Hội chứng ống trụ là gì?

Hội chứng ống trụ là bệnh lý ít phổ biến tuy nhiên nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nặng nề đến chức năng bàn tay, thậm chí gây liệt hoàn toàn.

1. Hội chứng ống trụ là gì?

Hội chứng ống trụ hay còn gọi là hội chứng kênh Guyon (Guyon’s cannal syndrome) là hội chứng có chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay dẫn đến các biểu hiện ngón áp út và ngón út có cảm giác tê, làm cho bàn tay giảm vận động, giảm khả năng linh hoạt, teo cơ, đau đớn,...

Dây thần kinh trụ là một dây thần kinh chạy dài theo xương cánh tay sang xương trụ đi vào kênh Guyon. Kênh Guyon là một kênh chạy dọc mép dưới của bàn tay về phía ngón út của bàn tay. Sau đó chia thành 2 nhánh: nhánh nông chi phối cho cảm giác cơ gan tay ngắn sẽ chi phối cảm giác ngón IV, V, nhánh sâu chi phối vận động ô mô út, các cơ giun, cơ liên cốt mu tay, gan tay và nhánh tận cùng chi phối cho cơ liên cốt mu tay I. Khi dây thần kinh trụ bị chèn ép tại kênh Guyon sẽ gây ra các biểu hiện tê tay và teo cơ trên lâm sàng tùy theo vị trí bị chèn ép.

Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống trụ là hội chứng có chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay dẫn đến các biểu hiện ngón áp út và ngón út có cảm giác tê

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng ống trụ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng ống trụ, các nguyên nhân bao gồm:

  • Các nguyên nhân do chấn thương như: Chấn thương vùng cổ tay (tai nạn, chấn thương thể thao..), chấn thương do đặc thù công việc phải vận động cổ tay và gan tay bị đè ép thường xuyên.
  • Các nguyên nhân không do chấn thương như: Các khối u vùng cổ tay gây chèn ép dây thần kinh trụ (ví dụ: u mỡ), huyết khối động mạch hoặc chứng phình động mạch loét (ví dụ: Hội chứng búa giả), các bệnh lý viêm xương khớp ở cổ tay, chèn ép do hạch, bệnh lý mạch máu, viêm màng hoạt dịch, vẹo ngoài xương trụ,...

3. Triệu chứng của hội chứng ống trụ

Triệu chứng của hội chứng ống trụ tùy vào vị trí chèn ép mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau, các biểu hiện bao gồm:

  • Trường hợp chèn ép dây trụ, bệnh nhân bị giảm cảm giác ở ngón V và nửa ngón IV, yếu và teo các cơ ô mô út và liên cốt, không giảm cảm giác mu tay, có thể có dấu hiệu bàn tay vuốt trụ nếu chèn ép nhiều.
  • Trường hợp nhánh sâu của dây trụ bị chèn ép ở gần cuối kênh Guyon, sát với móc của xương móc. Cảm giác bình thường, cử động bàn tay giảm độ khéo léo và không thể dạng các ngón tay. Có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ nếu bệnh nặng. Đây là trường hợp thường gặp nhất.
  • Trường hợp chỉ tổn thương nhánh nông của dây trụ, vị trí ở chỗ gần hết kênh Guyon. Giảm cảm giác các ngón 4 và 5.

Các triệu chứng khác bao gồm cảm giác châm chích và tê dọc theo đường đi của dây thần kinh trụ trên cẳng tay và bàn tay. Những cảm giác và cơn đau có thể xảy ra ở khuỷu tay, cẳng tay, bàn tay, hoặc ngón tay. Tê và nhói thường cảm thấy nhiều nhất ở ngón áp út và ngón út.

Hội chứng ống cổ tay
Triệu chứng của hội chứng ống trụ tùy vào vị trí chèn ép mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau

4. Cận lâm sàng và chẩn đoán

Chẩn đoán hội chứng ống trụ chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng thần kinh xem có tổn thương dây thần kinh trụ hay không.

Ngoài ra, có xét nghiệm điện cơ rất có giá trị trong chẩn đoán hội chứng ống trụ đồng thời giúp định khu tổn thương, đánh giá mức độ nặng của bệnh, tiên lượng và theo dõi sau điều trị.

Một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác cũng có thể cần thực hiện bao gồm: chụp XQ xương cổ bàn tay, siêu âm, MRI...

5. Điều trị hội chứng ống trụ

Điều trị trong hội chứng ống trụ bao gồm điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật, cụ thể như sau:

  • Điều trị bảo tồn trong trường hợp nhẹ gồm: Bất động cổ tay, cố định cổ tay ở tư thế chức năng vào ban đêm hoặc cả ngày, vật lý trị liệu, sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm. Thông thường các triệu chứng cải thiện dần sau 4 – 6 tuần điều trị.
  • Phẫu thuật: Mục đích nhằm giải phóng chèn ép của dây thần kinh trụ ở cổ tay, có hiệu quả trong khoảng 60 – 95% các trường hợp. Các biến chứng có thể gặp gồm: tăng cảm lòng bàn tay, tê bì dai dẳng, nhiễm trùng,...
Phẫu thuật nội soi cắt thùy trái tuyến giáp
Mục đích phẫu thuật nhằm giải phóng chèn ép của dây thần kinh trụ ở cổ tay, có hiệu quả trong khoảng 60 – 95% các trường hợp

Ngoài ra cần hướng dẫn bệnh nhân phòng bệnh tái phát bằng cách tránh nén cơ học, cần giảm thiểu việc duỗi cổ tay lặp đi lặp lại hoặc kéo dài vì điều này tạo ra lực nén lên dây thần kinh trung tâm ở tay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan