Dấu hiệu cảnh báo bệnh tim: đừng bỏ qua những triệu chứng này

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Những triệu chứng như đau ngực, khó thở, hạ huyết áp.... nếu lặp đi lặp lại liên tục sẽ là những báo hiệu điển hình rằng bạn đang mắc bệnh lý tim mạch. Thăm khám và điều trị sớm là biện pháp cần thiết trước khi căn bệnh trở nên phức tạp.

1. Đau ngực

Đây là triệu chứng thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim, nhưng không phải lúc nào cũng đau dữ dội, đột ngột. Triệu chứng này có thể gây cảm giác khó chịu như co thắt hoặc nặng ngực. Bệnh nhân có thể lầm tưởng đây là triệu chứng ợ nóng. Triệu chứng có thể kéo dài hơn một vài phút hoặc biến mất và đau trở lại.

2. Đau lưng hoặc đau tay

Nam giới thường cảm thấy đau ở vùng cánh tay bên trái nhưng ở nữ giới có thể cảm nhận đau ở lưng và tay. Cánh tay có thể có cảm giác nặng hoặc không vận động được. Đây có thể là dấu hiệu của cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Đau có thể bắt đầu ở ngực sau đó lan đến phần lưng trên hoặc dưới. Người bệnh có thể đang có những vấn đề về tim mạch khi cơn đau khởi phát từ một vùng không rõ vị trí hoặc làm bệnh nhân thức giấc vào ban đêm và cảm giác thường không giống như đau ở phần cơ hoặc khớp.

3. Đau cổ hoặc hàm

Đau họng viêm họng khàn giọng thanh quản khó thở hóc
Khi xuất hiện nhồi máu cơ tim bệnh nhân có thể có cảm giác khó thở,đau nhức phần cổ

Bệnh nhân có thể cảm thấy đau ở trên phần vai khi xuất hiện nhồi máu cơ tim. Phần hàm dưới ở một hoặc hai bên cũng có thể đau hoặc cảm giác căng. Phần cổ có thể đau nhức hoặc bệnh nhân có thể có cảm giác khó thở hoặc nóng rát ở cổ họng.

4. Mệt mỏi bất thường

Hầu hết mọi người đều bận rộn với công việc nên cảm giác mệt mỏi trong một khoảng thời gian sau đó là hoàn toàn bình thường. Những điều này trở nên nguy hiểm đối với nhồi máu cơ tim nếu bệnh nhân đột ngột cảm thấy mệt tại thời điểm mà trước đó không hoạt động gắng sức.

Người bệnh có thể mệt mỏi nhiều hơn so với những lần hoạt động trước đó hoặc cảm giác như kiệt sức. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy mệt mỏi và khó đi vào giấc ngủ.

5. Ngất và buồn nôn

Bệnh nhân có thể cảm thấy như sắp ngất. Ngất xảy ra khi tụt huyết áp và tim không bơm đủ lượng oxy lên não. Buồn nôn và chán ăn cũng là dấu hiệu bất thường với cơ thể của bệnh nhân.

6. Đổ mồ hôi và khó thở

Đổ mồ hôi nhiều: Tốt hay không tốt?
Khi không hoạt động gắng sức bệnh nhân nhồi máu cơ tim vẫn có thể đổ mồ hôi

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể đổ mồ hôi ngay cả khi không hoạt động gắng sức. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy lạnh và khó chịu hoặc cũng có thể thở nhanh như đang chạy marathon mặc dù không rời khỏi giường. Khi nằm có thể khiến khó thở nhiều hơn.

7. Ho và thở khò khè

Thở nhanh kèm ho thường xuyên và khò khè có thể là những dấu hiệu của suy tim. Điều này xảy ra khi tim không bơm đủ máu và oxy cho nhu cầu của cơ thể. Khi bệnh nhân bị suy tim, máu và dịch có thể thoát vào phổi. Bệnh nhân sẽ khó thở và nghe được những tiếng lộp độp khi hít vào.

8. Phù

Bệnh nhân có thể có phù ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân nếu có suy tim. Những triệu chứng này thường được phát hiện khi bệnh nhân than phiền về việc mang giày chật.

Khi lượng máu trở về tim chậm, máu sẽ ứ đọng tại tĩnh mạch và thoát ra mô kẽ. Điều này gây nên tình trạng dịch tích tụ tại những khoang của cơ thể. Thận không thải được hết nước và muối dẫn đến tình trạng phù ngày càng tăng.

9. Gặp khó khăn trong việc đi lại

chan-doan-va-dieu-tri-suy-tim-o-nguoi-cao-tuoi-1
Suy tim khiến vận động của cơ thể trở nên khó khăn hơn

Khi bệnh nhân bị suy tim, cơ thể sẽ phân bố lại lượng máu và oxy khỏi những cơ quan không quan trọng như ở chi, tập trung máu và oxy ở não và tim. Điều này khiến vận động của cơ thể trở nên khó khăn hơn.

Những hoạt động thường ngày như đi bộ, lên xuống cầu thang có thể khó thực hiện hơn. Khi tim trở nên yếu hơn, những hoạt động đơn giản như mặc quần áo hoặc đi lại giữa những căn phòng cũng làm bệnh nhân mệt mỏi.

10. Nhịp tim nhanh

Khi suy tim, tim có thể đập nhanh hơn để bù trừ lại lượng máu bơm không đủ. Bệnh nhân có thể cảm thấy tim đập rất nhanh.

11. Nhịp tim bất thường

Chẩn đoán và điều trị rối loạn nhịp tim chậm thế nào?
Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim như rung nhĩ (Atrial fibrillation – AFib) có thể là nguyên nhân của tim đập nhanh và không đều. Bệnh nhân có thể có cảm giác hồi hộp hoặc cảm giác đánh trống ngực.

Rung nhĩ có thể dẫn đến hình thành huyết khối và đột quỵ nếu không được chữa trị. Cũng có thể bệnh nhân không nhận thấy bất thường về nhịp tim nhưng lại cảm thấy khó thở, mệt mỏi hoặc chóng mặt.

12. Ngáy to

Việc bệnh nhân ngáy mỗi đêm có thể là tình trạng ngưng thở khi ngủ. Tình trạng này có liên quan đến rung nhĩ và làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2. Nếu không được điều trị tình trạng này, bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao mắc các vấn đề tim mạch đe dọa tính mạng.

13. Rối loạn cương dương

Tình trạng rối loạn cương dương diễn ra thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh tim mạch. Mạch máu ở dương vật có thể bị tắc nghẽn do các mảng bám, giống như các mạch máu ở tim bị tắc nghẽn. Không có dòng máu thông suốt sẽ gây nên tình trạng khó cương dương và duy trì cương dương. Bệnh nhân nên được tư vấn với bác sĩ nếu như bị rối loạn cương dương để tìm được hướng điều trị.

14. Khi nào thì bệnh nhân nên gọi cấp cứu?

Đau thắt ngực
Bệnh nhân có dấu hiệu đau thắt ngực nên gọi cấp cứu ngay

Bệnh nhân cần gọi cấp cứu ngay khi bản thân có bất kỳ triệu chứng nào của nhồi máu cơ tim. Điều trị nhanh chóng giúp giảm tổn thương cơ tim. Gọi cấp cứu nếu bệnh nhân có những triệu chứng sau:

  • Đau ngực, nặng ngực hoặc thắt ngực
  • Đau hoặc khó chịu lan đến vai, lưng, cổ hoặc cánh tay
  • Thở nhanh
  • Chóng mặt, hoa mắt hoặc ngất
  • Đổ mồ hôi và buồn nôn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan