Mục đích đọc kết quả cộng hưởng từ rò hậu môn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.

Cộng hưởng từ là một phương pháp nhằm đánh giá và phân loại đường rò hậu môn. Chụp cộng hưởng từ có nhiều ưu điểm trong mô tả chính xác vùng giải phẫu quanh hậu môn, đánh giá được mối liên quan giữa đường rò với các cơ vùng chậu ( cơ thắt hậu môn ...), chậu hông và hố trực tràng. Đây là phương pháp quan trọng giúp bác sĩ phân tích và đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất.

1. Rò hậu môn là bệnh gì?

Rò hậu môn là một nhiễm khuẩn mạn tính ở vùng hậu môn trực tràng, đường rò hậu môn là một đường hầm được tạo ra do quá trình viêm mạn tính nên tạo thành tổ chức hạt phía bên trong đường rò.

Bệnh rò hậu môn có nhiều phân loại như sau:

  • Rò hoàn toàn: Lỗ trong và ngoài thông với nhau qua đường rò.
  • Rò không hoàn toàn: Đường rò chỉ có 1 lỗ hay còn gọi là rò chột.
  • Rò phức tạp: Đường rò ngoằn ngoèo nhiều ngóc ngách, nhiều lỗ thông ra ngoài da còn gọi là rò móng ngựa.
  • Đường rò đơn giản: Đường rò thẳng - ít ngóc ngách.
  • Rò trong cơ thắt: Là loại rò nông, điều trị thường cho kết quả tốt, ít tái phát.
  • Rò qua cơ thắt: Đường rò đi qua cơ thắt và là hậu quả của apxe vùng hố ngồi trực tràng.
  • Rò ngoài cơ thắt: Là hậu quả của apxe vùng chậu hông trực tràng.

Rò hậu môn là hậu quả của một áp xe quanh hậu môn trực tràng không được điều trị dẫn đến tình trạng vỡ, rò rỉ và tạo thành đường rò. Do vậy, để phòng tránh rò hậu môn cần phát hiện và điều trị tốt các loại áp xe quanh hậu môn trực tràng. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác gây rò hậu môn gồm:

  • Rò hậu môn do phẫu thuật: Phẫu thuật tuyến tiền liệt, cắt tầng sinh môn, cắt búi trĩ,... nếu không xử lý, thực hiện tốt có thể gây biến chứng rò hậu môn.
  • Viêm nhiễm hậu môn: Nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm hậu môn là do một số loại vi khuẩn gây nên (E.coli, vi khuẩn trực tràng, tụ cầu khuẩn,...) làm tăng nguy cơ hình thành rò hậu môn.
  • Vệ sinh không sạch sẽ: Hậu môn là nơi đưa chất thải ra môi trường bên ngoài, vì vậy nếu không vệ sinh sạch sẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm và hình thành rò hậu môn.
Rò hậu môn
Rò hậu môn là một nhiễm khuẩn mạn tính ở vùng hậu môn trực tràng

Rò hậu môn thường dễ nhầm với bệnh áp xe hậu môn, vì vậy các triệu chứng của bệnh rò hậu môn như sau:

  • Hậu môn bị sưng: Có thể sờ thấy các khối sưng quanh hậu môn, nếu dùng tay ấn vào sẽ thấy đau. Sưng cũng có thể xuất hiện trong đường rò
  • Áp xe hậu môn: Xuất hiện các ổ mủ gọi là áp xe. Các ổ áp xe nếu không được điều trị triệt để sẽ tạo thành các đường rò và khó điều trị hơn.
  • Ngứa hậu môn: Do bị viêm nhiễm tạo mủ gây bội nhiễm nên người bệnh thường ngứa rát hậu môn. Nếu để càng lâu thì tình trạng này càng nghiêm trọng khiến người bệnh muốn gãi không ngừng.
  • Đau rát quanh hậu môn, có mủ, nứt kẽ: Hậu môn bị sưng đỏ, nứt kẽ gây cảm giác đau rát. Khi mủ trong hậu môn bị vỡ, hiện tượng này sẽ thuyên giảm nhưng sẽ xuất hiện sau một thời gian.
  • Các triệu chứng toàn thân: Nếu bị rò hậu môn, người bệnh sẽ có những triệu chứng toàn thân như bị sốt, rối loạn nội tiết, cơ thể suy nhược.

Bệnh rò hậu môn là căn bệnh không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người bệnh, nhưng nếu để bệnh trở nặng, biến chứng thì người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả nặng nề như:

  • Nhiễm trùng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe: Rò hậu môn sẽ gây đau bụng, chán ăn, khiến người bệnh sụt cân và ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, tình trạng lở loét, chảy mủ nên dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, làm suy giảm sức đề kháng, khiến người bệnh bị thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng người bệnh.
  • Giảm chất lượng cuộc sống: Khi bị rò hậu môn, người bệnh thường có tâm lý mệt mỏi, chán nản, làm giảm sút đáng kể chất lượng sống.
rò hậu môn
Rò hậu môn thường dễ nhầm với bệnh áp xe hậu môn

2. Mục đích đọc kết quả cộng hưởng từ rò hậu môn

Cộng hưởng từ là một phương pháp nhằm đánh giá và phân loại đường rò hậu môn. Chụp cộng hưởng từ rò hậu môn có nhiều ưu điểm trong mô tả chính xác vùng giải phẫu quanh hậu môn, đánh giá được mối liên quan giữa đường rò với vùng chậu hông và hố trực tràng. Đây là phương pháp quan trọng giúp bác sĩ phân tích và đưa ra kết quả dựa trên hình chụp qua từng lát cắt mỏng vùng chậu. Qua đó, đường rò của bạn sẽ được phân loại dựa theo bảng phân loại hiện có. Việc đọc kết quả cộng hưởng từ rò hậu môn nhằm:

  • Đánh giá tổng quan giữa đường rò và cấu trúc lân cận.
  • Chụp cộng hưởng từ rò hậu môn giúp xác định lỗ trong và các tổn thương phối hợp
  • Đánh giá đường rò chính hoặc thứ phát, ổ tụ dịch, tổn thương viêm và vị trí của ổ áp xe (hố gian cơ thắt, hố ngồi – TT, hố ngồi HM).

3. Phương pháp điều trị rò hậu môn

Hiện có 2 phương pháp được áp dụng trong điều trị rò hậu môn. Cụ thể:

Phương pháp nội khoa (phương pháp bảo tồn): Phương pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân mới mắc bệnh ở giai đoạn đầu.

  • Sử dụng các loại thuốc uống và thuốc bôi để ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nhanh chóng làm lành vết thương.
  • Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn và kiêng khem của bác sĩ.

Phương pháp ngoại khoa: Điều trị rò hậu môn bằng phương pháp ngoại khoa thường được áp dụng đối với những bệnh nhân mắc chứng rò hậu môn ở thể nặng, khó điều trị bằng thuốc.

  • Khoét bỏ đường rò và khâu lại cơ thắt bị đứt hoặc phẫu thuật bằng tia laser
  • Chuyển vạt niêm mạc nhằm che lỗ trong đường rò hậu môn
  • Lấp lỗ rò bằng phương pháp sử dụng keo đặc biệt
  • Phẫu thuật rò: Phẫu thuật cắt dọc theo toàn bộ chiều dài của lỗ rò để hở và giúp vết thương lành trở lại.
  • Kỹ thuật Seton: Nếu lỗ rò xuyên qua cơ thắt hậu môn, có thể nên đặt seton giúp lỗ rò thoát dịch trước khi tiến hành thực hiện các phương pháp khác

Giống như bất kỳ điều trị nào khác, điều trị rò hậu môn có thể gây nhiễm trùng, lỗ rò tái phát, đại tiện không tự chủ. Nguy cơ biến chứng còn phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí lỗ rò, nguyên nhân hình thành. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, nếu người bệnh cảm thấy đau nhức hậu môn, muốn rặn, rối loạn đại tiện, sốt nhiễm trùng... thì cần đến cơ sở y tế để khắc phục kịp thời.

Rò hậu môn
Điều trị rò hậu môn bằng phương pháp ngoại khoa thường được áp dụng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

785 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan