Hàm duy trì là gì? Tại sao phải đeo hàm duy trì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của các kỹ thuật chỉnh nha, trường hợp răng mọc sai lệch hoặc phức tạp hơn đều có thể xử lý và đem lại hiệu quả cao thông qua niềng răng. Tuy nhiên sau khi kết thúc giai đoạn điều trị niềng răng với mắc cài, hàm duy trì luôn được các nha sĩ chỉ định cho bệnh nhân sau khi niềng răng sử dụng. Vậy hàm duy trì là gì? Tại sao phải đeo hàm duy trì?

1. Hàm duy trì là gì? Có mấy loại hàm duy trì?

Hàm duy trì là khí cụ được bác sỹ cho người niềng răng sử dụng sau khi quá trình chỉnh nha hoàn tất (đã tháo mắc cài và dây cung). Hàm duy trì có tác dụng giúp cho răng được ổn định nhanh chóng hơn, đảm bảo kết quả niềng răng hiệu quả cao nhất.

Hàm duy trì thường có 2 dạng là hàm duy trì cố định và hàm duy trì tháo lắp. Giống như mắc cài khi lựa chọn để niềng răng, hàm duy trì cũng có nhiều loại khác nhau để lựa chọn sử dụng, như hàm duy trì có dạng khay nhựa, hoặc làm bằng móc kim loại, cũng có thể là loại khung cố định.

Nhiều người có suy nghĩ sau khi tháo niềng răng là xong thường chủ quan, không có thói quen đeo hàm duy trì như bác sỹ quy định dẫn đến tình trạng răng mau chóng bị xô lệch, tái phát trở về như vị trí ban đầu. Có thể nói, đeo hàm duy trì là hành trình thử thách cuối cùng để có một hàm răng đẹp.

2. Tại sao phải đeo hàm duy trì?

Theo cấu tạo, răng con người đặt trong xương hàm, xung quanh là các dây chằng nha chu. Các dây chằng nha chu này có “một kí ức”. Sau khi tháo mắc cài ra, răng sẽ cần 1 khoảng thời gian để mô nướu và mô nha chu điều chỉnh lại cấu trúc cho ổn định. Nếu thời gian này không đeo hàm duy trì, trí nhớ về vị trí cũ của dây chằng nha chu sẽ khiến răng lại di chuyển trở lại vị trí ban đầu của nó.

Hàm răng sau 1 khoảng thời gian dài niềng răng chịu lực xiết, cả răng và xương hàm đều vẫn nhạy cảm, yếu hơn bình thường và răng vẫn còn chưa ổn định trong xương ổ răng. Thêm vào đó, trong quá trình ăn uống, các răng và khớp cắn phải hoạt động nhiều. Do đó, răng dễ có xu hướng về lại vị trí mọc ban đầu. chính vì vậy, hàm duy trì sẽ là dụng cu giúp đảm bảo kết quả niềng răng, giữ cho các răng được ổn định ở nguyên vị trị mới, không bị xô lệch hay sai lệch và chiều răng cho đến khi xương, răng và nướu đã thích nghi được với sự thay đổi của hàm răng.

Hàm duy trì
Hàm duy trì là dụng cụ giúp đảm bảo kết quả niềng răng

Hàm duy trì cũng giúp giữ cố định răng ở vị trí mới một cách ổn định, tạo xương mới trong sự hài hòa với răng khi nằm vị trí mới. Quá trình để giữ răng cố định “nằm yên” ở đó có thể mất từ 9 đến 12 tháng. Đó cũng là lý do vì sao bác sỹ thường khuyên những ai sau khi tháo mắc cài kết thúc chỉnh nha lại cần đeo hàm duy trì liên tục trong 12 tháng đầu sau khi tháo mắc cài.

3. Thời gian phải đeo hàm duy trì trong bao lâu?

Thời gian đeo hàm tùy vào sự lệch lạc của răng trước chỉnh nha và vấn đề khớp cắn, phần lớn các trường hợp cần đeo hàm duy trì.

Thời gian đeo cụ thể: tháng đầu tiên sau tháo mắc cài sẽ đeo liên tục cả ngày lẫn đêm, sau đó đeo buổi tối, vài năm sau có thể đeo thưa hơn như tuần đeo 2 – 3 buổi. Đeo cho đến khi về già.

Hàm duy trì
Hàm duy trì được yêu cầu trong thời gian phù hợp với hàm răng của mỗi người

Lưu ý vệ sinh hàm duy trì

Và để đảm bảo cho suốt thời gian đeo hàm duy trì răng miệng luôn khỏe mạnh thì việc vệ sinh răng miệng cần phải được chú trọng. Điều này sẽ giúp ngăn chặn các bệnh lý răng miệng.

Hàm duy trì nên được vệ sinh làm sạch hàng ngày, khi đánh răng. Hàm duy trì cần phải được rửa qua với nước lạnh và làm sạch nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng lông mềm và kem đánh răng. Việc này sẽ giúp làm sạch cặn bẩn, vụn thức ăn bám trên hàm duy trì, hạn chế sự sinh sôi vi khuẩn làm tổn thương đến sức khỏe răng miệng.

Hàm duy trì cần được tháo ra khi ăn và hoạt động thể thao dưới nước. Mỗi khi tháo hàm duy trì ra để tham gia các hoạt động thể thao, sinh hoạt hay ăn uống thì nên cẩn thận cất chúng vào trong hộp chuyên dụng để tránh tình trạng bị rơi vỡ hoặc bị mất.

Đặc biệt không vệ sinh hàm duy trì vào nước nóng vì có thể làm hàm nhựa bị biến dạng.

Cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám theo lịch hẹn để đem lại hiệu quả cao nhất. Việc thăm khám định ký cũng giúp bác sỹ có thể kiểm tra, xử lý kịp khi cần đối với các vấn đề phát sinh thêm.

Khám răng
Chuyên khoa Răng – hàm – mặt, bệnh viện Vinmec là địa chỉ uy tín trong lĩnh vực nha khoa

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan