Nhiễm ký sinh trùng não có nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhiễm ký sinh trùng ở não hiện đang là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng diễn ra trên rất nhiều đất nước, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiễm giun sán hoặc những loại ký sinh trùng khác lên hệ thần kinh trung ương của người, vì vậy, cần được phát hiện sớm để tránh những hậu quả nguy hiểm.

1. Nhiễm ký sinh trùng ở não

Thông thường, ở những gia đình có vật nuôi hay thú cưng như chó, mèo thì tỉ lệ nhiễm giun sán hay những loài ký sinh trùng khác rất cao, đặc biệt là tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở não. Nguyên nhân được giải thích là do trên cơ thể của các loài động vật như chó, mèo có rất nhiều loài ký sinh trùng gây bệnh cho người, trong đó nguy hiểm hơn cả là giun đũa chó.

Giun đũa chó còn được gọi là Toxocara theo tên khoa học, cơ thể hình trụ dài như chiếc đũa và có kích thước rất nhỏ, giun đũa chó ký sinh trong ruột của các loài chó, mèo và lây bệnh khi phân của những loài động vật này được thải ra môi trường ngoài. Bên cạnh việc loài ký sinh trùng này bị giải phóng ra môi trường ngoài gây bệnh thì khi ôm, vuốt ve những loài chó, mèo cũng sẽ khiến cơ thể nhiễm giun sán.

Sau khi đã xâm nhập vào cơ thể con người, những loài ký sinh trùng gây bệnh này di chuyển đến rất nhiều bộ phận trong ký chủ của nó như gan, phổi, và đặc biệt là đến não, một trong những cơ quan chỉ huy vô cùng quan trọng của người gây nên tình trạng nhiễm ký sinh trùng ở não. Những triệu chứng chính của tình trạng bệnh lý này là mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, sốt, ngứa, nổi mẩn đỏ,... Hoặc cũng có trường hợp bệnh nhân không xuất hiện bất cứ biểu hiện lâm sàng nào, chỉ khi thực hiện xét nghiệm kiểm tra thì mới thấy huyết thanh người bệnh dương tính với ký sinh trùng. Những triệu chứng thần kinh của nhiễm ký sinh trùng ở não cũng rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý thần kinh khác nên việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng để có hướng điều trị chính xác nhất.

Giun đũa chó lây sang người
Việc ôm, vuốt ve những loài chó, mèo cũng sẽ khiến cơ thể nhiễm giun sán.

2. Viêm màng não do ký sinh trùng

Trong nhóm bệnh lý nhiễm ký sinh trùng ở não thì viêm màng não là thể bệnh thường gặp nhất, khi lớp màng bảo vệ hệ thần kinh trung ương gồm bộ não và tủy sống bị nhiễm giun sán. Viêm màng não do ký sinh trùng được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm màng não tăng bạch cầu ái toan.

Nguyên nhân của bệnh lý cũng được biết đến tương tự những trường hợp nhiễm giun sán khác đó là do người bệnh nhiễm phải các loại ký sinh trùng trong quá trình ăn, uống phải những thức ăn chưa được nấu chín và có mầm bệnh bên trong, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với các loài động vật như chó, mèo hay phân của chúng.

Những loài ký sinh trùng thường gây ra viêm màng não đó là giun mạch, giun đầu gai, sán máng, giun đũa chó mèo, sán lá phổi,... Triệu chứng lâm sàng điển hình của viêm màng não do ký sinh trùng đó là sốt, đau đầu nhất là vùng thùy trán, thùy chẩm hoặc thùy thái dương, đau đầu không thuyên giảm khi bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, đau nhiều hơn về ban đêm; buồn nôn, nôn; dị cảm chi; phần cổ và gáy bệnh nhân luôn trong tình trạng đau nhức, mỏi; một số bệnh nhân còn gặp phải hiện tượng cứng cổ.

Một số triệu chứng khác xảy ra do ảnh hưởng đến các cơ quan khác như nhìn đôi vì dây thần kinh vận nhãn bị ảnh hưởng, thị lực suy giảm, tay chân yếu ớt,... Nguy hiểm hơn đó là nếu không phát hiện kịp thời, khi bệnh nhân đã rơi vào tình trạng bệnh lý nặng thì có thể gặp phải hôn mê, tử vong,...

Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng thì hỏi bệnh về yếu tố dịch tễ cũng đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng chẩn đoán những bệnh nhiễm giun sán. Cận lâm sàng thường được chỉ định đó là xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cho kết quả có thể có tăng bạch cầu ái toan, xét nghiệm huyết thanh cho kết quả ký sinh trùng dương tính, thực hiện xét nghiệm dịch não tủy thấy có kháng thể kháng ký sinh trùng và bạch cầu ái toan tăng. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính sọ não cũng có thể giúp các bác sĩ thấy được những dấu hiệu của viêm màng não.

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất với viêm màng não do ký sinh trùng đó là dùng thuốc diệt ký sinh trùng. Ngoài ra, việc phòng bệnh cũng rất quan trọng vì giúp bệnh nhân có thể tránh khỏi những yếu tố nguy cơ cũng như những điều kiện thuận lợi cho ký sinh trùng có thể đi vào cơ thể người bệnh.

Một số lưu ý mà người bệnh cần thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày để ngăn ngừa bệnh đó là không ăn thức ăn sống và chưa được rửa hay chế biến sạch sẽ. Nếu nuôi chó/mèo, cần có cách chăm sóc đúng như tắm rửa thường xuyên, không cho chúng ăn thịt sống vì sẽ dễ đưa ký sinh trùng vào ruột ký sinh, tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo thú cưng, xử lý phân chó/mèo đúng cách, rửa tay thật sạch trước và sau khi tiếp xúc với chó/mèo và trong quá trình ăn uống.

Viêm màng não cấp tính là dấu hiệu của việc nhiễm viêm gan E
Viêm màng não do ký sinh trùng được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng viêm màng não tăng bạch cầu ái toàn.

3. Kết luận

Viêm màng não do ký sinh trùng là bệnh lý nguy hiểm tính mạng hoặc để lại di chứng nặng. Bạn cần giữ một môi trường sống thật lành mạnh, sạch sẽ để phòng chống bệnh và nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, điều trị. Bệnh viện Vinmec là địa chỉ uy tín hàng đầu với phương tiện hiện đại, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan