Ngủ quá nhiều có hại không?

Ngủ đủ giấc là một trong những điều cần thiết để có một lối sống lành mạnh, tuy nhiên tình trạng ngủ quá nhiều có thể liên quan đến một loạt các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm bệnh tim, tiểu đường và thậm chí là tử vong. Nếu bạn ngủ liên tục hơn 9 tiếng vào mỗi đêm và kèm theo một số triệu chứng sức khoẻ nhất đáng chú ý khác, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

1. Nguyên nhân nào khiến cho một người ngủ quá nhiều?

Thực chất, thời lượng ngủ của mỗi một người có thể thay đổi đáng kể vào từng thời điểm khác nhau trong cuộc sống. Nó có thể phụ thuộc vào một loạt các yếu tố, bao gồm sức khỏe cá nhân, độ tuổi, thói quen luyện tập thể chất và lối sống hàng ngày. Chẳng hạn, khi bạn bị ốm hoặc gặp phải một vấn đề nào đó gây căng thẳng, điều này có thể khiến cho nhu cầu ngủ của bạn tăng lên, tức là bạn sẽ ngủ nhiều hơn trước. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì những người trưởng thành chỉ nên dành thời gian ngủ mỗi đêm của mình không quá 7 tiếng.

Đối với những người mắc chứng ngủ lịm thì việc ngủ quá nhiều thực sự là một vấn đề rối loạn về sức khỏe đáng lo ngại. Tình trạng này có thể khiến cho bạn luôn cảm thấy buồn ngủ cực độ trong suốt cả ngày và dường như không có dấu hiệu thuyên giảm khi bạn cố gắng chớp mắt. Đa số những bệnh nhân mắc chứng ngủ lịm thường có các triệu chứng phổ biến như ít năng lượng, lo lắng và có các vấn đề liên quan đến trí nhớ do nhu cầu ngủ gần như xảy ra liên tục đối với họ.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng có thể làm tăng nhu cầu ngủ của một người, đó là chứng ngưng thở khi ngủ. Chứng rối loạn này có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ bình thường và khiến cho bạn bị ngưng thở trong khoảng từ 10 – 20 giây khi đang ngủ. Do chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nên bạn có thể không cảm nhận thấy. Đây là điều cực kỳ đáng lo ngại vì có thể làm cản trở khả năng phục hồi chu kỳ giấc ngủ của cơ thể, khiến bạn luôn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày và muốn ngủ nhiều hơn. Một số triệu chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ, bao gồm thường xuyên buồn ngủ, đau đầu và hay quên.

Tuy nhiên, không phải ai ngủ quá nhiều cũng được xem là bị rối loạn giấc ngủ. Một số nguyên do khác có thể dẫn đến tình trạng ngủ quá nhiều, chẳng hạn như việc sử dụng thuốc, uống rượu, trầm cảm hoặc đơn giản là người đó muốn ngủ nhiều hơn.

2. Những vấn đề về sức khỏe liên quan đến tình trạng ngủ quá nhiều

Nếu bạn thường xuyên ngủ quá nhiều trong một khoảng thời gian dài, điều này có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn sau:

  • Bệnh béo phì: việc ngủ quá ít hoặc quá nhiều có thể là những nguyên nhân chính khiến cho bạn bị tăng cân nhanh chóng, dẫn đến bệnh béo phì. Một cuộc nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, đối với những người thường xuyên ngủ nhiều từ 9 – 10 tiếng vào mỗi đêm sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn 21% so với những người ngủ đủ giấc (từ 7 – 8 tiếng). Thậm chí, tình trạng ngủ nhiều vẫn có sự tác động lớn đến nguy cơ mắc béo phì ngay cả khi bạn thực hiện biện pháp kiểm soát ăn uống và tập thể dục.
béo phì được định nghĩa là có chỉ số BMI từ 30,0 trở lên.
Thường xuyên ngủ quá nhiều trong một khoảng thời gian dài có thể gây béo phì

  • Bệnh tiểu đường: các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc ngủ không đủ giờ mỗi đêm hoặc ngủ quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Bệnh tim: theo kết quả của một cuộc nghiên cứu gần đây ở hơn 70.000 phụ nữ đã cho thấy, những phụ nữ ngủ có thời lượng ngủ từ 9 – 11 tiếng vào mỗi đêm sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 38% so với những phụ nữ khác chỉ ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.
  • Nhức đầu: đối với những người có tiền sử dễ mắc phải chứng đau nhức đầu thì việc ngủ quá nhiều đôi khi có thể làm bùng phát các cơn đau đầu. Những nhà khoa học cho rằng tình trạng nhức đầu do ngủ quá nhiều có sự liên quan mật thiết đến một số chất dẫn truyền thần kinh trong não, đặc biệt là chất serotonin. Ngoài ra, những người thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm và có xu hướng ngủ quá nhiều vào ban ngày thường rất dễ bị đau nhức đầu vào buổi sáng.
  • Trầm cảm: mặc dù nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm thường do chứng mất ngủ, chứ không phải là tình trạng ngủ quá nhiều. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy có khoảng 15% số người mắc bệnh trầm cảm lại có biểu hiện ngủ quá nhiều. Điều này có thể làm trầm trọng hơn căn bệnh trầm cảm của họ. Do đó, một thói quen ngủ đều đặn chính là chìa khoá vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ tổng thể của con người.

  • Tử vong: các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đối với những người có xu hướng ngủ nhiều từ 9 tiếng trở lên vào mỗi đêm sẽ có tỷ lệ tử vong cao hơn đáng kể so với những người ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng mỗi đêm. Mặc dù mối tương quan giữa tử vong và tình trạng ngủ nhiều vẫn chưa xác định được lý do cụ thể, tuy nhiên các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã phát hiện ra rằng tình trạng kinh tế xã hội thấp và bệnh trầm cảm cũng có liên quan đến việc ngủ quá nhiều của một cá nhân. Hầu hết, những yếu tố này đều xuất hiện ở những người ngủ quá nhiều và có liên quan đến tỷ lệ tử vong của họ.
  • Một số vấn đề sức khoẻ khác: tình trạng ngủ quá nhiều cũng có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn sau: Khó thở khi ngủ, phiền muộn, tăng cân, chứng ngủ rũ, suy giáp, đau lưng, mất trí nhớ hoặc một số vấn đề về nhận thức

3. Làm thế nào để tránh tình trạng ngủ quá nhiều?

Nếu trung bình bạn ngủ hơn 7 – 8 tiếng vào mỗi đêm, tốt nhất bạn nên đến khám bác sĩ để kiểm tra sức khoẻ của mình, từ đó xác định được nguyên nhân cơ bản khiến cho bạn ngủ nhiều hơn bình thường.

Nếu nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngủ quá nhiều là do một số loại thuốc kê đơn hoặc rượu, bạn có thể cắt giảm số lượng hoặc ngừng sử dụng chúng để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, đối với những người đang sử dụng thuốc kê đơn, việc ngừng sử dụng thuốc hoàn toàn cần phải có sự cho phép của bác sĩ. Ngoài ra, nếu tình trạng ngủ quá nhiều là do một số bệnh lý nhất định, bạn có thể tìm đến những phương pháp điều trị thích hợp để phục hồi lại thói quen hay chu kỳ giấc ngủ như bình thường.

SKTQ - khám sức khỏe tổng quát
Hãy gặp bác sĩ khi bạn cần hỗ trợ về vấn đề sức khỏe của mình

Để có được một sức khỏe tốt và tránh xa bệnh tật, quả thực chất lượng giấc ngủ và thời lượng ngủ đều là những yếu tố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mọi người nên cố gắng thiết lập và duy trì cho mình một giấc ngủ lành mạnh, nghĩa là thời lượng ngủ nên kéo dài từ 7 – 8 tiếng vào mỗi đêm. Ngoài ra, bạn nên đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ nhất định trong ngày, đồng thời tránh sử dụng rượu và cafein trước khi đi ngủ. Chưa hết, việc tăng cường các hoạt động thể chất và tạo một không gian thoải mái cho phòng ngủ sẽ giúp bạn có được một giấc ngủ tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com - healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan