Đau dây thần kinh nguyên nhân do đâu?

Đau là một biểu hiện không bình thường của cơ thể, là một triệu chứng thường gặp trên lâm sàng. Đau có thể chia thành ba dạng dựa vào nguyên nhân gây nên cảm giác đau: đau do cảm thụ thần kinh, đau do nguyên nhân thần kinh và đau do nguyên nhân tâm lý. Ở bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể hơn về đau do nguyên nhân thần kinh.

1. Đau do nguyên nhân thần kinh là gì?

Đau do nguyên nhân thần kinh là một lĩnh vực y học phức tạp. Đau do nguyên nhân thần kinh là một phản ứng không thích hợp gây ra bởi một tổn thương hoặc rối loạn chức năng trong hệ thống thần kinh ngoại biên hoặc trung ương.

Đau thường được chẩn đoán do nguyên nhân thần kinh khi đau không tương xứng với tổn thương mô, rối loạn cảm giác (như bỏng rát, ngứa ran...) và các dấu hiệu thương tổn của dây thần kinh được phát hiện trong quá trình thăm khám.

Đau do nguyên nhân thần kinh có thể biểu hiện tự nó như là: đau không có tác nhân kích thích (đau không do kích thích đau) và hoặc đau quá mức tạo ra sau một kích thích (đau do kích thích đau).

Trong đó, đau không do kích thích bao gồm các triệu chứng sau:

  • Đau bỏng rát, liên tục;
  • Đau nhói, từng cơn, có thể là đau như bị bắn;
  • Đau như điện giật;
  • Tăng cảm đau (Hyperalgesia): là tình trạng tăng đáp ứng kích thích đau ở những trường hợp có kích thích dưới ngưỡng gây đau.
  • Dị cảm (Paresthesia): cảm giác bất thường thường không do kích thích bên ngoài như kiến bò, tê như kim chích, ngứa râm ran hay nóng bỏng...
  • Loạn cảm đau (Allodynia): là cảm giác bất thường, không dễ chịu.

Đau có thể biểu hiện sau tổn thương thần kinh ở bất kỳ mức độ nào. Có thể sau tổn thương thần kinh ngoại vi hoặc trung ương; có thể có sự tham gia của cả hệ thần kinh giao cảm (đau kéo dài nguyên nhân giao cảm).

Các hội chứng cụ thể bao gồm: đau dây thần kinh sau herpes (đau sau zona thần kinh), đau kiểu rễ thần kinh, đau do tổn thương đơn dây thần kinh, đau đa dây thần kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, đau do đái tháo đường, các hội chứng đau sau phẫu thuật (hội chứng sau phẫu thuật tuyến vú, hội chứng sau mổ lồng ngực, đau chi ma) và hội chứng đau vùng phức tạp (loạn trương lực giao cảm và đau cơ), đau sau đột quỵ.

2. Cơ chế cơ bản của các triệu chứng đau do nguyên nhân thần kinh

Các cơ chế cơ bản của các triệu chứng đau do nguyên nhân thần kinh:

  • Nhạy cảm ngoại vi;
  • Phóng điện lạc chỗ;
  • Nhạy cảm trung ương;
  • Tái cấu trúc trung ương của sợi Aβ;
  • Mất kiểm soát ức chế.
đau dây thần kinh
Đau do nguyên nhân thần kinh là một lĩnh vực y học phức tạp

3. Chẩn đoán đau do nguyên nhân thần kinh khi nào?

Đánh giá lâm sàng, nghi ngờ đau thần kinh khi các triệu chứng đặc trưng có hoặc nghi ngờ tổn thương dây thần kinh.

  • Nguyên nhân có thể nhận thấy dễ dàng (ví dụ: đái tháo đường...).
  • Dựa trên mô tả triệu chứng.
  • Đau dai dẳng do nguyên nhân giao cảm được cải thiện khi phong bế thần kinh giao cảm.

4. Đánh giá đau nguyên nhân do thần kinh

Thang điểm đau là các công cụ có sẵn để đánh giá chất lượng, cường độ, vị trí, kiểu đau. Trước khi điều trị, sử dụng cùng một thang điểm để đánh giá và theo dõi đáp ứng điều trị của bệnh nhân theo thời gian. Một số những công cụ thường được sử dụng để đánh giá đau thần kinh như sau:

4.1. Thang điểm phân loại đau

Thang điểm phân loại đau sử dụng các từ ngữ để mô tả mức độ đau hoặc cường độ đau. Ví dụ, cường độ đau được đánh giá trên thang điểm phân loại 4 điểm như: không đau ~ 0, đau nhẹ ~ 1, đau ~ 2 và đau nặng ~ 3.

4.2.Thang điểm đánh giá bằng mắt thường [Visual analogue scales (VAS)]

Đây là một trong những thang điểm đơn giản nhất, được ứng dụng phổ biến nhất: Bệnh nhân được yêu cầu chia cấp độ đau của họ trên một đường ngang dài 100mm (Ví dụ, 0 mm tương đương với không đau & 100 mm tương đương với đau nhiều nhất).

VAS còn được sử dụng để đánh giá hiệu quả của điều trị: 0mm tương đương giảm đau hoàn toàn và 100mm tương đương không giảm đau.

4.3. Thang điểm đánh giá đau bằng lời nói [Verbal rating scales]

Tương tự như thang điểm VAS nhưng mức độ đau được đánh giá trên thang điểm từ 0 đến 10, (0= không đau và 10= đau dữ dội).

4.4. Bảng câu hỏi đau của McGill (MPQ)

Bảng này gồm các câu hỏi mô tả về cảm giác đau, đánh giá đau, ảnh hưởng của đau cùng với thang điểm cường độ và các câu hỏi khác. Bệnh nhân hoàn thành bảng câu hỏi bao gồm các nội dung sau:

  • Vị trí đau;
  • Mô tả cảm giác;
  • Các kiểu đau, thay đổi theo thời gian;
  • Đánh giá cường độ cơn đau theo thang điểm từ 1 (đau nhẹ) đến 5 (dữ dội).

Bảng câu hỏi đau của McGill (MPQ) là một bảng câu hỏi toàn diện về đánh giá đau tổng thể. Vậy nên đây là một công cụ nhạy cảm để đánh giá điều trị giảm đau. Tuy nhiên, các câu hỏi khá phức tạp dẫn tới việc nó bị hạn chế ứng dụng trong thực hành lâm sàng hàng ngày.

4.5. Thang điểm đau thần kinh [The Neuropathic Pain Scale (NPS)]

NPS được thiết kế để đánh giá đau trong các hội chứng đau thần kinh đã được xác nhận là nhạy cảm để đánh giá kết quả điều trị. NPS gồm 10 câu hỏi đánh giá về cường độ, mức độ khó chịu, chất lượng và trình tự thời gian của cơn đau:

Một số câu hỏi mẫu vể thang điểm đau thần kinh như sau:

Hãy cho chúng tôi biết Ông/bà đau dữ dội như thế nào ?

đau dây thần kinh

Hãy cho chúng tôi biết Ông/bà cảm thấy đau nhói như thế nào?

đau dây thần kinh

4.6. Sổ ghi chép của bệnh nhân

Một số bệnh nhân có thể thường xuyên ghi chép lại các cơn đau. Việc này có thể cung cấp một công cụ hữu ích và đáng tin cậy để đánh giá đau trên một cơ sở liên tục hơn so với hồi ức của người bệnh lúc thăm khám​​.

4.7. Thang đo chất lượng sống (QoL)

Có nhiều thang QoL khác nhau. Thang Short- form-36 (SF-36) là thang điểm rất phổ biến, thường được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng. SF-36 gồm 36 câu hỏi đánh giá về 8 lĩnh vực chất lượng sống như: hoạt động thể chất, vai trò của thể chất, đau cơ thể, sức khỏe tâm thần, vai trò cảm xúc, chức năng xã hội, dấu hiệu sinh tồn và sức khỏe nói chung. SF-36 cung cấp một bức tranh toàn diện về chất lượng cuộc sống. Vì vậy, điều trị giảm đau nên có tác động tích cực trên tổng thể chất lượng cuộc sống.

đau dây thần kinh
Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị đau do nguyên nhân thần kinh

5. Đau do nguyên nhân thần kinh điều trị như thế nào?

Đau do nguyên nhân thần kinh thường được điều trị bằng nhiều phương pháp kết hợp:

  • Điều trị yếu tố tâm lý;
  • Phương pháp vật lý, phục hồi chức năng;
  • Điều trị bằng thuốc:

Thuốc chống trầm cảm (clomipramin, imipramin, amitriptylin), thuốc chống co giật (gabapentin, pregabalin), thuốc dùng ngoài như cao dán 5% lidocain có thể hiệu quả với các hội chứng đau ngoại biên. Thuốc giảm đau opioid có thể giúp giảm đau, nhưng nhìn chung ít hiệu quả trong đau cảm thụ cấp và tác dụng phụ làm cản trở tác dụng giảm đau đầy đủ.

Người bệnh có thể được thực hiện phẫu thuật trong một số trường hợp cần thiết. Một số phương pháp điều trị hiệu quả tiềm năng khác bao gồm:

  • Kích thích tủy sống bằng điện cực đặt ngoài màng cứng được dùng trong các trường hợp đau thần kinh nhất định (ví dụ như đau chân mãn tính sau phẫu thuật cột sống).
  • Cấy điện cực dọc dây hạch và các dây thần kinh ngoại biên ở một số bệnh đau thần kinh mạn tính.
  • Phong bế thần kinh giao cảm ở một số bệnh nhân có hội chứng đau cục bộ phức tạp.

Đối với đau do các tổn thương thần kinh ngoại vi, người bệnh cần phải cố gắng để ngăn ngừa, loại bỏ tình trạng teo cơ và cứng khớp.

Trong quá trình điều trị đau do nguyên nhân thần kinh, người bệnh phải luôn cân nhắc các yếu tố tâm lý từ khi bắt đầu điều trị. Phải điều trị lo âu và trầm cảm một cách thích hợp. Đối với những bệnh nhân có biểu hiện rối loạn chức năng đã trở nên bền vững thì cần được tiếp cận toàn diện tại cơ sở chuyên khoa về giảm đau, thần kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan