nito oxit trên 70%. Người bệnh có dấu hiệu huyết áp tối đa tăng, huyết áp tối thiểu giảm, mạch nhanh, vã mồ hôi. Lúc này cần tìm nguyên nhân và tăng thông khí để thải C02 qua đường thở.
vã mồ hôi
Thừa CO2 gây ảnh hưởng trực tiếp tới huyết áp của người bệnh
  • Chảy máu: Nguy cơ chảy máu do tác động của phẫu thuật, nếu chảy máu nhiều người bệnh cần được truyền máu, điều trị nguyên nhân gây chảy máu
  • Ngừng tuần hoàn: Nguyên nhân gây ra hiện tượng này có thể do người bệnh bị quá liều thuốc gây mê, phản xạ khi kích thích dây thần kinh X, phản xạ gặp trong phẫu thuật lồng ngực, mất máu nhiều, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giản, phù phổi, thuyên tắc phổi...; Yếu tố thuận lợi gây ra ngừng tuần hoàn là tình trạng thiếu oxy và thừa C02. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện không thấy mạch, không thấy nhịp tim, EtC02...trên Monitor và các biện pháp theo dõi lâm sàng. Trường hợp này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh cần xử lý ngay bằng cách tìm và xử lý nguyên nhân, nghưng phẫu thuật, hồi sinh tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực hoặc bóp tim trong lồng ngực khi phẫu thuật mở ngực, kết hợp truyền dịch, dùng thuốc trợ tim mạch.
  • Thay đổi nhịp tim: Mạch của người bệnh có thể bị tăng nhanh hoặc bị chậm do độ mê, ảnh hưởng của thuốc mê, thao tác phẫu thuật, đau...
  • Nấc: Do kích thích dây thần kinh X, dạ dày căng. Người bệnh được xử lý tùy theo nguyên nhân gây ra nấc.
  • Hạ thân nhiệt: Khi phẫu thuật thân nhiệt của người bệnh có thể bị hạ do nhiệt độ phòng mổ thấp, vùng phẫu thuật rộng, phơi bày phủ tạng, truyền dịch lạnh.

Để phát hiện sớm và phòng ngừa những tai biến này, tại bệnh viện Vinmec, ngoài công tác đào tạo, huấn luyện con người một cách liên tục, thì các công cụ máy móc hiện đại thường được sử dụng để theo dõi sát quá trình phẫu thuật. Những máy theo dõi được sử dụng như máy monitor theo dõi điện tim, nhịp tim, huyết áp, nồng độ Sp02 trong máu, máy đo C02 trong hơi thở, đo lưu lượng tim, đo độ giãn cơ, đo nồng độ khí mê, đo độ đau, độ mê...

Việc sử dụng các loại máy móc hiện đại để theo dõi biến chứng trong quá trình phẫu thuật đã giúp theo dõi, phát hiện sớm và giảm đáng kể những biến cố do tai biến trong giai đoạn này gây ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan