Mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận

Do có nhiều ưu điểm như độ an toàn cao, bệnh nhân ít đau, ít tai biến sau mổ, phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận là phương pháp được thực hiện phổ biến hiện nay.

1. Các phương pháp phẫu thuật sỏi bể thận

Sỏi bể thận là một trong những bệnh lý đường tiết niệu thường gặp nhất, bệnh thường xuất hiện ở nam nhiều hơn nữ, tập trung ở độ tuổi từ 30-55. Các yếu tố thuận lợi gây bệnh là do chế độ ăn uống không hợp lý, quá nhiều đạm, carbohydrate, natri, oxalat, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu, sống ở vùng nhiệt đới,... Khi viên sỏi tiết niệu lớn dần sẽ gây cản trở sự lưu thông của nước tiểu, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến ứ đọng, tắc nghẽn, nhiễm trùng đường tiểu, phá hủy dần cấu trúc thận.

Để điều trị sỏi bể thận, trước kia, bác sĩ thường tiến hành phẫu thuật mở ổ bụng để lấy sỏi. Ngày nay, các phương pháp ít xâm lấn hơn như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua da, tán sỏi nội soi ngược dòng, lấy sỏi qua nội soi ổ bụng hoặc sau phúc mạc,... đã được thực hiện thay thế, nhằm giảm đau, giảm các tai biến sau mổ cho người bệnh.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận là phương pháp được thực hiện phổ biến hiện nay, bác sĩ sẽ mở bể thận để lấy sỏi nội soi qua phúc mạc, sỏi sẽ được lấy ra ngoài qua lỗ trocar.

2. Mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận được chỉ định trong những trường hợp nào?

Mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận được chỉ định khi sỏi có đường kính lớn hơn 2cm nằm trong bể thận vị trí trung gian hoặc ngoài xoang. Ngoài ra, mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận có thể kết hợp với phẫu thuật tạo hình bể thận và hẹp niệu quản trong các trường hợp: bệnh nhân có sỏi bể thận đi kèm với hội chứng hẹp khúc nối bể thận - thận niệu quản hoặc niệu quản nằm sau tĩnh mạch chủ dưới.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận không được thực hiện khi:

  • Bệnh nhân có các chống chỉ định với gây mê nội khí quản như mắc các bệnh mạch vành, suy tim, tâm phế mạn,...
  • Sỏi nằm trong bể thận vị trí trong xoang, sỏi bể thận đi kèm các dị dạng tiết niệu khác như trào ngược bàng quang niệu quản hoặc phình to niệu quản.
  • Sỏi bể thận gây tình trạng thận ứ nước mất chức năng.
  • Bệnh nhân bị chít hẹp đường tiết niệu dưới sỏi do u niệu quản, hẹp niệu quản, viêm xơ hóa sau phúc mạc, lao tiết niệu.
  • Người bệnh có tiền sử mổ cũ qua phúc mạc thành bụng bên. Người bệnh bị nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng, nhiễm khuẩn tiết niệu chưa được điều trị.
suy tim
Bệnh nhân suy tim không được chỉ định nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận

3. Các bước quy trình mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận

3.1. Trước khi tiến hành phẫu thuật

Người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm đánh giá chức năng thận, thực hiện siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hệ tiết niệu, chụp niệu đồ tĩnh mạch để xác định đặc điểm sỏi bể thận, nguyên nhân bệnh lý hoặc đánh giá chức năng hai thận. Nếu cần thiết sẽ tiến hành chụp đồng vị phóng xạ để đánh giá mức độ giảm hoặc mất chức năng thận.

Nhân viên y tế sẽ giải thích cho người bệnh và gia đình mục đích cuộc mổ, các tai biến có thể gặp sau mổ. Hồ sơ bệnh án phải có giấy đồng ý phẫu thuật của người bệnh và gia đình. Đối với những bệnh nhân già yếu, suy kiệt, thiếu máu cần nâng cao thể trạng, điều trị ổn định trước khi mổ.

3.2. Các bước tiến hành mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận

Sau khi người bệnh được gây mê nội khí quản, đặt ống thông niệu đạo. Bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch da 1cm ở vị trí ngang rốn trên đường trắng bên, mở nhỏ phúc mạc, trocar 10mm được đặt qua lỗ mở đầu tiên, bơm hơi 12 mmHg, đặt camera với ống kính 30 độ. Hai trocar còn lại gồm 1 trocar 5mm được đặt ở vị trí giữa mào chậu và bờ sườn trên đường nách giữa, 1 trocar 10mm đặt ở vị trí dưới bờ sườn trên đường trắng. Sau khi đặt, 3 trocar sẽ tạo nên hình tam giác cân.

Sau khi đặt trocar, kíp mổ sẽ tiến hành bộc lộ bể thận và lấy sỏi:

  • Bác sĩ phẫu thuật mở phúc mạc thành sau dọc mạc Toldt, hạ góc đại tràng phải, đẩy đại tràng và tá tràng vào giữa, vén gan lên cao (hoặc có thể cắt dây chằng lách - đại tràng), đẩy lách và đại tràng trái vào trong. Bác sĩ dùng móc và kẹp nội soi phẫu tích niệu quản bể thận khỏi mạch sinh dục cho tới cực dưới thận và rốn thận để bộc lộ mặt trước và bờ dưới bể thận. Tách bể thận khỏi dính vào mạch máu cuống thận.
  • Bộc lộ bể thận có sỏi, dùng kẹp để giữ sỏi trong bể thận, mở bể thận bằng dao lạnh hoặc móc nội soi lấy sỏi. Sau đó, bơm hút rửa bể thận và lấy các mảnh sỏi nhỏ.

Bác sĩ kiểm tra lưu thông niệu quản xuống bàng quang và khâu phục hồi bể thận. Sau khi lấy sỏi thận, nếu người bệnh có các bệnh lý đi kèm như niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới hoặc hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, bác sĩ có thể tiếp tục thực hiện phẫu thuật tạo hình lại bể thận và niệu quản hẹp.

Trước khi kết thúc cuộc mổ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng mổ trong phúc mạc. Áp lực ổ bụng sẽ được giảm xuống dưới 5mmHg để kiểm tra tình trạng chảy máu, thực hiện hút sạch dịch, lấy sỏi bể thận ra ngoài trực tiếp qua lỗ trocar 10mm mở rộng hoặc cho vào trong túi nilon. Rút trocar và dẫn lưu vùng mổ bằng ống thông. Sau đó, bệnh nhân được khâu lỗ mở thành bụng bằng chỉ tiêu, đặt gạc, băng ép và đặt lại tư thế.

3.3. Theo dõi người bệnh

Trong cuộc mổ, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ về mạch, huyết áp động mạch, áp lực tĩnh mạch trung ương, lượng máu mất, lượng máu cần truyền nồng độ O2 và CO2.

Sau cuộc mổ, theo dõi chảy máu sau mổ qua số lượng, màu sắc nước tiểu của ống thông niệu đạo và dẫn lưu vùng mổ, tình trạng huyết động, tình trạng bụng đau và chướng. Thông thường, tình trạng chảy máu của bệnh nhân sẽ giảm sau một vài ngày điều trị nội khoa kết hợp, ống thông niệu đạo được rút sau 5 ngày.

4. Các tai biến thường gặp trong mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận

Các tai biến thường gặp trong quá trình mổ:

  • Rách màng phổi, thủng cơ hoành khi chọc Trocar sát bờ hoặc khi phẫu tích. Nếu tai biến này xảy ra, bác sĩ sẽ tiến hành khâu lại màng phổi, cơ hoành qua nội soi, kết hợp đặt dẫn lưu màng phổi hút liên tục. Nếu không thể xử lý bằng mổ nội soi, có thể chuyển sang mổ hở.
  • Chảy máu do tổn thương tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch sinh dục do phẫu tích hoặc tuột clip kẹp mạch máu. Nếu không xử lý cầm máu được qua nội soi, sẽ chuyển qua mổ hở.
  • Tổn thương các tạng như tá tràng, đại tràng, ruột non trong quá trình mổ sẽ được chuyển sang mổ hở để xử lý tùy theo tổn thương.
mổ cắt ruột non
Sau quá trình mổ nội soi ổ bụng lấy sỏi bể thận có thể xảy ra tai biến

Các tai biến thường gặp sau mổ là:

  • Chảy máu ổ bụng nhiều, không cầm được: bệnh nhân cần được nhanh chóng phẫu thuật lại để xử lý.
  • Tụ dịch hoặc áp xe trong ổ bụng: bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để xác định vị trí, kích thước ổ tụ dịch, áp xe. Nếu khối tụ dịch, áp xe kích thước nhỏ, nông sẽ tiến hành chọc hút dưới hướng dẫn siêu âm. Nếu khối tụ dịch, áp xe kích thước lớn, vị trí sâu cần chích dẫn lưu hoặc phẫu thuật mở để làm sạch.
  • Bệnh nhân rò nước tiểu sau mổ: bệnh nhân sẽ được lưu ống niệu đạo và điều trị nội khoa. Nếu sau 1-2 tuần, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân sẽ được đặt lại ống thông JJ hoặc can thiệp lại.

Vinmec - Nội soi tán sỏi thận laser ống soi mềm loại trừ được sỏi có kích thước đến 2,5 cm

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan