Những điều cần biết về thở máy

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phú - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thở máy (thông khí cơ học) có thể được định nghĩa là kỹ thuật mà qua đó khí được di chuyển đến và đi từ phổi thông qua một thiết bị bên ngoài được kết nối trực tiếp với bệnh nhân...Thông khí có thể được thực hiện bằng áp lực âm ngoài lồng ngực hoặc áp lực dương ngắt quãng.

1. Mục đích của thở máy là gì?

Mục đích chủ yếu của thở máy nhằm cung cấp sự trợ giúp nhân tạo và tạm thời về thông khí và oxy hóa máu

1.1. Về mặt sinh lý

Điều chỉnh và kiểm soát thông khí phế nang, cải thiện oxy hóa máu động mạch.

  • Duy trì thông khí để khắc phục và dự phòng tăng thán khí.
  • Oxy hoá máu: Tăng FiO2 và/ hoặc tăng PEEP ngăn xẹp phổi, giảm shunt, tăng dung tích khí cặn chức năng (FRC) và tận dụng kéo dài thời gian trao đổi khí.
  • Chủ động kiểm soát thông khí khi có nhu cầu như: Gây mê làm phẫu thuật thủ thuật, bảo vệ đường thở và giảm áp lực nội sọ (chấn thương sọ não, tai biến mạch não...), thủ thuật nội soi phế quản (bơm rửa phế quản phế nang, lấy dị vật)

Giảm tổn thương phổi do thở máy

Giảm gánh nặng chuyển hóa nhờ giải phóng cơ hô hấp: cơ hô hấp được nghỉ ngơi, phục hồi cơ hô hấp.

1.2. Về mặt lâm sàng

  • Giải quyết được tình trạng giảm oxy hóa máu
  • Giải quyết được tình trạng tăng CO2 máu
  • Giảm được tình trạng suy hô hấp
  • Ngăn ngừa và điều trị tình trạng xẹp phổi
  • Giải quyết được tình trạng mệt cơ hô hấp
  • Cho phép sử dụng an thần gây mê =>giảm tiêu thụ oxy toàn thân hoặc cơ tim
  • Cố định thành ngực, kiểm soát và bảo vệ đường thở
Thở máy có tác dụng gì
Thở máy giúp ngăn ngừa tình trạng suy hô hấp ở người bệnh

2. Các chỉ định của thở máy là gì?

2.1. Tổn thương phế nang

  • Viêm phổi: Nhiễm khuẩn, virus, sặc, hít...
  • Phù phổi cấp:
    • Huyết động: Do tim (suy tim trái, NMCT cấp), THA, quá tải thể tích tuần hoàn.
    • Không do tim (ARDS): Nhiễm trùng (cúm A, B; Sarcovi 2...), hít, đuối nước, truyền máu, dập phổi, độ cao.
  • Xuất huyết phổi, ung thư phổi

2.2. Bệnh lý mạch máu phổi

  • Thuyên tắc phổi do huyết khối: Thường do huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới di chuyển lên phổi.
  • Thuyên tắc ối, thuyên tắc mỡ,...

2.3. Tắc nghẽn đường thở

  • Tắc nghẽn đường thở trung tâm
  • Tắc nghẽn đường thở trong lồng ngực
    • Cơn hen phế quản nặng, nguy kịch
    • Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

2.4. Giảm thông khí phế nang

  • Giảm thông do ức chế thần kinh trung ương: Gây mê toàn thân, quá liều thuốc an thần
  • Giảm thông khí do rối loạn thần kinh cơ: Xơ cột bên teo cơ, tổn thương tuỷ cổ, hội chứng Guillance barre, nhược cơ, uốn ván, rắn cắn (cạp nia, hổ chúa),, teo cơ, ngộ độc.
  • Giảm thông khí do bệnh lý thành ngực và màng phổi: Gù vẹo cột sống, chấn thương (mảng sườn di động), tràn khí màng phổi (vừa dẫn lưu vừa thở máy), tràn dịch màng phổi lượng lớn
  • Tăng nhu cầu thông khí: Sốc nhiễm khuẩn, toan chuyển hóa nặng
Chỉ định của máy thở
Máy thở được chỉ định trong trường hợp giảm thông do ức chế thần kinh trung ương do quá liều thuốc an thần

3. Các biến chứng của thở máy là gì?

3.1. Chấn thương do áp lực

Xảy ra khi có tình trạng giãn phổi quá mức do thông khí nhân tạo.

Các biến chứng có thể gặp:

  • Tràn khí màng phổi
  • Tràn khí trung thất

Khi người bệnh đang thở máy mà xuất hiện tràn khí có thể diễn biến rất nhanh và rất nặng gây suy hô hấp rất nhanh, đe doạ tính mạng người bệnh. Cần phải xử trí ngay lập tức.

Triệu chứng báo hiệu thường là tình trạng chống máy, áp lực đường thở tăng cao, , oxy tụt, người bệnh tím tái, nghe phổi phát hiện được tràn khí màng phổi (thường 1 bên), hoặc dấu hiệu nghi ngờ tràn khí trung thất (tràn khí dưới da vùng cổ).

Biến chứng này có thể gặp nếu thông khí cho bệnh nhân với Vt cao quá, hoặc áp lực cao nguyên đường thở cao quá, nhất là ở bệnh nhân có tình trạng bẫy khí do tắc nghẽn phế quản hay có tình trạng phổi nhỏ (ARDS), đặc biệt là khi có dùng PEEP.

Dự phòng: Đặt Vt và tốc độ dòng khí thích hợp, theo dõi thường xuyên các áp lực đường thở (nhất là Pplateau) và đo auto-PEEP.

Xử trí: Mở màng phổi tối thiểu cấp cứu dẫn lưu khí, điều chỉnh lại thông số máy thở cho thích hợp (bỏ PEEP, giảm Vt, giảm tốc độ dòng, giảm tần số), dùng an thần kiểm soát để bệnh nhân thở theo máy.

3.2. Tổn thương phổi cấp

Tổn thương phổi cấp có thể gặp khi thông khí nhân tạo. Nguyên nhân có thể cũng do áp lực đường thở cao (Pplateau > 30 – 35 cmH2O), thông khí phút lớn, áp lực xuyên phế nang cao, phổi giãn quá mức, gây nên tổn thương màng phế nang – mao mạch.

3.3. Auto PEEP

Bệnh nhân được thở máy với Vt cao và tần số nhanh quá có thể xuất hiện auto-PEEP.

3.4. Rối loạn trao đổi khí

Có thể gặp rối loạn trao đổi khí và thăng bằng kiềm toan nếu thông số của máy được đặt không đúng (tăng thông khí hoặc giảm thông khí quá mức).

3.5. Nhiễm khuẩn bệnh viện

Viêm phổi bệnh viện do thở máy là biến chứng hay gặp và nguy hiểm. Thường do các vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc. Nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao nếu thông khí nhân tạo xâm nhập (có đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản).

Dự phòng: Tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc khử khuẩn máy thở, các biện pháp dự phòng lây chéo trong chăm sóc bệnh nhân.

Nghĩ đến viêm phổi do thở máy khi bệnh nhân có tình trạng sốt xảy ra sau 24 – 48 giờ thở máy. Cần chụp phổi và lấy dịch phế quản xét nghiệm vi khuẩn.

Biến chứng của máy thở
Viêm phổi tại bệnh viện là một biến chứng của máy thở

3.6. Xẹp phổi

Xẹp phổi có thể xảy ra khi có nút đờm bít tắc lòng phế quản, hoặc do thể tích lưu thông thấp làm cho phổi giãn nở kém. Có thể xẹp 1 thuỳ, 1 phân thuỳ, hoặc vi xẹp phổi. Xẹp phổi làm cho tình trạng suy hô hấp nặng lên do rối loạn tỷ lệ thông khí/tưới máu (tăng hiệu ứng shunt).

Dự phòng:

Bảo đảm khai thông đường hô hấp, tránh tắc đờm.

Sử dụng PEEP nếu không có chống chỉ định (PEEP = 5 cmH2O), hoặc thông khí nhân tạo với Vt cao.

3.7. Các biến chứng do ống nội khí quản, mở khí quản

Ống nội khí quản vào 1 bên phế quản (thường là bên phải), tổn thương thanh quản, khí quản, tắc ống do nuốt đờm, tuột ống nội khí quản,...

3.8. Một số biến chứng khác

  • Ảnh hưởng trên tim mạch: Giảm cung lượng tim, hạ huyết áp (nhất là khi dùng PEEP cao hoặc thể tích lưu thông cao).
  • Rối loạn thận - tiết niệu: Giảm tưới máu thận, tăng tiết ADH, ức chế yếu tố bài tiết Na của tâm nhĩ - hậu quả là giảm thanh lọc nước, gây ứ nước toàn thể.
  • Rối loạn tiêu hoá: Chướng bụng, liệt ruột, táo bón do nằm lâu; loét đường tiêu hoá do stress, xuất huyết tiêu hoá do stress.
  • Tăng áp lực nội sọ khi dùng PEEP.
  • Rối loạn tâm thần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan