Mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn

Mất trí nhớ hoặc suy giảm trí nhớ trầm trọng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chấn thương, sử dụng thuốc, đột quỵ và một số vấn đề sức khỏe đáng chú ý khác. Các biện pháp điều trị mất trí nhớ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra.

1. Nguyên nhân gây mất trí nhớ

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây mất trí nhớ, bao gồm:

  • Thuốc men

Việc sử dụng một số loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể ảnh hưởng hoặc gây suy giảm trí nhớ trầm trọng, thậm chí mất trí nhớ. “Thủ phạm” chính có thể bao gồm thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn cơ, thuốc chống lo âu, thuốc ngủ và thuốc giảm đau sau phẫu thuật.

  • Sử dụng rượu, thuốc lá hoặc ma tuý

Việc lạm dụng rượu bia quá mức từ lâu đã được công nhận là một nguyên nhân gây mất trí nhớ. Hút thuốc lá cũng có thể gây bệnh suy giảm trí nhớ bằng cách hạn chế lượng oxy cần thiết đến não. Ngoài ra, các loại thuốc bất hợp pháp có thể làm thay đổi các chất hóa học trong não và khiến bạn khó nhớ lại những ký ức.

  • Tình trạng mất ngủ

Cả số lượng và chất lượng của giấc ngủ đều có vai trò vô cùng quan trọng đối với trí nhớ. Khi cơ thể ngủ quá ít hoặc thường xuyên thức giấc giữa đêm có thể gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn.

  • Sự căng thẳng và trầm cảm

Bệnh trầm cảm có thể khiến bạn khó chú ý và tập trung, gây ra các tác động tiêu cực đến trí nhớ. Ngoài ra, sự căng thẳng và lo lắng cũng góp phần gây cản trở sự tập trung của bạn. Khi căng thẳng, tâm trí bạn sẽ bị kích thích quá mức hoặc mất tập trung, khiến khả năng ghi nhớ của não bộ bị ảnh hưởng đáng kể. Căng thẳng do chấn thương tinh thần cũng được xem là một nguyên nhân khác gây bệnh suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ.

  • Thiếu hụt các chất dinh dưỡng

Những chất dinh dưỡng, bao gồm protein và chất béo lành mạnh, rất quan trọng đối với chức năng của não bộ. Đặc biệt, sự thiếu hụt vitamin B1 và B12 có thể làm ảnh hưởng trầm trọng đến trí nhớ.

  • Bị chấn thương ở đầu

Sự va chạm mạnh ở đầu, chẳng hạn do ngã hoặc tai nạn xe cộ, có thể làm tổn thương não và gây mất trí nhớ cả ngắn hạn và dài hạn.

  • Tai biến mạch máu não

Cơn đột quỵ xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não bộ bị ngăn chặn do sự tắc nghẽn của một huyết mạch đến não hoặc sự rò rỉ của mạch máu vào trong não. Tình trạng đột quỵ thường gây suy giảm trí nhớ ngắn hạn, hoặc mất trí nhớ ngắn hạn.

Tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não gây bệnh suy giảm trí nhớ

  • Chứng mất trí nhớ hoàn toàn thoáng qua (TGA)

Đây là hiện tượng mất trí nhớ xảy ra trong thời gian ngắn, có thể tự hết và không gây hại hay tái phát. Nguyên nhân cụ thể gây TGA hiện chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đôi khi xảy ra những cơn đột quỵ nhỏ ở vùng đồi thị (vùng não liên quan đến việc hình thành trí nhớ).

  • Sa sút trí tuệ

Đây là tên gọi của chứng mất trí nhớ tiến triển và các vấn đề nghiêm trọng khác về suy nghĩ làm cản trở chức năng trong hoạt động hàng ngày của bạn. Một số nguyên nhân chính gây sa sút trí tuệ, bao gồm bệnh mạch máu, lạm dụng rượu / ma tuý, tổn thương não, bệnh Alzheimer. Trong đó, bệnh Alzheimer được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ, được đặc trưng bởi tình trạng mất dần các tế bào não và có các bất thường khác trong não.

  • Một số nguyên nhân khác

Bệnh suy giảm trí nhớ hoặc mất trí nhớ có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân khác như tuyến giáp hoạt động kém / quá mức, sử dụng ma tuý bất hợp pháp, HIV, giang mai và lao làm ảnh hưởng đến não bộ.

2. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh mất trí nhớ?

Nếu bạn nhận thấy bản thân ngày càng hay quên hoặc có các vấn đề về trí nhớ làm cản trở cuộc sống hàng ngày, bạn nên đặt lịch khám với bác sĩ để xác định nguyên nhân cụ thể và lập kế hoạch điều trị tốt nhất.

Để chẩn đoán và đánh giá tình trạng suy giảm trí nhớ trầm trọng, bác sĩ có thể xem xét bệnh sử, khám sức khỏe (bao gồm khám thần kinh) và đặt một số câu hỏi để kiểm tra khả năng tinh thần của bạn. Tuỳ thuộc vào kết quả, việc đánh giá thêm có thể bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu, xét nghiệm thần kinh, xét nghiệm hình ảnh của não (như chụp cộng hưởng từ MRI và chụp cắt lớp vi tính trục ngang CAT). Ngoài ra, bạn cũng có thể được kiểm tra tâm thần kinh, bao gồm một loạt các xét nghiệm giúp xác định tình trạng mất trí nhớ.

Chụp MRI giúp đánh giá bệnh suy giảm trí nhớ ở người bệnh
Chụp MRI giúp đánh giá bệnh suy giảm trí nhớ ở người bệnh

3. Điều trị tình trạng mất trí nhớ

Điều trị bệnh suy giảm trí nhớ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể gây ra. Trong nhiều trường hợp, trí nhớ có thể được hồi phục sau khi điều trị, chẳng hạn như mất trí nhớ hoặc suy giảm trí nhớ ngắn hạn do dùng thuốc có thể được giải quyết khi bạn thay đổi thuốc.

Bên cạnh đó, việc bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cũng góp phần ngăn ngừa nguy cơ suy giảm trí nhớ trầm trọng do thiếu hụt chất dinh dưỡng. Đối với người có các triệu chứng trầm cảm, việc điều trị sớm cho tình trạng này cũng giúp cải thiện trí nhớ. Trong trường hợp mất trí nhớ do đột quỵ, bệnh nhân có thể sử dụng một số liệu pháp điều trị để cải thiện trí nhớ theo thời gian.

Hiện nay, một số loại thuốc điều trị cho các vấn đề về trí nhớ liên quan đến bệnh Alzheimer hoặc thuốc giúp giảm huyết áp cũng được sử dụng nhằm giúp làm giảm nguy cơ tổn thương não có liên quan đến chứng mất trí nhớ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan