Loạn trương lực cơ là bệnh gì và có nguy hiểm không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 06 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, cấp cứu và hồi sức cấp cứu.

Loạn trương lực cơ là bệnh rối loạn vận động do các vấn đề liên quan đến thần kinh gây ra. Bệnh đôi khi khó phát hiện bởi có triệu chứng lâm sàng giống với hội chứng của nhiều bệnh lý khác.

1. Loạn trương lực cơ là bệnh gì?

Loạn trương lực cơ là một dạng bệnh lý rối loạn vận động, làm mất đi sự điều hòa phối hợp giữa não bộ và tủy sống, từ đó dẫn đến những vận động hoặc cử động tự ý, không kiểm soát được đồng thời lặp lại nhiều lần một cách bất thường.

Nguyên nhân gây bệnh hiện nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan đến các vấn đề về di truyền, tâm lý, sự tác động của môi trường xung quanh hoặc việc lạm dụng thuốc.

Hiện nay, bệnh vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể ức chế quá trình diễn biến bệnh bằng cách sử dụng thuốc men hoặc can thiệp phẫu thuật.

2. Loạn trương lực cơ được phân loại thế nào?

Loạn trương lực cơ được chia thành 3 nhóm với 3 tiêu chí: Theo độ tuổi phát bệnh, theo vị trí ảnh hưởng và theo nguyên nhân.

2.1 Theo độ tuổi phát bệnh

  • Loạn trương lực cơ khởi phát sớm: Có thể từ thời thơ ấu và ở độ tuổi trẻ, thường là dưới 26 tuổi.
  • Loạn trương lực cơ khởi phát muộn: Những người từ 26 tuổi trở lên.
Co giật
Từ 26 tuổi trở lên mắc bệnh là loạn trương lực cơ khởi phát muộn

2.2 Theo phân phối giải phẫu

  • Loạn trương lực cơ cục bộ: Chỉ ảnh hưởng đến một vùng duy nhất trên cơ thể.
  • Loạn trương lực cơ một đoạn: Hai hay nhiều khu vực tiếp giáp của cơ thể chịu ảnh hưởng.
  • Loạn trương lực cơ toàn thể: Ảnh hưởng đến một vùng cơ thể và liên quan đến ít nhất một thân trục, một chân.

2.3 Theo nguyên nhân

  • Loạn trương lực cơ nguyên phát: Thường không xuất hiện triệu chứng bất thường nào về thần kinh, xét nghiệm hay hình ảnh. Bệnh thường không có tư thế cố định và có tiến triển từ từ. Đôi khi vùng loạn trương lực cơ lâu ngày có thể có hiện tượng co rút.
  • Loạn trương lực cơ thứ phát: Có kèm các dấu hiệu thần kinh khác như mất thăng bằng, yếu cơ, co cứng, mắt cử động bất thường, suy giảm nhận thức, co giật,... Loạn trương lực cơ thứ phát thường bắt nguồn từ một tình trạng bệnh nhất định, ví dụ như chấn thương, đột quỵ, ngạt chu sinh,...

3. Dấu hiệu nhận biết loạn trương lực cơ

Một vài dấu hiệu nhận biết bệnh loạn trương lực cơ là:

  • Cơ thể có những tư thế bất thường
  • Xuất hiện tình trạng co thắt cơ không tự chủ thường xuyên dẫn đến vặn xoắn và các cử động lặp lại nhiều lần.
  • Khi căng thẳng hoặc mệt mỏi các triệu chứng có thể diễn tiến nặng hơn.

Khi có triệu chứng co giật không tự chủ và liên tục, bệnh nhân cần đến các phòng khám chuyên khoa để được kiểm tra kịp thời.

Mắt bị co giật
Bệnh nhân bị co giật không tự chủ

4. Xét nghiệm và chẩn đoán loạn trương lực cơ

Để chẩn đoán loạn trương lực cơ, bác sĩ có thể tiến hành các bước sau đây:

  • Hỏi và xem xét bệnh sử, tiền sử của người bệnh và của gia đình người bệnh.
  • Thăm khám tổng quát và thăm khám thần kinh.
  • Đánh giá tính chất loạn trương lực cơ theo tuổi khởi phát triệu chứng, các vùng ảnh hưởng trên cơ thể, tiến triển bệnh và các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tình trạng loạn trương lực cơ.
  • Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết người bệnh có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm hình ảnh học (như chụp cộng hưởng từ não bộ MRI), điện não, điện cơ, xét nghiệm máu, xét nghiệm gen,...

5. Phương pháp điều trị loạn trương lực cơ

Hiện nay, loạn trương lực cơ vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể hạn chế diễn tiến bệnh đồng thời làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Các phương pháp điều trị loạn trương lực cơ được áp dụng bao gồm:

  • Thuốc men: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ có thể kê một số loại thuốc như: levodopa, baclofen, thuốc đồng vận dopamin, trihexyphenidyl và clonazepam.
  • Thực hiện tiêm botulinum toxin tại vị trí bị loạn trương lực cơ.
  • Can thiệp phẫu thuật: Được chỉ định đối với các trường hợp bệnh nặng.

Bên cạnh đó, vật lý trị liệu chức năng cũng có thể được áp dụng để bổ trợ cho quá trình điều trị bệnh.

Thuốc
Bệnh nhân loạn trương lực cơ có thể điều trị bằng thuốc theo đơn của bác sĩ

Ngoài các phương pháp điều trị loạn trương lực thì người bệnh cần có một chế độ sinh hoạt khoa học và dinh dưỡng hợp lý:

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị
  • Uống thuốc đúng liều và đúng theo chỉ định của bác sĩ
  • Nếu cơ thể có biểu hiện bất thường thì ngay lập tức dừng sử dụng thuốc.
  • Các cặp vợ chồng trước khi quyết định mang thai nên đi làm các xét nghiệm di truyền.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để có thể kiểm soát và theo dõi được tình trạng sức khỏe của mình.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn hằng ngày cần được cân bằng rau xanh và ít chất béo.
  • Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
  • Nên dùng các loại thực phẩm có chứa carbohydrates như chuối, khoai lang, yến mạch,...

Loạn trương lực cơ tuy không ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nhưng lại gây ra những bất tiện, cảm giác khó chịu trong cuộc sống thường ngày. Do đó, việc phát hiện sớm và có các biện pháp can thiệp kịp thời giúp người bệnh giảm bớt được phần nào các ảnh hưởng của loạn trương lực cơ tới sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan