Hội chứng Sjogren: Cách nhận biết và điều trị

Hội chứng Sjogren là một rối loạn tự miễn dịch của các tuyến nội tiết phân bố ở nhiều nơi trên cơ thể. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu nhưng nhìn chung khá lành tính, không ảnh hưởng tới tuổi thọ của bệnh nhân.

1. Hội chứng Sjogren là gì?

Hội chứng Sjogren hay bệnh tự miễn Sjogren là một rối loạn tự miễn dịch do rối loạn chức năng của các tuyến ngoại tiết trên cơ thể. Cụ thể, bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tuyến nước bọt và tuyến lệ, khiến chúng ngừng hoạt động. Đặc trưng của bệnh là tình trạng khô mắt, khô miệng và khô niêm mạc, thường phối hợp với rối loạn miễn dịch khác như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus. Bệnh thường gặp ở nữ, tập trung nhiều trong độ tuổi 40 - 60 và không lây nhiễm.

Các bệnh lý phối hợp với hội chứng Sjogren bao gồm viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, viêm đa cơ, xơ gan ứ mật tiên phát, viêm tuyến giáp Hashimoto, xơ phổi kẽ,...

Lupus ban đỏ hệ thống
Hội chứng Sjogren thường phối hợp với bệnh miễn dịch khác như lupus

2. Cách nhận biết hội chứng Sjogren

Có thể nhận biết hội chứng Sjogren qua các biểu hiện đặc trưng của bệnh như sau:

  • Mệt mỏi toàn thân, sốt, phát ban, thở gấp;
  • Viêm mí mắt, viêm kết giác mạc khô do giảm tiết nước mắt với các triệu chứng nóng rát, ngứa, tiết rỉ mắt, đỏ mắt, tăng nhạy cảm với ánh sáng, không chảy nước mắt khi khóc. Trường hợp nặng có thể gặp biến chứng loét mắt;
  • To tuyến mang tai, có thể mạn tính hoặc tái phát;
  • Giảm tiết nước bọt, khô môi, khô miệng gây nuốt khó, khó nói chuyện và sâu răng nặng;
  • Mất vị giác và khứu giác;
  • Đau dạ dày;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Khô mũi, họng, thanh quản, phế quản, da và âm đạo;
  • Các triệu chứng hệ thống: Viêm tụy, đau - viêm khớp, viêm màng phổi, rối loạn thần kinh, viêm mạch máu, nhiễm toan ống thận, viêm thận kẽ mãn tính gây suy chức năng thận,...

Để chẩn đoán bệnh một cách chính xác, bác sĩ sẽ đánh giá thông qua các triệu chứng lâm sàng ở trên, kết hợp với việc thực hiện xét nghiệm tốc độ lắng máu, xét nghiệm máu toàn bộ và xét nghiệm kháng thể Sjogren. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện kiểm tra Schirmer để định lượng nước mắt và thực hiện sinh thiết môi để khẳng định kết quả chẩn đoán.

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán các chấn thương bụng kín
Thực hiện các xét nghiệm máu và kháng thể Sjogren để chẩn đoán bệnh một cách chính xác

3. Phương pháp điều trị hội chứng Sjogren

Hiện chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kết hợp với các liệu pháp điều trị khác để giúp bệnh nhân kiểm soát được bệnh và giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Cụ thể:

3.1 Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc có thể được chỉ định trong điều trị để làm giảm viêm mắt, khô mắt, giúp tăng tiết nước bọt và giảm đau khớp, ức chế miễn dịch. Đó là:

  • Thuốc điều trị khô mắt: Nước mắt nhân tạo và thuốc tăng tiết nước mắt được sử dụng cho các trường hợp mắc hội chứng Sjogren thể nhẹ và trung bình. Với các trường hợp bệnh nặng, có các biến chứng kèm theo như viêm mí mắt, loét giác mạc thì cần sử dụng thêm các loại thuốc kháng sinh, thuốc mỡ sản khoa hoặc huyết thanh tự thân;
  • Thuốc điều trị khô miệng: Pilocarpin có tác dụng làm tăng tiết nước bọt, giảm khô miệng cho bệnh nhân;
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Gồm corticoid, hydroxychloroquine, methotrexate có tác dụng làm chậm diễn tiến và giảm mức độ trầm trọng của bệnh;
  • Thuốc khác: Thuốc chống viêm không steroid, các thuốc giảm đau thông thường giúp làm giảm triệu chứng đau, sưng nề.

3.2 Thay đổi lối sống

Thay đổi chế độ sinh hoạt hằng ngày, thói quen chăm sóc cơ thể cũng góp phần cải thiện các triệu chứng bệnh và phòng ngừa các biến chứng nặng của hội chứng Sjogren. Một số lưu ý cho người bệnh là:

  • Đi khám nha khoa thường xuyên, vệ sinh răng miệng và làm sạch kẽ răng sau mỗi bữa ăn;
  • Trao đổi kỹ với bác sĩ nếu người bệnh đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú;
Đánh răng thế nào là đúng cách?
Chăm sóc răng và đi khám nha khoa thường xuyên để phòng ngừa các biến chứng nặng của hội chứng Sjogren

  • Trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm đang sử dụng có khả năng tạo ẩm, giữ ẩm cho mắt, miệng, da,... Trường hợp nước mắt nhân tạo khiến mắt bị nóng rát thì bệnh nhân nên chuyển sang sử dụng loại khác theo lời khuyên của bác sĩ. Những trường hợp bị khô mắt vào ban đêm có thể sử dụng thuốc mỡ được bác sĩ kê đơn. Chất bôi trơn âm đạo dùng hằng ngày hoặc trước khi sinh hoạt tình dục cũng giúp giảm khô âm đạo;
  • Nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí vào ban đêm để tránh tình trạng khô mắt, miệng, mũi;
  • Sử dụng thuốc mỡ bôi cho da khô để giữ độ ẩm trên da;
  • Báo ngay cho bác sĩ nếu bị đau dạ dày nghiêm trọng, đau mắt hoặc thay đổi về thị lực.

Nhìn chung, hội chứng Sjogren thường lành tính và ảnh hưởng của bệnh chủ yếu đến từ các bệnh lý phối hợp của nó. Khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị sớm, giúp tránh được những biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan